NGƯỜI DÂN LỰA CHỌN DOANH NGHIỆP THAM GIA CẢI TẠO CHUNG CƯ ĐỐNG ĐA

Cải tạo xây dựng lại khu chung cư Đống Đa không phải là thu hồi đất của người dân cấp cho chủ đầu tư mà là người dân lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia thực hiện dự án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho chính mình. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định tại buổi đối thoại với cấp ủy đảng, chính quyền và đại diện cư dân chung cư Đống Đa, phường Phú Nhuận liên quan đến việc cải tạo, xây dựng lại chung cư Đống Đa ngày 2/6.

Tình trạng cơi nới tại khu B chung cư Đống Đa

Không an toàn chịu lực

Khu chung cư Đống Đa bao gồm 05 dãy nhà A, B, C, D, E (từ 02 đến 05 tầng) tại phường Phú Nhuận được xây dựng trong khoảng thời gian năm 1977 – 1991. Đến nay, các khu nhà đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, công năng lạc hậu, chất lượng thấp (nhất là khu nhà A). Toàn khu hiện có 219 hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống với tiện nghi ở thấp, không an toàn. Việc tùy tiện đập phá, dỡ bỏ các bức tường, kết cấu chịu lực tại khu nhà A cũng như các khối nhà khác làm mất an toàn chịu lực công trình, có thể dẫn đến nguy cơ sụp đổ toàn bộ tòa nhà bất cứ lúc nào.

Theo đánh giá kiểm định chất lượng của Công ty CP Tư vấn Xây dựng Thừa Thiên Huế, khu nhà A khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể với mức độ nguy hiểm cấp độ D (mức độ phải di dời dân cư); các khu nhà B, C, D khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ mức độ nguy hiểm cấp C. Riêng khu E khả năng chịu lực của kết cấu cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, cá biệt có cấu kiện ở trạng thái nguy hiểm, nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, công trình đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường.

Nhìn chung, công trình (đặc biệt nhà A) hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị, không an toàn cho sử dụng, đe dọa cuộc sống của hàng trăm hộ dân.

Sàn, tường, trụ... đều bị nứt

Trước đó, năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chủ trương cải tạo đợt 1 Khu chung cư Đống Đa tập trung vào 3 dãy nhà A, B, C. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, tiến độ thực hiện công tác này chưa đảm bảo yêu cầu.

Hiện, UBND tỉnh dự kiến tiến hành cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A, B, C để tái định cư tại chỗ cho các hộ dân; các dãy nhà D, E sẽ tiến hành cải tạo, xây dựng lại khi không còn đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng theo quy định.

Đồng tình chủ trương cải tạo

Các ý kiến tham dự tại buổi đối thoại của đại diện cấp ủy đảng, chính quyền và đại diện cư dân khu chung cư Đống Đa đều tán thành chủ trương cải tạo, xây dựng lại chung cư Đống Đa. Việc cải tạo chung cư sẽ đảm bảo an toàn tính mạng của người dân hiện đang sinh sống tại khu chung cư do công trình đã xuống cấp nặng, có nguy cơ sụp đổ; đồng thời tạo điều kiện thực hiện công tác chỉnh trang bộ mặt đô thị Huế, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn sắp đến.

Bà Nguyễn Thị Thúy Vân, Tổ trưởng Tổ dân phố Đống Đa, chung cư Đống Đa chia sẻ: Chủ trương cải tạo xây dựng lại chung cư Đống Đa rất hợp lý vì hiện trạng chung cư quá xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn và cảnh quan khu vực. Người dân rất mong muốn, tỉnh hỗ trợ trong kêu gọi nhà đầu tư vào nghiên cứu cải tạo chung cư. Chủ đầu tư tham gia nghiên cứu phải có năng lực kinh tế, cam kết đảm bảo tiến độ thực hiện dự án từ 1 đến 3 năm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đồng thời, tỉnh phải có chế tài đi kèm nếu chủ đầu tư không đảm bảo được tiến độ. Về phương án tái định cư cần đưa ra nhiều phương án để người dân chọn phương án phù hợp.

 Một góc chung cư Đống Đa

Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhấn mạnh, cải tạo xây dựng lại khu chung cư Đống Đa không phải là thu hồi đất của người dân cấp cho chủ đầu tư mà là người dân lựa chọn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho chính mình. Người dân chung cư chính là người lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư vốn hoặc góp vốn để thực hiện dự án, tỉnh chỉ giới thiệu các chủ đầu tư có khả năng cho người dân lựa chọn.

Tuy nhiên, trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng nặng thuộc diện bị phá dỡ (khu A, B, C), sau thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày UBND tỉnh công bố công khai kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nếu các chủ sở hữu không thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư dự án thì UBND tỉnh có trách nhiệm cưỡng chế phá dỡ và tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đó.

Phương án bố trí tái định cư phải đảm bảo hạn chế tối đa sự thay đổi chỗ ở về tầng cao và được bố trí theo hướng tịnh tiến chiều cao tầng, tính từ tầng đầu tiên trở lên. Các hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu căn hộ bị giải tỏa được bố trí tái định cư tại căn hộ mới có diện tích sử dụng căn hộ tối thiểu không nhỏ hơn 30 m2 sàn; không phải trả tiền cho chủ đầu tư về phần diện tích tái định cư bằng 1,3 lần diện tích ở hợp pháp cũ. Các hộ gia đình tầng 1 nhà chung cư cũ được ưu tiên xem xét cho thuê một đơn vị diện tích kinh doanh tại khu vực kinh doanh dịch vụ của dự án với thời gian thuê dài hạn và giá thuê do UBND tỉnh quy định.

Sau buổi đối thoại, UBND tỉnh và các sở ngành liên quan sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án chuẩn bị cho buổi đối thoại với tất cả người dân chung cư trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ tiến hành lấy ý kiến người dân để đảm bảo công tác cải tạo xây dựng chung cư đáp ứng được mục tiêu an toà, nâng cao đời sống người dân và cảnh quan cho khu vực trung tâm thành phố.

Thừa Thiên Huế online