Tiền vẫn phải bồi thường lại còn “mang” thêm tù tội

K. quê ở tỉnh Quảng Trị, vào TP.Huế sinh sống bằng nghề lái taxi. Ngày 22/6/2016, K. ký hợp đồng ủy quyền sử dụng 1 chiếc xe ô tô với Công ty cổ phần taxi TC Huế.

Theo hợp đồng, công ty giao cho K. ô tô có giá trị 485 triệu đồng để K. sử dụng kinh doanh taxi theo sự điều hành của công ty. Đây là tài sản do công ty đứng ra vay vốn ngân hàng (thế chấp) để mua. Công ty đứng tên chủ xe theo giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô .

Sau khi nhận xe, K. quản lý, sử dụng kinh doanh theo đúng hợp đồng với công ty được một thời gian, hàng tháng đóng tiền gốc và lãi cho công ty. Tính đến tháng 8/2017, K. đã đóng được 168,6 triệu đồng, tương đương 34,7 % giá trị chiếc xe khi công ty giao cho K. Thế rồi, do cần tiền trả nợ, ngày 21/8/2017, K. mang ô tô nói trên đi cầm với giá 60 triệu đồng.

Qua đánh giá, trị giá chiếc xe ô tô tại thời điểm bị K. mang cầm là 360 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền mà K. chiếm đoạt của công ty (trừ 34,7% giá trị chiếc xe thuộc sở hữu của K) là 234,9 triệu đồng.

Chủ cầm đồ trình bày: Biết là xe taxi, nhưng K. mua trả góp và đã góp được hơn 160 triệu đồng. Với suy nghĩ chỉ cầm trong “phần” tài sản của K., sẽ không phạm pháp, nên cho bị cáo cầm 60 triệu đồng. Tương tự, K. cũng phân bua do nợ nần cần tiền trả nợ, lại “hiểu nhầm” về pháp luật, chứ không cố ý phạm tội.

Tòa hỏi: “Chiếc xe taxi mà bị cáo đem đi cầm, có một phần thuộc quyền sở hữu của bị cáo. Tại sao bị cáo không đến công ty, thỏa thuận để hủy hợp đồng, lấy lại một phần tiền?”. K. cho rằng, với suy nghĩ đã trả góp được hơn 160 triệu đồng, đem đi cầm lấy 60 triệu đồng, xem như chỉ lấy lại một phần tiền đã góp. Nếu bỏ ra 60 triệu đồng chuộc xe về, công ty vẫn còn “lời” trăm triệu mà K. đã góp trước đó... Tuy nhiên, K. lại “quên” đã ký hợp đồng với công ty, trước khi chấm dứt hợp đồng, chiếc xe trên vẫn là tài sản của công ty. K. mang đi cầm là phạm tội chiếm đoạt tài sản. 

Cha mẹ K. đã mất. Gia cảnh quá khó khăn nên vợ K. bỏ quê, đem 2 con nhỏ vào TP.Hồ Chí Minh làm công nhân, không có điều kiện trở về quê suốt thời gian K. bị bắt tạm giam và ra tòa. Năm  anh em của K. đều có gia đình và cũng nghèo khó, nên quyết định bán căn nhà cha mẹ để lại, giúp K. có tiền bồi thường thiệt hại. Thế nhưng, người mua đổi ý, không mua nữa, ngay sau khi biết căn nhà nhỏ là “nhà tình thương”. Quá trình điều tra, anh em của K. chạy vạy, vay mượn, gom góp mãi mới được 20 triệu đồng, thay K. bồi thường một phần thiệt hại. Sau này, K phải tiếp tục bồi thường phần còn lại.

Rốt cuộc, tiền cũng phải bồi thường mà lại “mang” thêm tù tội. Giá như K. đừng làm liều thì đã không ra nông nổi.

Theo Thừa Thiên Huế online