Góp thêm tư liệu cho “nhà di sản”

Năm 1996, UBND TP. Huế mượn ngôi nhà trên để giao cho Ban Điều hành Dự án Nhà di sản TP. Huế hoạt động trong vòng 10 năm.

Tu bổ, phục hồi Nhà Di sản 19 Lê Văn Hưu, phường Thuận Lộc - Tp Huế (2002-2003)

Nhà di sản ở số 117 (số cũ 73) Lê Thánh Tôn, TP. Huế nguyên là ngôi nhà vườn của ông Võ hiển Đại thần Trương Đại Nhân (Trương Như Cương) (1). Năm 1988, con cháu trong gia đình họ Trương bán ngôi nhà vườn này cho UBND phường Thuận Lộc quản lý, sử dụng. Năm 1996, UBND TP. Huế mượn ngôi nhà trên để giao cho Ban Điều hành Dự án Nhà di sản TP. Huế hoạt động trong vòng 10 năm. Năm 1999, Nhà di sản 117 Lê Thánh Tôn được trùng tu (2). Tuy nhiên trước đó “Từ tháng 11/1997, Cộng đồng đô thị Lille (Cộng hòa Pháp) và tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết một thỏa thuận hợp tác dưới sự hướng dẫn của UNESSCO nhằm mở ra một “Nhà di sản” và cùng nhau nghiên cứu lập bản quy chế về phát huy giá trị của thành phố di sản, đến tháng 11/2000, với kết quả nghiên cứu kiến trúc nhà ở (nhà rường) và bảo tồn một ngôi nhà truyền thống ở số 73 (số mới 117) Lê Thánh Tôn, phường Thuận Lộc" (3). Đây là ngôi nhà kiểu mẫu của nhà vườn xứ Huế.

Những tư liệu nêu trên còn cho biết thêm: “Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, thư ký, phiên dịch Ban Điều hành Dự án Nhà di sản TP. Huế, từ năm 1999 đến năm 2008, với sự giúp đỡ tài chính của Cộng đồng đô thị Lille (Pháp), Hội đồng vùng Nord-Pas de Calais (Pháp) và Thượng viện Pháp, Ban Điều hành Dự án Nhà di sản TP. Huế (trực thuộc UBND TP. Huế) đã cho trùng tu, sửa chữa lại 15 nhà di sản, nhà truyền thống trên địa bàn thành phố Huế. Riêng nhà di sản 117 Lê Thánh Tôn với kinh phí gần 1 tỷ đồng trùng tu, sửa chữa lại bộ nhà rường, ngói, cải tạo sân vườn, tôn tạo cây cảnh, lát gạch đường đi sân vườn, tu bổ hàng chè tàu… Sau khi dự án kết thúc, những ngôi nhà đã được trùng tu, sửa chữa giao lại chủ thể cũ quản lý, sử dụng” (4). Festival Huế năm 2006, nhà di sản 117 Lê Thánh Tôn là một điểm dừng chân của tour du lịch sinh thái “Ấn tượng Huế xanh”.

Việc “bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc khẳng định, ngôi nhà nói trên không phải là nhà di sản” (5) và “… ngôi nhà không liên quan gì đến di sản hết” (6) thì tôi đề nghị bà Phan Thị Cúc nên làm việc với UBND TP. Huế để xem lại hồ sơ Nhà di sản 117 Lê Thánh Tôn do dự án Nhà di sản Huế có trùng tu, sửa chữa ngôi nhà vườn này hay không? Được biết, dự án Nhà di sản cũng đã tham gia tu bổ, phục hồi Nhà di sản số 19 Lê Văn Hưu, phường Thuận Lộc vào năm 2002-2003.

Bài, ảnh: DĨNH QUỐC ANH

(1) Địa bộ phường Phú Nhơn (nay, thuộc phường Thuận Lộc), bản chữ Hán lập năm Duy Tân thứ 2 (1908), tờ 2a.

(2) Hải Huế, “Bảo quản, phát huy những ngôi nhà truyền thống, nhà di sản đã trùng tu: Trách nhiệm thuộc về người quản lý, sử dụng”, Báo Thừa Thiên Huế, 10/1/2013, tr3.

(3) Huỳnh Đình Kết, “Nhà vườn Huế - Thực trạng và vấn đề bảo tồn, phát huy”, Di sản Nhà vườn xứ Huế và vấn đề bảo tồn, Huế, tháng 5/2002, tr.205.

 (4) Hải Huế, bài đã dẫn, tr. 3

(5) Nhật Minh, “Tiếc cho nhà di sản”, Báo Thừa Thiên Huế, 3/11/2017, tr. 3

(6) Thái Lộc, “Nhà di sản… đang phá sản”, Báo Tuổi Trẻ, 31/10/2017, tr. 16.