TỰ HÀO 90 NĂM VẺ VANG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG

Trong chặng đường 90 mùa xuân vinh quang của Đảng ta có những chiến công vẻ vang, tô thắm màu cờ đào của ngành Tuyên giáo (1/8/1930 – 1/8/2020).

Lịch sử ngành Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Sau Hội nghị thành lập Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” và đường lối cách mạng của Đảng; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng.

Đặc biệt, ngày 01/8/1930, nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1/8”. Đây là Tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu giữ đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Ngay sau khi tài liệu của Ban Cổ động và Tuyên truyền về “Ngày Quốc tế đỏ” được ban hành, hàng trăm cuộc míttinh, biểu tình cách mạng đã nổ ra, kéo dài hai tháng (từ tháng 8 đến tháng 10/1930). Từ đây, sức mạnh, vị trí và vai trò công tác tuyên truyền của Đảng đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam cùng với mốc son tươi thắm: Ngày 1 tháng 8.

 Đánh giá cao sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (Khoá VIII) quyết định lấy ngày 01/8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

Thật vinh dự và tự hào cho ngành Tuyên giáo, ngay từ khi Đảng mới ra đời chính là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các lãnh tụ tiền bối của Đảng đã trực tiếp làm công tác cách mạng. Trải qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước hiện nay, công tác tuyên giáo tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong phong trào cách mạng, nêu cao tinh thần yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kết hợp sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc với sức mạnh của thời đại, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Nhờ đó, Việt Nam đã chiến thắng các thế lực thực dân, đế quốc và tay sai, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên phát triển giàu mạnh.

Qua các giai đoạn của lịch sử  dân tộc, công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là cái nôi nuôi dưỡng, phát triển, truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống và sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, được coi là một trong những nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của dân tộc trong cuộc đọ sức sống còn với các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược để tự khẳng định mình. Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công tác tuyên giáo tiếp tục góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới tư duy lý luận, xây dựng Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các phong trào quần chúng sâu rộng thực hiện đường lối của Đảng.

Trải qua quá trình phát triển, công tác tư tưởng, lý luận ngày càng được đẩy mạnh: tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tích cực đổi mới về nội dung và phương pháp học tập, tuyên truyền; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...; góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, có ý nghĩa quan trọng, toàn diện đối với công tác xây dựng Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình đất nước, nhất là giúp nhân dân ta vượt qua cơn “chấn động chính trị” toàn cầu trong những năm 1989 - 1991, khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ; cuộc khủng hoảng tài chính khu vực những năm 1997 - 1998; cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới những năm 2008 - 2009 và hiện nay là đại dịch COVID-19 toàn cầu; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; vửa nâng cao cảnh giác phòng chống dịch bệnh, vừa tái khởi động nổ lực thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

Với những thắng lợi to lớn mang tính lịch sử của Đảng bộ Thừa Thiên Huế trong 90 năm qua, là sự kết tinh sức mạnh tổng hợp của nhiều mặt hoạt động, trong đó nhân tố quan trọng có ý nghĩa hàng đầu là công tác Tuyên Giáo. Thực tế lịch sử đã chứng minh, công tác tuyên giáo là một bộ phận trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, có vai trò với sự phát triển của Đảng và sự thành công của cách mạng. Hoạt động Tuyên giáo luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng. Lực lượng tham gia, nội dung, phương thức thực hiện nhiệm vụ tuyên giáo bao giờ cũng phải xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trải qua các chặng đường từ khi Đảng bộ ra đời, hoạt động bí mật, khởi nghĩa giành chính quyền, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ ; đến thời kỳ hòa bình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay, hoạt động Tuyên giáo luôn đa dạng, phong phú, nhạy bén, sâu sát cơ sở, lý luận gắn với thực tiễn và không ngừng vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Đảng bộ Thừa Thiên Huế giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, chúng ta tự hào, đã có những đồng chí lãnh đạo phụ trách, trưởng ban, phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy qua các thời kỳ đã có nhiều cống hiến xuất sắc, trưởng thành vượt bậc, một số đồng chí trở thành người cán bộ lãnh đạo cao cấp có uy tín của Đảng, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam tiêu biểu như: Hải Triều, Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Hoàn...Một số đồng chí khác là ủy viên Trung ương Đảng nhiều khóa và giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh hoặc trọn đời phấn đấu trong ngành Tuyên giáo đầy tâm huyết, tiêu biểu, như: Vũ Thắng, Cao Hữu Duyệt, Tống Hoàng Nguyên, Nguyễn Thanh (Tư Chúc), Nguyễn Đình Thu, Trần Anh Liên, Nguyễn Sự, Hoàng Lanh, Ngô Duy Đàm, Lê Tư Sơn, Ngô Kha và nhiều đồng chí khả kính khác.

Trong những năm qua, tình hình quốc tế diễn biến hết sức phức tap, khó lường (khủng bố, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, tội phạm xuyên quốc gia, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, an ninh thông tin mạng, dịch bệnh nguy hiểm, nhất là từ đầu năm đến nay đại dịch Covid 19 đang hoành hành trên khắp thế giới..); các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với các chiêu bài lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “ tôn giáo” để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; tình hình tranh chấp Biển Đông ngày càng gay go quyết liệt... tất cả những vấn đề đó có ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, dễ gây nên tâm trạng bức xúc, băn khoăn lo lắng trong xã hội. Mặc dù vậy, các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, chính trị - xã hội -  nghề nghiệp luôn nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có định hướng đúng trong trong công tác tư tưởng, đồng thời đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... nên tình hình tư tưởng trong toàn Đảng bộ luôn ổn định và chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tạo được sự nhất trí cao trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân.

Mọi nỗ lực của công tác tuyên giáo là xây dựng niềm tin, trước hết là niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; vào mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đi lên chủ nghĩa xã hội. Có niềm tin mới có ý chí kiên cường, từ đó đi đến hành động tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trở thành lực lượng đông đảo với sức mạnh to lớn, từ sức mạnh tinh thần biến thành sức mạnh vật chất, với sự kiên định vững vàng và không ngừng phát huy tinh thần năng động, sáng tạo.  

Để làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao, mọi cán bộ Tuyên giáo của Đảng phải nhiệt tâm, yêu nghề; tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, luôn có ý thức tu dưỡng rèn luyện về bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức; phải tự giác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thường xuyên đọc sách báo để cập nhật thông tin, thời sự trong nước và quốc tế; sắp xếp thời gian đi cơ sở nắm bắt tình hình thực tiễn của địa phương; coi trọng và biết phân tích các kênh dư luận xã hội; giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn của Đảng, kịp thời định hướng và nhanh nhạy tuyên truyền miệng cũng như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin báo chí.

Trước bối cảnh thông tin đa chiều hiện nay, công tác Tuyên giáo cần coi trọng công tác tuyên truyền miệng, vì đây là kênh thông tin trực tiếp đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhanh nhất, có tính chiến đấu cũng như có sức thuyết phục cao nhất. Đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại; nắm bắt dư luận xã hội kịp thời. Tiếp tục đầu tư cho báo chí; hệ thống các bảo tàng, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, các di sản thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế...nhằm quảng bá vị thế của Thừa Thiên Huế, Di sản văn hóa Huế ra với bạn bè trong nước và quốc tế, cổ vũ Nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi NQ 54-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về Xây dựng và Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nhìn lại lịch sử 90 năm qua, công tác Tuyên giáo của Đảng bộ Thừa Thiên Huế luôn luôn giữ vị trí quan trọng; là vũ khí sắc bén trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của Đảng, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng không ngừng tiến lên. Ngày nay công tác Tuyên Giáo đang phát huy sứ mệnh cao cả của mình: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững niềm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ  nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.                                           

PHAN LÀNG VÂN