HÀNH VI  VÔ NHÂN ĐẠO KHI TRỤC LỢI TỪ DỊCH BỆNH

        

 

     Ông cha ta có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi thiên tai, dịch bệnh khốn khó được nhà nước hỗ trợ một khoản vật chất tuy không lớn nhưng được coi như là một cứu cánh cho người dân vượt qua hoạn nạn. Gói an sinh cho đại dịch Covid 19 với 62 ngàn tỉ là một khoản hỗ trợ chưa có tiền lệ, một khoản tiền lớn bỏ ra trong điều kiện ngân sách nhà nước còn eo hẹp. Mục đích không  có gí khác hơn là vì cuộc sống của người dân, vì những người yếu thế, khó khăn trong cuộc sống. Có người cho rằng một số nước khác đã chi tài trợ hàng chục tỉ USD, Việt Nam bỏ ra xấp xỉ 3 tỉ USD tài trợ đâu phải là nhiều? Người ta quên rằng những quốc gia giàu, thu ngân sách hàng ngìn tỉ USD/ năm thì người ta chi ra từng đó xem là bình thường. Chúng ta chi một khoản xấp xỉ hơn 10% GDP/một năm trong khi vẫn phải đảm bảo chi thường xuyên, chi đảm bảo an sinh xã hội khác là một cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước. Điều quan trọng nhất là khoản chi này phải đến đúng người, đúng hoàn cảnh khó khăn của dân. Đáng trân trọng hơn có hàng trăm gia đình ở một địa phương miền núi Thanh hóa làm đơn tình nguyện không nhận hỗ trợ chỉ một lý do đơn giản: Dành cho người khác còn có khó khăn hơn mình. Tinh thần đó thể hiện đạo nghĩa: “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Đó là nghĩa cử hết sức cao đẹp cần được nhân rộng, phát huy.

      Vậy nhưng có nơi cán bộ cơ sở lại lợi dụng quyền để đưa người nhà, người thân vào danh sách để hưởng chế độ. Ở một thôn vùng núi Thanh Hóa có 9/11 hộ không thuộc diện cận nghèo lại có trong danh sách, trong khi họ có nhà tầng, thậm chí có cả xe ô tô, các hộ nghèo khác lại không có. Dư luận dân chúng mỉa mai: đó là những nhà cận(gần bên)với hộ nghèo! Hay sự việc ông Trưởng thôn đi vận động những hộ được đưa vào danh sách hộ nghèo ký đơn không nhận tiền, chưa rõ động cơ hay chỉ đạo của cấp nào? Đó là điều làm không đúng và hết sức phi lý. Trong những ngày đầu mùa dịch khẩu trang là mặt hàng có nhiều chuyện lình xình nhất. Thường ngày ít ai để ý, khi có dịch lại là mặt hàng nóng nhất, khó mua nhất, thậm chí còn cao hơn. Giá bình thường chỉ 40 đến 50 ngàn/1hộp, khi vào dịch có nơi nâng lên 150 đến 200 ngàn/ 1 hộp. Người ta găm hàng, thu gom khẩu trang tạo khan hiếm giả tạo để đầu cơ nâng giá. Có nơi còn nhặt khẩu trang qua sử dụng, tái chế bán lại nhằm kiếm lời! Vào thời điểm dịch bùng phát nhiều nơi, những kẻ kinh doanh tung lên mạng tin đồn nơi này, nơi khác có dịch phải cách ly nhằm nâng giá các mặt hàng thiết yếu. Người dân lo sợ đã chen nhau vào siêu thị, các chợ để mua về tích trữ. Các mặt hàng thiết yếu bị sức mua quá lớn dẫn đến cung không đủ cầu một cách giả tạo. Đáng phê phán nhất là những người trong ngành y tế ở một số địa phương được giao mua sắm trang thiết bị chống dịch lại móc nối để nâng giá máy xét nghiệm, phòng cách ly âm để rút tiền từ ngân sách. Bảy người của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà nội bị khởi tố bắt giam là câu chuyện như vậy. Các địa phương khác có hiện tượng tương tự chắc chắn phải được làm sáng tỏ.

     Những hành vi của một số kẻ lợi dụng dịch bệnh,  cố ý rút ngân sách nhà nước, làm giàu trên mồ hôi,nước mắt của người dân là không thể chấp nhận. Trong thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” của cả hệ thống chính trị, toàn dân đoàn kết chống dịch thì những hành vi của những con người đó đã mất hết nhân tính, vô nhân đạo.

 

                                                                                                                NGUYỄN PHƯỚC AN HÒA