DẦU ĐANG ĐỔ VÀO CHẢO LỬA TRUNG ĐÔNG

Hàng loạt vụ tấn công bằng tên lửa của Iran vào các căn cứ quân sự của Iraq có quân Mỹ đồn trú đang thêm dầu vào chảo lửa căng thẳng Washington – Tehran, có thể bùng phát thành một cuộc chiến toàn diện.

Màn “trả đũa” Mỹ của Iran

Chảo lửa tại Trung Đông đã “cháy rực” sau vụ Iran tiến hành nã 22 quả tên lửa vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq sáng hôm 8-1. Quân đội Iraq sau đó đã lên tiếng xác nhận vụ việc và cho biết có 17 tên lửa rơi xuống căn cứ Ain al-Asad, bao gồm 2 tên lửa không phát nổ. Số tên lửa còn lại nhắm vào trụ sở liên minh quân đội tại Erbil.

Ngay sau vụ tấn công, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết: “Iran đã tiến hành và kết thúc các biện pháp tự vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhắm vào các căn cứ mà từ đó xuất phát cuộc tấn công vũ trang hèn nhát chống lại công dân và các quan chức cấp cao của chúng tôi đã được đưa ra”. “Chúng tôi không muốn căng thẳng hay chiến tranh”, ông Zarif nói. Về phần mình, Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter: “Tất cả đều ổn! Tên lửa được phóng từ Iran vào hai căn cứ quân sự ở Iraq… Mọi thứ vẫn tốt đẹp! Chúng ta có quân đội mạnh nhất và được trang bị tốt nhất ở bất cứ đâu trên thế giới, thực sự vượt trội!...”.

 
 

Trên thực tế, Iran đã bác bỏ những nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng nước này không thể đáp trả những hành động khiêu khích ồ ạt gần đây của Mỹ, trong đó vụ không kích nhằm vào sân bay ở Baghdad khiến tướng Qassem Soleimani, lãnh đạo lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran, thiệt mạng hôm 3-1 vừa qua. 

Cuộc tấn công bất ngờ của Iran, dù đến nay được cho là không gây thương vong, nhưng cũng đã phá vỡ quan điểm của nhiều đồng minh của ông Trump rằng cuộc không kích khiến tướng Soleimani  đã đủ sức răn đe Iran. Khác xa với việc ngăn chặn một cuộc chiến như lời hứa của ông chủ Nhà Trắng, vụ không kích này có thể đã khơi mào một cuộc chiến thực sự.

Dư luận quốc tế kêu gọi các bên giảm căng thẳng

Việc Mỹ-Iran cụ thể hóa những cảnh báo đáp trả nhau bằng hành động quân sự đã khiến tình hình ngày một căng thẳng tại Trung Đông. Điều này cũng làm cộng đồng quốc tế liên tục “đứng ngồi không yên”, kêu gọi các bên nhằm giảm căng thẳng, đồng thời ráo riết triển khai các biện pháp bảo vệ công dân của mình tại Iraq. 

"Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan giải quyết đúng đắn sự khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình như lập kế hoạch và đàm phán, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Vùng Vịnh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.

Tại cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) hôm 8-1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung thu thập, phân tích thông tin về tình hình khu vực Trung Đông để chuẩn bị các phương án đối phó với tình trạng bất ổn có thể xảy ra, nhất là kế hoạch bảo vệ công dân tại khu vực này. 

Cùng với đó, Tokyo sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại Trung Đông để có quyết định cuối cùng về chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới 3 nước tại khu vực Trung Đông dự kiến diễn ra vào giữa tháng này.

Với khoảng 2,3 triệu người đang làm việc ở Trung Đông, trong đó có 1.600 người làm việc ở Iraq, Philippines đã nâng mức cảnh báo tại Iraq đối với người lao động nước này lên cấp cấp 4, bắt buộc các công dân phải sơ tán, ông Eduardo Mendez, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines thông báo. Philippines cũng đã triển khai tàu và máy bay đến khu vực để giúp những người dân muốn về nhà hoặc di chuyển đến các nơi an toàn hơn.

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, nhiều hãng hàng không quốc tế lớn đã tiến hành chuyển hướng chuyến bay của mình khỏi không phận Iran. Singapore Airlines, Hãng hàng không EVA của Đài Loan, Malaysia Airlines, các hãng hàng không lớn của Mỹ bao gồm American Airlines và Delta… đều đưa ra tuyên bố các chuyến bay của họ đến và đi khỏi châu Âu đã bị chuyển hướng, đồng thời cho biết đang “theo dõi tình hình chặt chẽ và sẽ có điều chỉnh phù hợp nếu cần thiết”. Cục Hàng không Liên bang Mỹ cũng đã ra thông báo hạn chế máy bay phi quân sự của Mỹ “hoạt động trên không phận trên lãnh thổ Iraq, Iran, vùng biển của Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman”.

 
Tên lửa Iran khai hỏa.

Bước đi nào cho ông Trump?

Trong khi vụ tấn công bằng tên lửa này là cuộc đối đầu trực diện hiếm hoi giữa Mỹ và Iran, nó không mạnh như tưởng tượng nếu so với tầm quan trọng biểu tượng của Soleimani với Iran. Câu hỏi hiện giờ là Tổng thống Trump, đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, sẽ phản pháo thế nào? Theo CNN, hiện tại, có vẻ như ông Trump chỉ có 2 sự lựa chọn.

Đầu tiên, đâm lao thì theo lao, ông có thể tiếp tục theo các lời đe dọa của mình và tiến thêm một bước trong chu kỳ leo thang căng thẳng. Trong kịch bản này, và trong bối cảnh Iran đã bắn tên lửa vào mục tiêu Mỹ từ chính lãnh thổ của mình, có vẻ như chắc chắn Mỹ sẽ tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Iran. Và từ đó, Iran sẽ tham gia vào một cuộc chiến toàn diện. “Nếu Iran làm bất cứ điều gì mà họ không nên làm, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả và rất nặng nề”, Tổng thống Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục ngày 7-1.

Ông Trump có thể lựa chọn chấp nhận lối chơi của Iran khi nước này đáp trả vụ ám sát Soleimani và kìm hãm cơn thịnh nộ của quân đội Mỹ. Trong khi Tehran không bắn thẳng đến quân đội Mỹ, nước này vẫn có thể tiến hành các bước với khả năng cao dẫn đến thương vong lớn cho Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trump sẽ không bao giờ chịu lùi bước nếu phía Mỹ có tổn hại. “Câu thần chú” của ông là khi bị tấn công, phải đáp trả mãnh liệt hơn, một triết lý dường như đã được thể hiện thông qua vụ không kích giết chết tướng Soleimani, động thái khiến một số quan chức trong chính quyền Trump cũng phải bất ngờ. Thế nhưng, vào thời điểm chính trị rối ren này, ông Trump có thể bị kéo đi theo hướng khác. Ông Trump trước nay vẫn có ý định rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi các mặt trận trên toàn thế giới. Ông thấy việc triển khai quân ra nước ngoài là một sự lãng phí ngân sách. “Chúng ta không muốn mắc kẹt ở đó mãi mãi, chúng ta muốn có thể thoát khỏi đó. Tôi chưa từng muốn ở đó, thành thật mà nói”, ông Trump từng chia sẻ.

Không giống như suy đoán của nhiều người, Mỹ không hề trả đũa ngay lập tức vụ tấn công ngày 8-1. Tổng thống Mỹ dường như lan tỏa cái “thở phảo nhẹ nhõm” rằng không có binh sĩ Mỹ nào thiệt mạng trong vụ tấn công. Ông Trump cũng không đưa ra tuyên bố quốc gia nào từ Văn phòng Tổng thống về vụ việc. Có lẽ, một quãng nghỉ ngắn sẽ giúp ông Trump có đủ thời gian để suy ngẫm. Tướng nghỉ hưu Mark Hertling đã đưa ra lời khuyên rằng “nên kiềm chế”. “Thật dễ dàng để rơi vào và bắt đầu một cuộc chiến, nhưng kiềm chế bản thân khỏi nó mới là việc khó làm”, ông Hertling cho biết.

Theo CAND online