NGHE DÂN NÓI, NÓI DÂN HIỂU...

Các mô hình “Dân vận khéo” đã huy động được nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất hiện, thể hiện sự năng động, sáng tạo, đổi mới trong công tác vận động.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng chính quyền địa phương thăm mô hình trồng lúa ở Quảng Điền

Cụ thể, thiết thực

Xuân Thiên Hạ là thôn có dân số đông nhất xã Vinh Xuân (Phú Vang) với 786 hộ, 3.436 nhân khẩu; trong đó, có 60 hộ, với 300 nhân khẩu là đồng bào Công giáo.

Là người Công giáo, lại gắn bó lâu năm tại địa phương, ông Nguyễn Ngọc Từ, Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ hiểu rất rõ nhu cầu, mong muốn của người dân.

Từ thực tế, Trưởng thôn Nguyễn Ngọc Từ nhận thấy, 8ha ruộng lúa tại cánh đồng Ba Nhì của thôn do nằm sát với mặt nước phá Tam Giang nên bị nhiễm mặn, năng suất lúa không cao. Phải chuyển đổi diện tích đất trồng lúa này sang nuôi trồng thủy sản, ông Từ trăn trở. Khi được chi bộ Đảng thôn Xuân Thiên Hạ cho chủ trương, thống nhất phương án chuyển đổi, ông Từ bàn bạc với người dân và được người dân đồng thuận. Hiện nay, cánh đồng Ba Nhì đã trở thành một trong những vùng nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao của xã Vinh Xuân.

“Làm việc gì dù lớn hay nhỏ, dù thuận lợi hay khó khăn, nếu không được dân đồng tình, ủng hộ thì rất khó thực hiện. Tất cả các công việc đều phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. Mình nói cái gì với dân cũng phải trên cơ sở phân tích cái lý, cái tình rõ ràng, đó mới là điều quan trọng để đi đến thành công”, ông Nguyễn Ngọc Từ bộc bạch. Câu chuyện chuyển đổi đất nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản chỉ là một trong rất nhiều việc mà ông Nguyễn Ngọc Từ đã có công lớn trong vai trò là Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ.

Hương Sơn là xã có 100% người đồng bào dân tộc thiểu số, được thành lập năm 1976 của huyện Nam Đông. Đây là xã dân tộc thiểu số đầu tiên trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới và là một trong những địa phương đi đầu trong việc trồng rừng kinh tế, chuyển đổi các diện tích đất sản xuất không có hiệu quả sang trồng nhiều loại cây cho hiệu quả kinh tế cao của huyện Nam Đông.

Ông Hồ Sỹ Thi, già làng thôn Ta Rung, xã Hương Sơn chia sẻ: “Phát huy vai trò già làng, trưởng bản những năm qua bản thân thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con trong thôn, bản đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Chính tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau ngày công, cây con giống, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, nhất là các hộ nghèo đã tạo nên tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt”. 

Thôn Phú Nam, xã Hương Phú (Nam Đông) hiện không có hộ nghèo. Kết quả đó là sự nỗ lực rất lớn của tổ dân vận thôn Phú Nam. Để thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống người dân, tạo bộ mặt mới của thôn, tổ dân vận thôn Phú Nam đã phân công các thành viên trong tổ bám sát cơ sở, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân để làm công tác dân vận. Khi hiểu được ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân trong thôn đã không ngần ngại hiến đất, tự nguyện tham gia ngày công để mở rộng, bê tông nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm…

Tổ trưởng tổ dân vận thôn Phú Nam Hồ Sỹ Tiến thống kê: “Đến nay, tổ dân vận thôn đã vận động người dân được 510 ngày công, hiến 350m2 đất, bê tông hơn 1,2km đường, lắp đặt hơn 2,3km hệ thống đèn điện chiếu sáng trong thôn. Thôn còn vận động người dân xây dựng 1 khu vui chơi cho các cháu, với tổng trị giá 50 triệu đồng. Thôn Phú Nam phấn đấu tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu”…

Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ - Nguyễn Ngọc Từ xã Vinh Xuân (Phú Vang); già làng thôn Ta Rung - Hồ Sỹ Thi, xã Hương Sơn (Nam Đông) tổ dân vận thôn Phú Nam, xã Hương Phú (Nam Đông)... là những điển hình “Dân vận khéo” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen năm 2020.

Bám cơ sở, lắng nghe dân

Đây là thời điểm công tác dân vận của Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã và đang thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về công tác dân vận trong tình hình mới luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành trong tỉnh đặt ra. Trong đó, tập trung chú trọng đến công tác dân vận của cơ quan Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các quần chúng; lực lượng vũ trang; dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vùng đồng bào có tôn giáo; thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở.

“Việc chủ động xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở là một trong những giải pháp quan trọng để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân vừa xây dựng mối đoàn kết, thống nhất cao trong Nhân dân”, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Chí Tài khẳng định.

Hiện nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy đang xây dựng kế hoạch “Nghe dân nói” với mục đích khơi dậy và phát huy hơn nữa tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm, đóng góp ý tưởng, tình cảm, tâm huyết của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn; góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá cao sự đổi mới của Ban Dân vận Tỉnh ủy, nhất là xây dựng kế hoạch “nghe dân nói” và khẳng định, một chính quyền thân thiện là chính quyền nghe dân nói, nói dân hiểu, hiểu dân nói; phải biết tiếp thu, lắng nghe xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân. Vấn đề đặt ra, cần phải có cách thức hiệu quả, đi sâu vào thực chất, đảm bảo đồng bộ, hệ thống với phương châm “hiểu dân nói” và có cơ chế phản hồi để “dân hiểu”.

Trong quá trình tiếp thu, xử lý và theo dõi kết quả xử lý các kiến nghị, đề xuất của người dân cần làm theo phương pháp “hệ thống lại hệ thống”. Nghĩa là, hệ thống tất cả những kiến nghị, phản ánh của người dân để tập trung lại đầu mối, từ đó theo dõi sát, cụ thể, đồng bộ và chất lượng hơn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ thống nhất phương thức gặp gỡ định kỳ các tổ chức tôn giáo, trí thức, doanh nghiệp, thanh niên, phụ nữ… để trực tiếp “nghe dân nói” trong thời gian đến, với mục đích, phát huy và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân khi thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thừa Thiên Huế online