NỖ LỰC ĐỂ UNESCO CÔNG NHẬN HUẾ LÀ THÀNH PHỐ SÁNG TẠO

Huế là thành phố có nhiều lợi thế để xây dựng thành phố sáng tạo, là vùng đất lịch sử lâu đời, là nơi hội tụ, giao thoa và tiếp biến nhiều nền văn hóa khác nhau từ tôn giáo – tín ngưỡng, cảnh quan.

Không gian hai bờ sông Hương. Ảnh: Thanh Hương

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời từ năm 2004, với sự tham gia của 180 thành phố thuộc 72 quốc gia. Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.

Ngày 30/10/2019, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azouley công nhận Thủ đô Hà Nội là thành phố sáng tạo của UNESCO. Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO hiện đã có tổng cộng 246 thành phố, phủ khắp tất cả các châu lục và khu vực. Những thành phố này đều hướng tới một sứ mệnh chung là đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị để đưa các thành phố phát triển bền vững, năng động, an toàn, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.

Để được công nhận thành phố sáng tạo, Thủ đô Hà Nội quyết định lựa chọn lĩnh vực thiết kế làm điều kiện ứng cử xây dựng thành phố sáng tạo, bởi đây là mảng có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực còn lại, sẽ thể hiện được đa dạng tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong phát huy sức sáng tạo. Hà Nội cũng bảo đảm các tiêu chuẩn cần có của một thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, như: Có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên…

Thành phố Huế có nhiều lợi thế để xây dựng thành phố sáng tạo, là vùng đất lịch sử lâu đời, là nơi hội tụ, giao thoa và tiếp biến nhiều nền văn hóa khác nhau từ tôn giáo – tín ngưỡng, cảnh quan, mỹ thuật, ẩm thực, trang phục, nếp sống,… Huế là đô thị loại I, thành phố Cố đô, thành phố lễ hội, là trung tâm văn hóa, du lịch của tỉnh. Huế có làng nghề đúc đồng, nghề làm hương truyền thống, sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản phong phú. Đặc biệt ẩm thực Huế nổi tiếng, chiếm hơn 65% trong tổng số gần 3.000 món cả nước, được xem là nghệ thuật và là nét văn hoá của người dân Huế. Ẩm thực Huế nổi tiếng trong và ngoài nước với hai dòng chủ đạo là ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian Huế, là một thương hiệu đặc trưng của Huế. Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực”. Lồng ghép với nội dung trên chúng ta nên xây dựng hồ sơ để đề sớm đề xuất UNESCO công nhận Huế là thành phố sáng tạo về ẩm thực.

Thành phố Huế trở thành “Thành phố sáng tạo” là cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch Huế thông qua quảng bá và phát triển thương hiệu “ Huế - Kinh đô ẩm thực”, đưa Huế thành một trong những nơi có ẩm thực nổi tiếng thế giới,  góp phần xây dựng “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”,  như đề xuất của ông Philip Kotler, người được coi là một trong những nhà sáng lập trường phái marketing hiện đại của thế giới.

Thừa Thiên Huế online