TỪ CÂU CHUYỆN HÀNH LÝ TÌNH YÊU

Trong những ngày qua có rất nhiều người bày tỏ ý kiến liên quan đến chương trình Game show Hành lý tình yêu - tập 4. Người chơi tên Công Hoàng tự nói mình là người Huế đưa ra quan điểm khắt khe trong việc chọn vợ tương lai. Đáng chú ý, anh này khẳng định “Sẽ ly hôn nếu không sinh được con trai” và giải thích do mỗi khi trong gia đình có giỗ kỵ, “con trai là trụ cột, còn con gái chỉ ngồi mâm dưới thôi”. Hoàng giải thích: “Thường ở các lễ cúng kỵ sẽ làm 2 mâm cỗ: mâm lớn dành cho phái nam, còn mâm dưới (có thể ngồi sau bếp) thì dành cho phái nữ”…

Số ít người cho rằng lời phát biểu của cậu thanh niên trẻ này là suy nghĩ cá nhân. Và đây chỉ là trò chơi mang tính giải trí. Nó không có ý nghĩa gì về mặt văn hóa, ứng xử  cũng như quan niệm của người Huế về vai trò của nam nữ, về hôn nhân và về giới.

Tuy nhiên, số đông tỏ ra bức xúc, phản đối gay gắt lối suy nghĩ này. Trên các diễn đàn mạng xã hội nhiều người đã mỉa mai, phê phán thanh niên này với từ ngữ khá nặng nề. Bởi lẽ, suy nghĩ này quá lạc hậu, nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, nó đi ngược với những mục tiêu mà xã hội hiện đại - không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đang phấn đấu và thực hiện, đó là mục tiêu về bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, việc sinh con trai hay con gái vốn do đàn ông quyết định chứ không phải do phụ nữ. Phát ngôn của trai trai trẻ sống giữa thế kỷ XXI thể hiện sự ngây ngô, thiếu hiểu biết, phản khoa học. Từ đó, vô hình dung đã cổ xúy cho việc lựa chọn giới tính khi sinh, trái với các quy định của pháp luật, với Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Dân số Việt Nam...

Bên cạnh đó, vai trò của người phụ nữ trong lịch sử là không thể phủ nhận. Đặc biệt, đối với dân tộc Việt Nam, người phụ nữ càng không thể thay thế. Họ vừa là những người mẹ tảo tần, người vợ đảm đang, người xây dựng tổ ấm gia đình, cũng là người gánh vác trách nhiệm lao động trong gia đình, góp phần vào sự phát triển của xã hội. Do đó, rất nhiều người cảm thấy bị xúc phạm, trong đó không chỉ có phụ nữ, mà cả đàn ông có tư tưởng tiến bộ.

Mặt khác, Game show này được phát sóng vào lúc 20g30 ngày 29/11/2021 trên sóng VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam với số lượng người xem đông đảo. Nhân vật chính là chàng trai tự nói mình là người Huế với quan điểm lệch lạc đã ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm con người Huế, xuyên tạc văn hóa Huế. Văn hóa Huế với hệ giá trị tốt đẹp như đề cao lễ giáo, hiếu học, trọng nghĩa tình, đề cao vai trò của người phụ nữ và quyền trẻ em… đang được người dân Thừa Thiên Huế coi trọng, lưu giữ và không ngừng bồi đắp. Những hệ lụy từ chương trình này phần nào đã ảnh hưởng đến hình ảnh và những nỗ lực mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng.

Với cá nhân Công Hoàng, trước những phản ứng gay gắt từ khán giả, sự chỉ trích của cộng đồng mạng, Công Hoàng đã chính thức gửi lời xin lỗi tới khán giả và người dân Huế. Thiết nghĩ, đây là bài học cho các bạn trẻ, cần phải có bản lĩnh, chính kiến và tri thức của mình, để không bị biến thành “con rối”, bị dẫn dắt, dàn cảnh.

Điều quan trọng hơn, dù là chia sẻ của cá nhân người chơi nhưng việc để chương trình với thông điệp phản nhân văn xuất hiện trên sóng, nhất là trong khung giờ vàng của Đài Truyền hình Việt Nam là điều khó chấp nhận. Nhất là khi toàn dân đang hừng hực khí thế xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sau Hội nghị văn hóa toàn quốc (tổ chức ngày 24/11/2021).

Chắc chắn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có ý kiến kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương để có sự chỉ đạo và chấn chỉnh kịp thời; để các chương trình truyền hình, dù là giải trí sẽ mang thông điệp giàu tính xây dựng, nhân văn và ngày càng văn minh hơn.

NGỌC BÍCH