Tất bật mưu sinh ngày cuối năm

Khi không khí tết tràn ngập khắp những con đường, ngõ hẻm, len lỏi vào mỗi gia đình, cũng là thời gian vàng để những người lao động nghèo mưu sinh.

 

Giáp tết là khoảng thời gian "vàng” để cánh xích lô kiếm thêm thu nhập

Làm ngày, cày đêm

Chợ Phú Bài (Hương Thủy) mới 3h sáng, gian hàng thịt đã nhộn nhịp người. Dù chưa có ai đi chợ vào giờ ấy nhưng người bán đã lục đục ra thịt bỏ cho các bạn hàng. O Lan, một tiểu thương tỏ ra sốt ruột khi “mối” vẫn chưa đưa thịt về để bỏ cho bạn hàng đang chờ lấy thịt về làm chả. Thịt làm chả “kén” nhất, phải là thịt mông vừa mới ra lò, còn nóng hổi và mềm dẻo, nếu để nguội, thịt “đơ” thì không làm được... Gắn bó với nghề bán thịt heo ngót ngét hơn 10 năm, o Lan kể, tết đến, nhu cầu với mặt hàng này tăng cao nên mỗi ngày, o bán gấp đôi, gấp ba. Lãi nhiều hơn nhưng cũng vất vả hơn, dường như suốt đêm o không ngủ. Sáng bán hàng ở chợ, chiều đi bắt heo, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa xong, chợp mắt một lúc thì đồng đồ điểm 12 giờ đêm, o Lan đã phải có mặt ở lò mổ để kịp đưa thịt về chợ.

Ở khu chợ này, vào những ngày cận tết, các tiểu thương gần như không ngủ. Những gian hàng bán quần áo, đồ gia dụng, bánh kẹo, trái cây… đỏ đèn suốt đêm. Hàng tết tràn ngập, không sức đâu mà dọn vào, dọn ra nên nhiều người túc trực suốt đêm canh hàng. Không khí buôn bán nhộn nhịp cả trong đêm khuya. Những câu chuyện rôm rả quanh chuyện giá cả, hàng hóa và cả chuyện sắm sửa ngày tết như xua đi giá lạnh và cả cơn buồn ngủ.

Quanh năm làm thợ cơ khí nhưng gần tết, anh Quyết lại bắt xe vào Kon Tum buôn dưa hấu về bán. Che tấm bạt trên đường Nguyễn Huệ (TP. Huế),  Quyết cùng những người bạn tỉ mẩn ngồi vẽ chữ “Phúc, Lộc, Thọ” trên từng trái dưa cho khách. Dưa hấu tươi, giá cả phải chăng nên Quyết bán khá đắt hàng. Quyết kể: “Cứ sau 20 tết, tui tranh thủ buôn thêm dưa hấu. Năm nay, tui nhập về 4 tấn dưa, bán từ đây đến 30 tết, hy vọng sẽ hết hàng. Lấy công làm lãi, công việc này cũng giúp tui kiếm thêm tiền tiêu tết”.

Tranh thủ bán dưa hấu ngày tết

Cũng như Quyết, mỗi khi tết về, dì Hạnh chuyển từ công việc bán chè sang bán bao lì xì và đồ trang trí cây cảnh ngày tết. Từ 23 tháng Chạp, cả hai vợ chồng đẩy xe bán dạo trước Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh. Công việc này cũng giúp dì Hạnh trang trải lo tết nhất cho gia đình. Dì Hạnh tâm sự: “Chồng đau ốm không làm được việc nặng nên một mình dì phải bươn chải, gánh chè dạo giúp dì nuôi cả gia đình. Các con đều đã lớn nhưng đồng lương công nhân không đủ cho chúng nuôi con, lấy đâu lo cho cha mẹ già nên dì phải gắng”. Nói rồi giọng dì vui vẻ: “Mấy năm ni, cứ giáp tết dì lại chuyển sang bán bao lì xì và đồ trang trí cây cảnh. Ai cũng cần những mặt hàng này nên khá đắt hàng, mỗi ngày dì cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng”.

Mùa làm ăn

Giáp tết chính là thời điểm kiếm tiền của những người lau dọn nhà cửa. Trong một căn hộ ở khu chung cư Aranya, Nga đang hối hả dọn dẹp nhà thuê. Cô nhanh nhẹn lau mạng nhện trên trần, lau sàn nhà, lau cửa, sắp xếp đồ đạc... Sau một buổi chiều, căn nhà đã được dọn dẹp sáng sủa, ngăn nắp. Nhưng, khắp người Nga toàn bụi, mồ hôi túa ra trên mặt. Nga cho hay, cẩn thận và trung thực là hai yêu cầu hàng đầu đối với những người làm công việc này. Sạch sẽ, tháo vát nên cứ nhà này giới thiệu nhà kia, Nga làm không hết việc.

Gian hàng nhỏ của dì Hạnh trước Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh

Là chủ tiệm may rèm cửa nhưng mấy năm nay, cứ đầu tháng Chạp, Nga nhận dọn dẹp nhà cửa. Giáp tết, nhiều người bận rộn, không có thời gian nên nhu cầu thuê người dọn nhà đón tết tăng cao. Nga rủ thêm vài người nữa lập “đội” vệ sinh nhà cửa. Nhà nào một mình làm không xuể, Nga kêu thêm các thành viên khác. Nga kể: “Mỗi mùa tết, em nhận dọn dẹp vài chục căn nhà, có ngày làm 2 nhà đến tận 10 giờ đêm mới về, mệt thở không ra hơi. Bù lại, công việc này thu nhập khá cao, khoảng 500 ngàn đồng mỗi ngày. Cứ nghĩ kiếm thêm tiền mua sắm tết cho gia đình nên em tham công tiếc việc, lắm hôm bỏ cả bữa trưa”.

Như nhiều lao động nghèo khác, cánh xích lô, xe thồ cũng coi tết là dịp “hái ra tiền”. Tại các khu vực chợ hoa, dù tối mịt nhưng vẫn rất đông xích lô, xe thồ đứng chờ khách thuê chở hoa về nhà. Anh Lê Văn Phương, người đạp xích lô thường trực ở khu vực bán hoa tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh kể: “Từ 20 tháng Chạp, cánh xích lô chúng tôi tìm đến các điểm bán hoa, cây cảnh vận chuyển thuê cho người mua. Ngày nào cũng dày chuyến, nếu chịu khó thì cũng kiếm được 500 nghìn đồng/ngày. Không phải ngày nào cũng có nhiều việc như những ngày giáp tết nên tui cố gắng làm thêm kiếm tiền nuôi con, đạp xích lô đến đêm 30 tết”.

Quanh năm bộn bề với nỗi lo cơm áo gạo tiền, với những người lao động nghèo, giáp tết không phải là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi mà là khoảng “thời gian vàng” để họ kiếm tiền ăn tết. Trên các tuyến đường, dễ dàng bắt gặp những đôi quang gánh, những chiếc xe đạp cũ kĩ, những chuyến xích lô, ba gác vận chuyển chậu hoa cúc rực vàng, cây mai cảnh đang hé nụ, đem mùa xuân đến cho mọi nhà. Ở các khu phố, nhiều người đang tranh thủ “chạy sô” dọn dẹp nhà cửa... Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, mỗi nghề nghiệp khác nhau nhưng đều đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để “cóp nhặt” thêm ít tiền với mong ước mang đến cho gia đình một cái tết tươm tất hơn. Càng cận tết, bước chân của những người lao động nghèo trên nẻo đường mưu sinh dường như càng hối hả hơn. Nhưng, ai cũng vui khi nghĩ đến giá trị công sức lao động được đền đáp xứng đáng.

Theo Thừa Thiên Huế online