SỐNG “HAI MANG”

“Kim Philby là điệp viên hai mang xuất sắc. Ông làm việc cho Cơ quan tình báo mật của Anh (MI6) nhưng là một trong những điệp viên quan trọng nhất của Liên Xô lúc bấy giờ.

Kim Philby

Suốt nhiều năm, Kim Philby phụ trách bộ phận chịu trách nhiệm chống lại những người cộng sản Liên Xô. Hay nói cách khác, công việc của ông là truy tìm, bắt bớ những người cộng sản giống như ông, nhưng điệp viên xuất chúng này vẫn tạo được cho mình một vỏ bọc vô cùng hoàn hảo”.

Câu chuyện được một đồng chí cán bộ "xới lên" trong chuyến công tác đường dài khiến nhiều anh em đi cùng hết sức quan tâm, thảo luận. Phần nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng thuận, hết lời khen ngợi, ghi nhận thành quả và đóng góp của Kim Philby với sự nghiệp cách mạng ở xứ sở bạch dương. Thế nhưng cũng có không ít phản hồi, luận giải ngữ nghĩa của câu chuyện “hai mang”, đưa ra ví dụ về các điệp viên nổi tiếng khác để so sánh với công trạng và tài năng của Kim Philby.

Nghe anh em thảo chuyện một hồi lâu, khi mọi việc chưa ngã ngũ, đồng chí lãnh đạo cơ quan mới mở lời: “Ở đây chúng ta phải hiểu nghĩa “hai mang” chỉ là hình hài bên ngoài, còn thực chất bên trong những điệp viên tài năng đó chỉ có “một mang”, vì họ hy sinh tất cả mọi lợi ích và cả tính mạng của mình để cống hiến cho lý tưởng duy nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Thế nhưng cũng theo đồng chí lãnh đạo cơ quan, hiện trong cuộc sống đời thường vẫn xuất hiện không ít loại "điệp viên hai mang” bị biến tướng về bản chất và hình hài. Họ hoạt động và sống đúng nghĩa “hai mang” nhưng mục đích tối thượng là vì lợi ích bản thân mình. Họ chủ ý tạo ra sự rạn nứt tổ chức, chia rẽ đoàn kết nội bộ; cung kích cả "hai bên", "ba bên"... thậm chí là "nhiều bên" để tạo ra mâu thuẫn nhiều cấp độ, từ đó xun xoe với những người đứng đầu phe cánh, chủ động, tích cực hiến kế, xử lý... Họ lấy lòng cả "nhiều bên" cùng một lúc để khi bên nào giành thắng lợi hoặc giữ thế thượng phong trong các cuộc bầu bán, ứng cử... thì bám víu vào đó, hòng “leo cao, chui sâu” và hạ bệ, vùi dập bên yếu thế hơn.

"Những kẻ sống như thế không ít. Với mỗi người, nếu không kìm nén được lợi ích cá nhân đơn thuần thì cũng có thể biến thành “điệp viên hai mang” bất cứ lúc nào. Do đó, cốt tử là phải giữ được lòng liêm chính, biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích bản thân. Mỗi người cần soi lại chữ lương tâm trong nhân cách: Phải sống sao cho đáng sống-sống sạch sẽ và chí nghĩa, chí tình, chứ không thể là những con “tắc kè chính trị”-“một lòng, hai mặt” với đồng chí, anh em; càng không thể “ăn cây này” mà lại “rào cây khác”, biến mình thành nhân vật chính trong câu chuyện “nuôi ong tay áo” của tổ chức... Và dù rằng các biểu hiện, dấu hiệu thường nhỏ nhặt, đời thường nhưng nếu không nghiêm túc rèn luyện, trau chuốt nhân cách, dẹp bỏ tư lợi và lợi ích nhóm thì hệ lụy, hậu quả khôn lường mà cá nhân phải đón nhận là tất yếu vì “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”- vị lãnh đạo cơ quan vừa dứt lời, không gian trong ô tô bỗng im ắng khác lạ. Dường như tất cả những người có mặt đều đang tự vấn, chiêm nghiệm, soi lại mình!

NGUYỄN TẤN TUÂN