“CHÌA KHÓA VÀNG” BÁC HỒ TẶNG THANH NIÊN

Trong buổi nói chuyện, Bác luôn luôn đặt câu hỏi. Các đội viên người trả lời câu này, người trả lời câu kia. Câu trả lời đúng Bác khen, câu trả lời sai Bác giải thích cặn kẽ...

Sau chiến thắng Biên giới-1950, đường giao thông Thái Nguyên-Bắc Kạn-Cao Bằng được khôi phục. Quốc lộ số 3 là một trong những tuyến đường huyết mạch của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nối liền biên giới Việt-Trung và liên thông với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Con đường này đêm đêm hàng đoàn xe vận tải của ta nối đuôi nhau vận chuyển những thứ thiết yếu phục vụ các mặt trận. Giặc Pháp điên cuồng liên tục ngày đêm đánh phá. Để bảo vệ con đường chiến lược cực kỳ quan trọng, bảo đảm giao thông thông suốt, Đội Thanh niên xung phong (TNXP) trực thuộc Trung ương Đoàn vinh dự được nhận nhiệm vụ bố trí quân dọc suốt tuyến đường, bám trụ những nơi hiểm yếu, nhất là những đoạn đường phải vượt qua đèo cao, suối sâu.

Liên phân đội TNXP 312 được giao bảo vệ cầu Nà Cù nằm trên đường từ thị xã Bắc Kạn đi Cao Bằng đã vật lộn ngày đêm giữ cầu, vì cầu này không chỉ là mục tiêu ném bom của máy bay địch mà còn luôn bị thác lũ cuốn trôi. Các đội viên hằng ngày phải vượt lên gian khổ, bữa ăn thường không đủ no, nhiều khi lại bị đứt bữa vì gạo phía sau chưa lên kịp, phải ăn sắn khô, hoặc vào rừng đào củ mài, còn thức ăn chỉ có măng rừng, rau tàu bay, nhưng khổ nhất vẫn là thiếu muối và sốt rét rừng hoành hành.

Giữa những ngày chiến đấu gian khổ ấy, Bác Hồ đã đến thăm đơn vị, cùng đi có đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp. Bác đến đột ngột, không ngờ, xúc động và vui quá, ai cũng muốn len lách lên phía trước để được nhìn rõ Bác. Bác tươi cười, trìu mến nhìn đàn cháu, Bác giơ tay ra hiệu và nói: “Các cháu ngồi cả xuống”. Thế là toàn Liên phân đội TNXP 312 răm rắp theo lời Bác. Bác ân cần thăm hỏi từ việc ăn, ở, sức khỏe đến việc chiến đấu bảo vệ cầu đường; rồi bằng những lời ngắn gọn, dễ hiểu, Bác kể cho các đội viên nghe về thành công của Đại hội Đảng lần thứ II.

Minh họa: KHOA AN

Đồng chí Việt Thi cho biết: Trong buổi nói chuyện, Bác luôn luôn đặt câu hỏi. Các đội viên người trả lời câu này, người trả lời câu kia. Câu trả lời đúng Bác khen, câu trả lời sai Bác giải thích cặn kẽ. Trong không khí đầm ấm như một gia đình, đột nhiên Bác hỏi:

- Đào núi có khó không?

Tất cả rào rào, người trả lời khó, người trả lời không khó. Bác hỏi thêm:

- Có ai dám đào núi không?

Bác chỉ định một đội viên gái ngồi trước mặt. Đồng chí này đứng lên mạnh dạn thưa:

- Thưa Bác có ạ! TNXP chúng cháu hằng ngày vẫn đào núi để bảo đảm cho giao thông ạ!

Bác gật đầu mỉm cười và hỏi tiếp:

- Có ai lấp biển không?

Câu hỏi này đối với các đội viên thật hóc búa. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, các đội viên TNXP ở đây chưa ai một lần thấy biển, chỉ biết biển qua sách báo hoặc chỉ được nghe câu “vá trời lấp biển”. Nhưng đã không vá được trời thì sao lấp biển được. Tất cả còn đang lúng túng thì Bác đã gỡ bí cho:

- Có chuyện con người dám đào núi, thì cũng có chuyện con người dám lấp biển đấy! Cảng Hải Phòng và nhiều cảng khác trên thế giới đều được con người lấp biển xây dựng nên.

Bác lại hỏi tiếp:

- Lấp biển có khó không?

Cũng như lần trước, người trả lời khó, người trả lời không khó. Bác cười:

- Nói không khó là không đúng, khó đấy nhưng con người vẫn làm được. Muốn làm được thì cần có cái gì?

Tất cả đội viên giơ tay xin nói, người trả lời cần quyết tâm cao, cần bền chí kiên gan, người trả lời cần vượt khổ, cần xung phong dũng cảm…

Bác rất vui:

- Các cháu trả lời đều đúng cả. Tóm lại là việc gì khó đến mấy cũng làm được, chỉ cần quyết chí bền lòng. Tục ngữ ta có câu “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Để các cháu dễ nhớ buổi nói chuyện của Bác hôm nay, Bác tặng các cháu 4 câu:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên

Tất cả đứng dậy vỗ tay. Bác đọc lại từng câu, Bác bảo tất cả đồng thanh đọc lại. Cuối cùng Bác chỉ định đồng chí Việt Thi đọc lại cả 4 câu. Bác và các đội viên cùng cười vỗ tay dài từng đợt, từng đợt.

Bốn câu Bác tặng Liên phân đội TNXP 312 đã nghiễm nhiên trở thành bài thơ tứ tuyệt hoàn chỉnh, cứ hai câu làm thành một cặp câu khẳng định. Khi hai cặp câu khẳng định này hợp lại thành một chỉnh thể thì tư tưởng lớn toát ra.

Cặp câu khẳng định thứ nhất Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền, khẳng định một cách dứt khoát mọi việc trên đời không có việc gì khó, mà nếu như có khó, khó đến mấy đi chăng nữa đều làm được khi lòng bền chí quyết. Vấn đề là ở con người, ở cách nhìn nhận. Từ trước đến nay, đã có nhiều người lý giải, kết luận sâu sắc về vấn đề này. Thức giả Nguyễn Bá Học có câu triết lý nổi tiếng “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Bác Hồ và Nguyễn Bá Học cùng nói về việc đời, luận về đường đời, cùng chỉ ra nguyên nhân tất thắng tất bại là do lòng người (chỉ sợ lòng không bền; lòng người ngại núi e sông) nhưng giữa hai người lại khác nhau ở cách nhìn nhận: Một đằng khẳng định khó (đường đi khó), một đằng khẳng định không khó (không có việc gì khó) nếu quyết tâm làm. Triết lý của Nguyễn Bá Học nghiêng về xác định cái khó của đường đời, cái e ngại của lòng người và ông dừng lại ở cái e ngại ấy; còn Bác Hồ khẳng định mạnh mẽ cái không khó của mọi việc. Cách nhìn nhận của Bác Hồ xuất phát từ phía tích cực, phía chủ động của con người. Cách nhìn nhận này là sự tiếp thu, kế tiếp và phát triển trí tuệ, kinh nghiệm dân gian đã đúc kết: Có công mài sắt, có ngày nên kim; có chí thì nên; nước chảy đá mòn… Như vậy, cùng là triết lý, nhưng triết lý của Nguyễn Bá Học là triết lý của triết lý, dừng lại ở triết lý, không mở được hướng; còn triết lý của Bác Hồ là triết lý hành động, triết lý để hành động.

Triết lý hành động cũng được làm rõ, sáng tỏ ở cặp câu khẳng định thứ hai Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. Cặp câu thứ hai cụ thể hóa vừa lý giải mệnh đề không có việc gì khó vừa khẳng định quyết chí của con người, nó được kết hợp từ hai nguồn mạch: Một là, từ thực tế Liên phân đội TNXP 312 đang ngày đêm đào núi san đường; và câu chuyện trong buổi Bác nói chuyện đã đề cập và dẫn chứng cụ thể: “Cảng Hải Phòng và nhiều cảng biển khác trên thế giới là do con người lấp biển xây dựng nên”; hai là, từ những truyện cổ dân gian đã khắc sâu vào tâm trí mọi người như chuyện về cha con Ngu Công san núi Thái Hàng, chim Tinh Vệ tha rơm lấp biển, cũng như hình tượng thần thoại Nữ Oa đội đá vá trời đã thành những biểu tượng về ý chí và nghị lực của con người.

Vậy là chỉ với hai mươi chữ, từ lời khuyên, lời tặng đã thành bài thơ chứa đựng một triết lý đường đời, việc đời, khẳng định một chân lý có giá trị phổ quát: Con người hoàn toàn cải tạo được hoàn cảnh nếu bền lòng, quyết chí: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.

Bài thơ vang lên giữa rừng khuya trong ánh lửa bập bùng năm ấy là Bác đã trao cho thanh niên một “chìa khóa vàng”, trang bị cho tuổi trẻ một sức mạnh thần kỳ vượt qua những thử thách khó khăn, gian khổ. Không những thế, bài thơ đã nằm lòng, thành câu cửa miệng, thành câu châm ngôn của mỗi người dân Việt Nam trong cuộc sống thường ngày. Bài thơ như một sự nối tiếp, dựng nên thêm một tượng đài về ý chí và nghị lực con người. Điều chắc chắn là bài thơ mãi mãi sống trong tâm trí mọi người, mãi mãi tồn tại cùng thời gian: Quyết chí ắt làm nên.

Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến thanh niên, chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, động viên khích lệ thanh niên cống hiến tài năng, sức trẻ cho cách mạng, cho Tổ quốc. Đáp lại sự quan tâm và niềm tin của Bác, thế hệ thanh niên ngày nay đang tiếp bước thế hệ thanh niên các lớp trước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, luôn xung phong và tiên phong đi đầu Đâu cần thanh niên có/ Đâu khó có thanh niên, xứng danh là rường cột của quốc gia, là con cháu Bác Hồ.

LÊ XUÂN ĐỨC