GIẢI PHÓNG MIỀN NAM 30/4 VÀ NHỮNG CA KHÚC BẤT TỬ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Chiến thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, mở ra một tương lai rạng rỡ của đất nước. Sự kiện này là nguồn cảm hứng lớn lao, mãnh liệt cho hàng loạt ca khúc ra đời.

"Đất nước trọn niềm vui" – Hoàng Hà

Bài hát "Đất nước trọn niềm vui" được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Khi nghe tin quân ta đang thẳng tiến về Sài Gòn, nhạc sĩ đã dâng trào cảm xúc, viết nên những giai điệu mượt mà, tinh tế báo hiệu ngày vui của dân tộc đang đến rất gần. 

Ca khúc là tiếng lòng của tác giả, thể hiện niềm hạnh phúc vô biên khi đất nước hoàn toàn giải phóng: "Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng". Điều đặc biệt, ông chia sẻ, khi viết ca khúc để đời này, ông chưa từng một lần đặt chân vào đất Sài Gòn.

"Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" - Xuân Hồng

Ca khúc "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" được nhạc sĩ Xuân Hồng viết trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn mùa xuân 1975. Lúc này, khi những lời nhạc đầu tiên hình thành trong đầu, ông đã phải ghi vội lên cánh tay, viết lên lá cây để lưu lại lời cho khỏi quên. Khi vào đến Sài Gòn, tác giả chứng kiến thời khắc năm cánh quân giải phóng hiên ngang tiến về Sài Gòn, lật đổ chính quyền Sài Gòn, một trang sử mới của dân tộc được mở ra. 

Từ sự xúc động của thời khắc lịch sử 30/4, ông đã chỉnh sửa ca từ và hoàn thiện bài hát "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh". Từ đó, bài hát cứ vang lên vui tươi, rộn ràng đầy ắp tự hào, tha thiết: "Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi ra lá trổ hoa/ Chào mùa xuân về với mọi nhà… Thành phố Hồ Chí Minh quê ta/ Đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói/ Lưu danh đến muôn đời".

"Như có Bác trong ngày vui đại thắng" - Phạm Tuyên

Bài "Như có Bác trong ngày đại thắng" được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đêm 28/4/1975 và thu âm ngay trong chiều 30/4 để phát sóng kịp thời trong bản tin thời sự đặc biệt 17h cùng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam, chính thức công bố tin Việt Nam hoàn toàn độc lập.

"Lời bài hát như là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu mình mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang khúc ca này. Và cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là tôi thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra nó", nhạc sĩ Phạm Tuyên từng nói.

"Tiến về Sài Gòn" – Lưu Hữu Phước

Bài hát Tiến về Sài Gòn được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết vào tháng 4/1966, tức là 9 năm trước khi giải phóng miền Nam. Bài hát như lời định hướng báo trước, rồi cùng với các tác giả tác phẩm âm nhạc khác giục giã, thôi thúc vào "trận cuối là trận này" và rồi trở thành bài ngợi ca chiến thắng, Bắc Nam sum họp, thống nhất nước nhà năm 1975. Người đầu tiên hát "Tiến về Sài Gòn" là nghệ sĩ Quang Hưng (1934 – 2014). 

Cố nghệ sĩ Quang Hưng sinh thời từng chia sẻ: "Có thể nói trong đời tôi, kể từ giây phút tôi cất tiếng hát Tiến về Sài Gòn thì bài hát này đã là định mệnh thiêng liêng. Cho đến khi nghe giọng hát của mình trên sóng phát thanh, tôi đã reo lên: Toàn thắng rồi!. Được nghe giọng hát của chính mình, niềm vui trong tôi cứ lớn dần, khó tả lắm. Bài hát này tôi hát bằng tất cả tấm lòng hướng về miền Nam yêu dấu".

"Giải phóng miền Nam" - Lưu Hữu Phước

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phác thảo lần đầu tiên ca khúc này vào năm 1961, nhân dịp thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cùng với "Tiến về Sài Gòn", bài hát này cũng mang tính tiên đoán chính xác thời điểm giải phóng đất nước. Khi duyệt bài hát này, ông Phạm Hùng, khi đó là cán bộ cấp cao của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã đứng lên nói to: "Được rồi, hay lắm! Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng! Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng! Vận nước đã đến rồi... Hay hết sức! Hoan nghênh và cảm ơn các đồng chí".

Ca khúc này sau đó đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi qua sóng phát thanh của Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam và các đoàn văn công quân Giải phóng.

Dân Việt