BÁC HỒ VÀ NHỮNG MÙA XUÂN CỦA DÂN TỘC !

Những bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh dù được Người viết trong thời điểm lịch sử nào cũng đem đến cho ta ấn tượng của sức mạnh và sự dịu dàng. Đó là tiếng lòng của một người đã dành trọn cuộc đời mình cho dân cho nước. Những vần thơ đó không chỉ phản chiếu tiến trình lịch sử của dân tộc, bình dị, gần gũi với tiếng nói của quần chúng nhân dân, mà còn đậm đà chất thép, như ánh lửa thức tỉnh tâm hồn, chứa chan tình yêu thương, truyền đến đồng bào, chiến sĩ cả nước con đường của hạnh phúc và hy vọng.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, Người không phải là nhà thơ, nhưng thơ là một phần của cuộc đời Người. Những bài thơ, đặc biệt là những bài thơ chúc Tết giản dị, cô đọng của “một người yêu chuộng văn nghệ” đã không chỉ dừng lại ở những lời đúc kết thành tựu của năm đã qua, chỉ ra phương hướng nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm mới, mà còn chan chứa ý thơ, chan chứa một tấm lòng sâu nặng với non sông đất nước, và đó cũng là cảm hứng chủ đạo trong những vần thơ đón xuân mới của người Cha già dân tộc.

1. Thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh là tiếng lòng của một người chiến sĩ cách mạng, của một nhà thơ Mácxít đã dành trọn cuộc đời mình cho dân cho nước. Những vần thơ đó không chỉ phản chiếu tiến trình lịch sử của dân tộc, bình dị, gần gũi với tiếng nói của quần chúng nhân dân, mà còn đậm đà chất thép, như ánh lửa thức tỉnh tâm hồn, chứa chan tình yêu thương, truyền đến đồng bào, chiến sĩ cả nước con đường của hạnh phúc và hy vọng. Vi-ven-xi-ô Hô-xê đã nhận định rằng: đó là những bài thơ “ngắn gọn, tỉnh táo và trong sáng, hoàn toàn cổ điển nhưng biểu lộ những tình cảm và những ý nghĩ của một chiến sĩ ở tuyến đầu của thời đại chúng ta”. “Cấu trúc cổ điển của nó phối hợp với sự phong phú về tình cảm và sự nhạy cảm sôi nổi”, được biểu hiện bởi tài năng nghệ thuật huyền diệu của Hồ Chí Minh, theo sự chỉ đường của trí thông minh của Người, của “một ánh sáng sinh ra từ khổ đau như vậy làm thức tỉnh lý trí và con tim, đây là con người hành động và là nhà thơ”.

Trong 79 mùa xuân của cuộc đời mình, mùa xuân năm 1930 là sự kiện đáng nhớ nhất. Mùa xuân đó, Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Và mùa xuân năm 1941, sau bao mùa xuân bôn ba nơi đất khách quê người, Người trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Truyền khát vọng của mình đến đồng bào và chiến sĩ cả nước, bài thơ xuân Nhâm Ngọ 1942 (đăng trên báo Việt Nam độc lập, ngày 1/1/1942) của Người viết:

“Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt minh ta càng tấn tới!”

Không chỉ có vậy, với tất cả nhuệ khí, sự bền bỉ không mệt mỏi của “người dẫn đường” và giữa những trận chiến cân não liên tục chống lại kẻ thù cùng những khó khăn chồng chất, Hồ Chí Minh vẫn lạc quan cổ vũ, động viên nhân dân tin vào tương lai tất thắng của cách mạng thế giới, và cách mạng Việt Nam. Niềm tin của Người, niềm tin của nhân dân Việt Nam đã trở thành hiện thực sau 15 năm đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cách mạng tháng Tám 1945 đã thành công. Gông xiềng của chế độ thực dân đã bị xóa bỏ. Người dân đã thoát khỏi kếp sống nô lệ lầm than. Nhưng trước dã tâm xâm lược của kẻ thù, Người kêu gọi: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Một lần nữa, đằng sau vẻ dịu dàng của Người là một ý chí sắt thép, dưới bề ngoài giản dị là một tinh thần quật khởi, anh hùng, không gì uy hiếp nổi, và là hiện thân tinh thần yêu tự do tha thiết, của khát vọng về sự giải phóng hoàn toàn, Hồ Chí Minh, vị nguyên thủ quốc gia với sự mẫn cảm chính trị đã truyền đến đồng bào và chiến sĩ cả nước khát vọng và niềm tin thắng lợi trong những vần thơ chúc Tết năm 1946:

“Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”

Cuồn cuộn chảy trong trái tim một Hồ Chí Minh “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, là nét giản dị của ngôn từ và tính chất cô đúc thành phương châm, thành khẩu lệnh được kết hợp tự nhiên “không kể đến vị trí và cảnh ngộ” trong những lời thơ tiếp theo thật giục giã và đầy sức mạnh cổ vũ (Thơ chúc Tết năm 1947):

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”.

Nguồn cảm hứng lãng mạn, sự kết hợp giữa quyết tâm sắt đá và sự tiên tri của bậc thánh nhân với tâm hồn thơ của nhà văn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh luôn hiển hiện niềm tin thắng lợi của cuộc chiến đấu chính nghĩa vì độc lập, tự do của toàn dân tộc, thể hiện trong Thơ chúc Tết xuân năm 1954:

“Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công
Hoà bình, dân chủ Nam Bắc Tây Đông
Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.

2. Những bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh dù được Người viết trong thời điểm lịch sử nào cũng đem đến cho ta ấn tượng của sức mạnh và sự dịu dàng. Từ những lời thơ chúc Tết ấy có thể thấy nhà lãnh đạo cách mạng và người nghệ sĩ đã hoà hợp với nhau trong một chất thép, xuyên suốt và nhất quán. Điểm đặc biệt trong toàn bộ 22 bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh, trải dài từ năm 1942 - 1969 chính là “ngôn ngữ trong thơ đạt đến sự chắt lọc của những phương châm lớn nhưng không bị mài mòn về câu chữ, ngôn từ, như những tín điều với nhiều sáo ngữ.…Tuy vẫn là cách nói gần gũi tự nhiên của cuộc đời, gần với lời nói thông thường nhưng cô đúc như phương châm”. Bởi vậy, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, thì cũng vẫn là một Hồ Chí Minh – niềm tin yêu, sự kính trọng và hy vọng của cả dân tộc đã dành những “lời thân ái” chúc toàn dân nhân dịp Tết năm Bính Thân 1956: “đoàn kết một lòng”, và “miền Bắc thi đua xây dựng, miền Nam giữ vững thành đồng” để kiên định, bền gan trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bước sang năm 1959, một mùa xuân mới đầy ý nghĩa: miền Bắc thực hiện năm cuối kế hoạch 3 năm cải tạo XHCN và miền Nam đang chuyển mình, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chuẩn bị cho phong trào Đồng khởi, “đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công cách mạng”. Và trong bước chuyển mình ấy, bằng ngôn từ mộc mạc, chân tình và ngắn gọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời đầu: “Chúc mừng đồng bào năm mới”. Những năm tháng đó, nỗi bận tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nên Người đặt lên hàng đầu nhiệm vụ sản xuất, xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, để miền Bắc thực sự là hậu thuẫn vững chắc cho đồng bào miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng. Trong bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Hợi 1959, Người viết:

 “Đoàn kết thi đua tiến tới
Hoàn thành kế hoạch ba năm
Thống nhất nước nhà thắng lợi”.

Mùa xuân năm 1960- Xuân Canh Tý, mừng Đảng ta tròn 30 tuổi, mừng Nhà nước ta “15 xuân xanh”, vị Chủ tịch nước chúc đồng bào bền bỉ đấu tranh, đoàn kết thi đua, xây dựng miền Bắc XHCN và miền Nam Thành đồng vững bền mạnh mẽ, để tiến tới “thống nhất nước nhà”. Giản dị và hàm súc, tấm lòng, sự cởi mở, chân tình đầy sảng khoái của tâm hồn thơ Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong câu thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”.

Trong những năm sau đó, thơ chúc Tết, mừng xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn động viên, khích lệ đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam Bắc vững tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc, với một niềm tin tất thắng: Bắc Nam sum họp một nhà. Hồ Chí Minh không chỉ chúc: “Mừng năm mới, mừng xuân mới, Mừng Việt Nam, mừng thế giới” (1961), mừng “cả năm châu phơi phới cờ hồng” (1962) hướng đến “hoà bình thống nhất thành công”, “chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi”, “hoà bình thống nhất quyết thành công”,v.v..Người còn cổ vũ toàn dân đồng bào hai miền “cố gắng mới, tiến bộ mới” (1963), “thi đua sôi nổi”, “đấu tranh anh dũng” (1965), “đoàn kết một lòng” (1966),v,v.. Xuân Đinh Mùi 1967, trong niềm vui chiến thắng của quân dân hai miền Nam Bắc, lời thơ chúc Tết Chủ tịch Hồ Chí Minh reo vui một bài ca chiến đấu và chiến thắng:

“Xuân về xin có một bài ca,
Gửi chúc đồng bào cả nước ta:
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,
Tin mừng thắng trận nở như hoa”

Năm sau, lấy cảm hứng từ nhiệm vụ cách mạng, từ quyết tâm của Bộ Chính trị về chủ trương Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968 trên khắp các đô thị miền Nam và những tin thắng trận ở tiền tuyến, cùng những thành tựu của hậu phương miền Bắc, thơ chúc Tết xuân 1968 của Người khẳng định:

“Xuân này hơn hắn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên!
            Toàn thắng ắt về ta”.

Vẫn rất ngắn gọn, dễ hiểu, vẫn là những dự cảm thiên tài về tính tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, thơ chúc Tết xuân 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bài ca chiến thắng, hào hùng. Không chỉ thôi thúc, động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, bài thơ chúc Tết đó còn là tấm lòng, tình cảm và sự mong tin chiến thắng ở quê nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bởi khi đó Người đang nghỉ chữa bệnh ở Trung Quốc).

Năm 1969, năm cuối cùng cuộc đời Hồ Chí Minh “tận trung với nước, tận hiếu với dân”- cuộc đời một người không hề tiếc nuối điều gì khi phải từ biệt thế gian, chỉ tiếc là không được “phục vụ lâu hơn nữa, dài hơn nữa” cũng là năm Người để lại bài thơ chúc Tết cuối cùng. Có thể nói, đây có lẽ là một trong số những bài thơ hay nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về tinh thần tiến công và niềm vui chiến thắng:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to”.

Cũng giống như mọi khi, bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu của Người thể hiện tập trung tinh thần, ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, và khát vọng “Bắc Nam sum họp một nhà” của toàn dân tộc. Giản dị nhưng cũng không có gì lớn lao hơn nội dung và hình thức ngôn từ của lời thơ chúc Tết - khẩu lệnh tiến công của Người và khẩu lệnh ấy đến với mọi người như giục giã thiết tha:

“Vì độc lập, vì Tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”.

3. Người đã đi xa hơn 40 năm, nhưng niềm vui chiến thắng, niềm vui khát vọng độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của Người, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trở thành hiện thực bằng cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975. Miền Nam đã được giải phóng, hai miền Nam Bắc đã sum họp một nhà.

Sau 35 mùa xuân hoà bình, độc lập, tự do và xây dựng CNXH, Xuân này, đất nước ta, nhân dân ta đón Tết Tân Mão 2011 trong niềm vui của thế và lực mới. Dù không còn được nghe thơ chúc Tết của Người, song những bài thơ chúc Tết năm xưa Người để lại vẫn là một tài sản tinh thần vô giá. Vượt không gian và thời gian, những bài thơ chúc Tết có ý nghĩa về tư tưởng chiến lược, phản ánh sinh động thực tiễn “thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” vẫn luôn sâu đậm trong trái tim, khối óc những người dân Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam đang sống xa Tổ quốc. Dùng thơ chúc Tết để biểu đạt lòng mình, dù chỉ là những lời nói nôm na “vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”- như Người từng nói, và như một vũ khí tuyên truyền để khích lệ, cổ vũ quân dân đoàn kết, thi đua, tiến lên giành những thắng lợi mới, Hồ Chí Minh cũng đồng thời tạo nên giá trị nghệ thuật vững chắc cho những bài thơ mừng xuân của Người.

Đất nước đang vào Xuân, đang rộn ràng tinh thần và niềm tin tưởng vào thắng lợi Đại hội lần thứ XI của Đảng. Trong niềm vui của tinh thần đoàn kết, đổi mới và hội nhập, dù không còn được lắng nghe những vần thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng món quà tinh thần vô giá đối của Người để lại cho đồng bào và chiến sĩ cả nước trong thời khắc thiêng liêng đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới vẫn còn mãi. Bởi rằng, nói như Xan-ti Mau-roi: “Hồ Chí Minh không còn với chúng ta theo nghĩa vật chất. Nhưng Người rất gắn bó với chúng ta về mặt đạo lý, tinh thần”.

Nhớ những vần thơ chúc Tết của Người - những vần thơ gắn bó chặt chẽ với cuộc đời đầy vinh quang và rất đỗi tự hào của Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá, mỗi người đều cảm nhận được từ những lời thơ đó sự biểu đạt suy nghĩ trực tiếp của Người về lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, càng cảm thấy thấm thía hơn ý nghiã sâu xa hàm chứa trong đó. GS. Hà Minh Đức đã viết, thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh phản ánh “tinh thần đồng tâm nhất trí giữa lãnh tụ và quần chúng cách mạng trên mỗi bước đi của thời gian, của lịch sử dân tộc”, nên đó không chỉ là ánh sáng của cuộc đời hiện tại, đó còn là ngôi sao Bắc Đẩu chỉ đường cho dân tộc ta, non sông đất nước ta vững bước bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, và xây dựng thành công một nước Việt Nam XHCN: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

TS. Văn Thị Thanh Mai