50 năm thương nhớ khôn nguôi

Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ ra đi (1969-2019) nhưng với GS.TSKH Nguyễn Quang Thái (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam) - người trực tiếp tham gia tổ chức lễ tang Bác Hồ thì mọi chuyện như mới xảy ra hôm qua.

Đây là lần đầu tiên, ông bộc bạch những kỉ niệm khắc ghi với báo chí. Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng vinh dự được đăng tải những kỉ niệm thiêng liêng này!

Được gặp Bác Hồ

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái kể rằng, gia đình ông cả bên nội và bên ngoại có hai bậc lão thành, sinh ra những năm 1890, đều quen biết Bác Hồ từ những ngày "anh Ba đi tìm đường cứu nước" (1911-1914). 

Ông ngoại ông là Bùi Thiện Cơ xuất thân là ấm sinh, được vào học Trường Hậu bổ Hà Nội, sau khi tốt nghiệp được sang Pháp học tại Trường Thuộc địa ở Paris năm 1911. 

Chính trong thời gian này, Bùi Thiện Cơ có quen biết Nguyễn Tất Thành đang hoạt động tại đó. Sau này, năm 1946, giữa Bác Hồ và cụ Bùi Thiện Cơ vẫn có thư từ qua lại.

Bác rể của GS. Nguyễn Quang Thái là ông Phan Kế Toại vốn là Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong 4 nhiệm kỳ liên tục từ tháng 9-1955 đến tháng 6-1973. 

Những năm 1911-1914, Phan Kế Toại được chính quyền bảo hộ của Pháp trao học bổng du học tại Trường Hành chính thuộc địa (Paris, Pháp). Khi mới sang Pháp, ông đã gặp lại người bạn cũ Nguyễn Sinh Cung, bấy giờ mang tên Nguyễn Tất Thành đang làm nghề phụ bếp trên tàu. Cả hai người lúc đó đã cùng quyết chí sẽ học hành để sau này có sức quản trị đất nước Việt Nam độc lập. 

Mối quan hệ này vẫn khăng khít đến tận sau Cách mạng Tháng 8-1945. Năm 1947, Bác Hồ có thư mời ông Phan Kế Toại ra tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giao cho giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

 
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái tại nhà riêng, tháng 8-2019.

Cha của GS. Nguyễn Quang Thái là ông Nguyễn Văn Hưởng, từ năm 1946 được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm là Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Tư Pháp trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 5-4-1946, đích thân Bác Hồ đã đánh máy "Giấy chứng minh" cấp cho Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng với nội dung: "Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cấp giấy chứng minh này cho ông Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp để ông Thứ trưởng liên lạc với các cơ quan hành chính, quân sự được dễ dàng". 

Cảm động trước sự trân trọng, tin cậy đối với trí thức yêu nước của vị lãnh đạo tối cao đất nước, luật sư Nguyễn Văn Hưởng đã toàn tâm, toàn ý gắn bó với sự nghiệp xây dựng ngành Tư pháp.

Bác trai của GS. Nguyễn Quang Thái là ông Nguyễn Văn Huyên giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục thời kì 1946 - 1975. 

Khi thân mẫu của hai ông Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Hưởng, và là bà nội của GS. Nguyễn Quang Thái qua đời, Bác Hồ đã gửi thư chia buồn tới đại gia đình, lời lẽ thật thân tình: "Cụ Phan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tôi rất buồn được tin bá mẫu qua đời. Nhân danh tôi và nhân danh Chính phủ, tôi kính gửi lời chia buồn với cụ và ông cùng quý quyến".

Với GS. Nguyễn Quang Thái, lần cả nhà ông cùng một số gia đình trí thức được dự cuộc tiếp kiến Bác Hồ năm 1946 tại nhà khách Chính phủ là một kỉ niệm đáng nhớ. 

Đó là một ngày nắng đẹp năm 1946, ông bà Nguyễn Văn Hưởng dẫn theo 4 người con là Vinh, Hiển, Thái, Diệu đến buổi gặp mặt. Cậu bé Thái lúc đó 5 tuổi, em gái út Nguyễn Thị Quang Diệu lúc đó mới 3 tuổi, được mẹ bế trên tay. Khi mấy anh em bước lên bậc tam cấp thì ông Hưởng khẽ nói: "Chào Bác đi, Bác Hồ đó!". 

Trước mắt mấy anh em, Bác với dáng người mảnh khảnh, mặc bộ đồ quen thuộc, cử chỉ ân cần như người thân đón con cháu ở xa về thăm. Bác hỏi: "Các cháu có khỏe không?". Mấy anh em cuống quýt vì lần đầu tiên được đứng gần Bác đến vậy, lí nhí: "Bác ạ! Bác ạ".

Sau đó Bác còn bế em Quang Diệu và cưng nựng. Nhìn cảnh ấy, mấy anh em thấy sung sướng vô cùng. Em Diệu lúc ấy còn bé quá, thấy người lạ bế thì trào nước mắt và quay sang tìm mẹ. Bác Hồ trao lại em Diệu cho bà Hưởng và nhìn mấy anh em, mỉm cười trìu mến. Bác dành thời gian nói chuyện với các gia đình và chia kẹo cho trẻ nhỏ. 

Bà Hưởng nhanh nhảu đứng dậy đỡ lấy đĩa đựng kẹo, nhưng Bác Hồ vẫn giữ chặt lấy và nói: "Cô cứ để tôi. Cô chuẩn bị kể chuyện hoặc hát một bài đi nhé". Cuộc họp mặt diễn ra thân tình và đầm ấm, trở thành kỉ niệm sâu sắc với các thành viên gia đình luật sư Nguyễn Văn Hưởng đến mãi sau này.

11 năm sau, vào năm 1957, Bác Hồ đến thăm Cộng hòa Dân chủ Đức và ghé thăm Trường Thiếu nhi Việt Nam ở thành phố Dresden, cũng là nơi em gái Quang Diệu đang theo học. 

Và cũng chính Quang Diệu cùng một nam sinh được nhà trường cử lên kính tặng Bác Hồ lá cờ truyền thống của nhà trường. Quang Diệu đã khóc, nhưng không phải là do sợ hãi của con trẻ khi được Bác bế trên tay ngày nào, mà vì vinh dự và cảm động.

 
Ba anh em Nguyễn Quang Hiển, Nguyễn Thị Quang Diệu, Nguyễn Quang Thái (bìa phải) tại nơi tản cư ở Tuyên Quang năm 1952

Nhiệm vụ đặc biệt

GS. Nguyễn Quang Thái bồi hồi  nhớ về những ngày thu cách đây 50 năm khi Bác Hồ về cõi vĩnh hằng. Lúc đó ông đang là giảng viên toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông kể rằng ở Hà Nội, ngày 2-9 hằng năm đều có mít tinh, tuần hành. 

Thế nhưng đầu tháng 9-1969 thì không như vậy, tiết trời nóng bức, báo hiệu sắp mưa to. Buổi sáng 3-9-1969, ai cũng cảm thấy đường đột và lo lắng khi nghe thông báo về bệnh tình của Hồ Chủ tịch. Nhưng ai cũng nghĩ rằng Bác sẽ khỏe lại, dịp kỉ niệm 80 năm sinh nhật Bác (1890-1970) không còn xa nữa.

Chiều muộn ngày 3-9, tại nhà số 63 phố Hàm Long - nơi Nguyễn Quang Thái ở cùng bố mẹ, có một người đứng tuổi, ăn nói nghiêm chỉnh, đến tìm gặp và đưa cho ông bức thư tay của đồng chí Trịnh Thuận - Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thư viết ngắn gọn: "Bộ Đại học cần nhờ một việc làm gấp. Hãy đi theo người cầm thư này". 

Sự việc gấp gáp, Nguyễn Quang Thái không kịp ăn cơm chiều, không kịp lấy xe đạp, lên một chiếc xe ôtô đã chờ sẵn và đi ngay. Trên xe, không ai nói câu nào khiến Nguyễn Quang Thái càng thêm hồi hộp. Xe chạy đến thẳng trụ sở UBND TP Hà Nội ở phố Lê Lai. Nguyễn Quang Thái được yêu cầu ngồi chờ ở phòng họp lớn ở tầng một. 

Có vài người đi qua, nhưng không ai hỏi chuyện ông, cũng không nói chuyện với nhau, họ đi lại lặng lẽ nhưng khẩn trương. Nguyễn Quang Thái càng thêm sốt ruột. Đến tối muộn, vị kia trở lại, với giọng nói nhỏ nhẹ nhưng hết sức nghiêm túc: "Anh có biết Bác Hồ ốm không?". "Tôi có biết" - Nguyễn Quang Thái trả lời. 

Rồi ông ấy giải thích: "Chúng tôi ở Thành ủy Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Hôm nay Bác Hồ đã mất rồi! Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị lễ tang Bác Hồ chu đáo nhất. Anh được gọi đến đây vì anh là nhà toán học ứng dụng, nhà vận trù học. Bác Hồ lúc sinh thời rất quan tâm đến vận trù để tiết kiệm và giảm phiền hà cho dân. Nay theo nguyện vọng đó, anh sẽ giúp tổ chức lễ viếng Bác về mặt kỹ thuật sao cho tốt nhất". 

Giây phút đó, Nguyễn Quang Thái thật sự bàng hoàng và đau đớn, không tin nổi Bác đã ra đi. Nhưng rồi ông phải nén sự xúc động, cố tĩnh tâm nghĩ về nhiệm vụ vừa được giao và quyết tâm phải thực hiện một cách chu đáo, chính xác. 

Nguyễn Quang Thái nghĩ rất nhanh và đề nghị "mượn" một trung đội bộ đội bảo vệ trong nửa giờ và được đến quan sát hội trường Ba Đình - nơi sẽ đặt linh cữu của Bác. Cả hai yêu cầu được chấp nhận ngay.

Nguyễn Quang Thái hướng dẫn anh em bộ đội xếp hàng 1, hàng 2, hàng 3 đi đi lại lại theo khẩu lệnh để thử nghiệm xem cách xếp hàng nào hiệu quả. Chiếc đồng hồ Liên xô trở thành công cụ tính thời gian nhanh chậm, lựa chọn khoảng cách tối ưu giữa những người vào viếng. 

Ông quyết định đề xuất phương án xếp hàng hai, người nọ cách người kia 80cm và có thể ghé qua vai nhau để ai cũng được vĩnh biệt Bác lần cuối. Các anh phụ trách cho ông đến hội trường Ba Đình để kiểm tra thực tế. 

Lúc này tại khu vực lễ đài đã có hộp kính sẽ đựng linh cữu Bác Hồ, các chuyên gia y tế Liên Xô cũng đã có mặt và đang thảo luận việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Nguyễn Quang Thái cùng các đồng chí đi cùng lặng lẽ thực hành cách đi lên vị trí viếng từ bên cánh gà bên trái và ra lối cánh gà bên phải.

Phương án do Nguyễn Quang Thái đề xuất được thông qua. Ông được giao nhiệm vụ lên kế hoạch sắp xếp các đoàn viếng từng ngày từng giờ, sao cho nhiều người nhất có thể vào viếng Bác một cách an toàn, thông suốt. Cục Cảnh vệ cấp cho ông 2 tấm giấy đặc biệt, một để vào khu vực bể bơi Ba Đình - nơi Ban Tổ chức lễ tang đang tập trung và một để vào trong khu vực hội trường Ba Đình - nơi đặt linh cữu Bác Hồ. 

Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể ngay từ ngày hôm sau, 4-9-1969. Trong suốt một tuần sau đó, Nguyễn Quang Thái không rời vị trí để nắm thông tin, kiểm tra và điều chỉnh kế hoạch tổ chức cho các đoàn vào viếng Bác một cách kịp thời. Đó cũng là khoảng thời gian quý giá với Nguyễn Quang Thái khi ông luôn được ở gần linh cữu Bác. 

Mấy ngày liền trời đổ mưa không dứt, đông đảo người dân cũng như các đoàn khách quốc tế xếp hàng chờ đợi để được vào viếng Bác. Các em nhỏ được ưu tiên vào viếng Bác sớm hơn lịch dự kiến. 

Sáng ngày 9-9-1969, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra trang nghiêm và cảm động. Đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc điếu văn trong niềm xúc động nghẹn ngào…

Theo CAND