CẦN 30 TỶ USD ĐỂ PHÁT TRIỂN VACCINE VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, một sáng kiến toàn cầu về tăng tốc phát triển và sản xuất các xét nghiệm, vaccine và phương pháp điều trị COVID-19 sẽ đòi hỏi hơn 30 tỷ USD trong năm 2021.

WHO kêu gọi đầu tư 30 tỷ USD để sản xuất và phát triển phương pháp xét nghiệm, vaccine và cách thức điều trị COVID-19. Ảnh minh họa: Thomas Angus/ Vnexpress

Cho đến nay, mới chỉ có 3,4 tỷ USD đã được đóng góp và vẫn còn thiếu 27,9 tỷ USD trong 12 tháng tới, bao gồm 14 tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu tức thời.

Ngozi Okonjo-Iweala, Cựu Bộ trưởng Nigeria nhận định: “Đây là khoản tiền đáng đầu tư. Nếu chúng ta không chung sức ngay bây giờ, tổn thất của con người và nỗi đau kinh tế sẽ ngày càng sâu sắc. Nếu chúng ta chi hàng tỷ đồng bây giờ, sau này chúng ta sẽ không phải chi hàng nghìn tỷ khác. Đã đến lúc phải hành động và cách thức là hành động cùng nhau”.

Ngoài ra, Cựu bộ trưởng Ngozi cũng nhấn mạnh sự quan trọng trong cách tiếp cận bình đẳng, cho phép mọi loại vaccine và phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả được phát triển.

Nhận xét của bà được đưa ra khi có gần 490.000 ca tử vong do COVID-19 đã ghi nhận trên toàn thế giới, cộng với đó là hơn 9,6 triệu ca nhiễm.

Nhất trí về quan điểm của sự đoàn kết giữa các nước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định khoản đầu tư cần thiết sẽ có thể được sử dụng để tiến hành 500 triệu xét nghiệm và 245 triệu biện pháp điều trị cho các nước thu nhập trung bình thấp vào giữa năm 2021.

Tổ chức cũng đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm tới.

Về tình hình một số nước, tại Anh, chính phủ nước này mới đây đã tuyên bố sẽ dỡ bỏ yêu cầu cách ly 14 ngày đối với những người đến Anh từ các nước có nguy cơ nhiễm COVID-19 thấp. Anh vẫn hạn chế đi lại, song việc di chuyển thiết yếu ngoài lãnh thổ Anh vẫn được nước này nới lỏng cho một số quốc gia và khu vực.

Như vậy, một hội đồng chuyên gia sẽ chia các quốc gia làm 3 nhóm với 3 màu tương ứng: xanh lá cây, màu hổ phách và đỏ. Hành khách đến từ các quốc gia xanh lá và hổ phách sẽ không phải cách ly 14 ngày ngay sau khi nhập cảnh.

“Hệ thống đánh giá rủi ro của chúng tôi sẽ cho phép Anh cẩn thận hơn trong việc mở lại một số tuyến đường du lịch an toàn trên thế giới. Nhưng chúng tôi cũng không ngần ngại ngưng chính sách này ngay lập tức nếu có vấn đề xuất hiện”, một phát ngôn viên của chính phủ Anh cho hay.

Trong khi đó, nguyên tắc áp dụng cho các nước thuộc nhóm màu đỏ vẫn không thay đổi.

Tuy nhiên ở Brazil, đại dịch COVID-19 đã lây lan cho hầu khắp các thị trấn nhỏ và có nguy cơ quay trở lại các thành phố lớn với hiệu ứng “boomerang”. Đây là hậu quả do thiếu điều trị y tế chuyên khoa khiến các bệnh nhân ở khu vực nông thôn tìm đến các bệnh viện lớn ở khu đô thị nhiều hơn.

Hiện Brazil là nước có tình trạng dịch phức tạp thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ khi có hơn 1,2 triệu ca nhiễm, gần 55.000 người tử vong. Trong một số ngày qua, thậm chí tốc độ lây lan bệnh ở Brazil còn nhanh hơn cả ở Mỹ.