Từ bỏ thuốc lá kẻo muộn

Con số thống kê từ Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), Bộ Y tế mới đây cho thấy, có 45,3% nam giới của Việt Nam hút thuốc lá; trong đó, có một tỷ lệ đáng kể người trẻ. Điều đáng nói, hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, viêm đường hô hấp... đặc biệt là ung thư phổi.

Huyện Phú Vang hưởng ứng chiến dịch Ngày thế giới không thuốc lá

Tác nhân gây bệnh

Anh NVH. (52 tuổi, Thủy Châu, TX Hương Thủy) tâm sự, anh bắt đầu hút thuốc khi bước vào giảng đường đại học, qua những cuộc vui dã ngoại cùng bạn bè. Thế là nghiện thuốc lá lúc nào chẳng hay. Năm 2014, anh H. có hiện tượng hay khó thở vào buổi sáng. Qua một đợt điều trị dài ngày ở Trung tâm Tim mạch BV Trung ương Huế, bác sĩ khuyên phải từ bỏ thuốc lá để sống khỏe mạnh. Từ lời khuyên của bác sĩ và sự động viên của vợ con, anh H. bỏ hẳn thuốc lá gần 3 năm.

Nhiều năm qua, thế giới và Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền PCTHTL đối với bản thân và cộng đồng. Ngày Thế giới không thuốc lá và tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2018 với chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế Thế giới muốn thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch, đồng thời kêu gọi các quốc gia cần có những hành động kịp thời, hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh về tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ưu tiên thúc đẩy các hoạt động PCTHTL, lồng ghép hoạt động PCTHTL trong các chương trình mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động PCTHTL...

Quyết tâm là thành công

Ông L., công tác tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Vang chia sẻ, bỏ thuốc lá thành công hay không là do ý thức của mỗi người. Trước đây, ông L. là người hút thuốc lá đứng đầu danh sách trong đơn vị. Kể từ ngày TTYT huyện Phú Vang triển khai phong trào từ bỏ thuốc lá, ông L. quyết định bỏ thuốc lá. Ông kể: "Ban đầu cảm giác thiếu khó chịu trong người nhưng từ từ giảm dần tỷ lệ số điếu thuốc hút trong ngày rồi dứt hẳn. Hiện nay, hễ thấy ai phì phèo thuốc lá mình phải tránh, không chịu được khói thuốc".

Ông T. (xã Vinh Hà, Phú Vang) bỏ thuốc lá được hơn 10 năm. Theo chia sẻ của người thân trong gia đình, ông T. hút thuốc từ thời tham gia quân ngũ ở chiến trường Lào. Sau này, vợ và con gái tỉ tê khuyên nhủ, cuối cùng ông T. bỏ được thuốc lá sau nhiều lần gián đoạn. Ông T. bảo: "Bản thân cũng thấy tuổi lớn dần, hút thuốc lá phát sinh bệnh tật, tạo gánh nặng cho gia đình".

Trường hợp khác là ông P., công tác tại Phong Điền từng thuộc dạng “thâm niên” hút thuốc lá. Mười năm trước, thấy sức khỏe suy giảm, người hay hồi hộp, ông P. từ bỏ thuốc lá. Nhờ quyết tâm, ông P. cai thuốc lá thành công, nay sức khỏe ông rất tốt.

Ông Thái Văn Khoa, Phó khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  tỉnh cho rằng, thuốc lá dễ nghiện. Song, nếu quyết tâm, người nghiện thuốc lá không khó để từ bỏ và thực tế có rất nhiều người làm được việc này và nhờ thế mà sức khỏe họ tốt lên, người thân, gia đình cũng vậy. Ông Khoa đưa ra lời khuyên với những người hút thuốc lá nếu muốn bỏ, ngoài quyết tâm của bản thân cần sự hỗ trợ của người thân. Trong thời gian đó, nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao, tránh rượu bia và cà phê...

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, khói thuốc lá chứa hơn 7 ngàn hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh thuộc 4 nhóm chính gồm: ung thư, tim mạch, hô hấp và sinh sản.

Ở Việt Nam, theo điều tra hút thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 45,3%, ở nữ giới là 1,1%, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về số người hút thuốc lá cao nhất. Đặc biệt, có đến hơn 34 triệu người không hút thuốc nhưng phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại gia đình và nơi làm việc.

Theo Thừa Thiên Huế