NÂNG CẤP MỞ RỘNG ĐƯỜNG HÀ NỘI: HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU KÉP

Sau bao năm chờ đợi, tuyến đường Hà Nội-TP. Huế sẽ được đầu tư nâng cấp mở rộng, tạo điểm nhấn cho đô thị Huế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ cho hoạt động du lịch ở địa phương.

 

Hiện trạng đường Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Anh Tuấn

Không chỉ là một phần của QL1A qua trung tâm TP. Huế, tuyến đường Hà Nội dài gần 0,9km có điểm đầu nối từ đường Lê Lợi và đường Hùng Vương được người dân Cố đô mệnh danh là trục "xương sống" giữa lòng đô thị Huế.

Hiện nay, hàng ngày phương tiện xe cộ, người dân qua lại đông đúc, thậm chí vào giờ cao điểm đã trở nên quá tải. Đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, mới đây, HĐND tỉnh ra Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng đường Hà Nội, TP. Huế. Dự án (DA) có mức đầu tư gần 135 tỷ đồng bằng vốn ngân sách tỉnh; trong đó phần chi phí xây dựng gần 37 tỷ đồng; còn lại các hạng mục dự phòng, giải phóng mặt bằng... với thời gian xây dựng 3 năm.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Huế - đơn vị chủ đầu tư DA chia sẻ, cách đây 15 năm, cùng với các tuyến đường Hùng Vương, Đống Đa, Lê Duẩn, Lê Quý Đôn..., tuyến đường Hà Nội đã nằm trong quyết định phê duyệt chi tiết Trung tâm phía Nam TP. Huế để nâng cấp mở rộng. Nhưng vì những yếu tố khách quan về mặt tài chính nên đành phải lỡ nhịp.

Hiện tại, theo kế hoạch thiết kế, DA nâng cấp mở rộng đường Hà Nội là 36 mét (hiện trạng là 24 mét); trong đó mặt đường rộng 21 mét được đầu tư cấp cao A1 bằng thảm bê tông nhựa, rãnh vỉa bằng bê tông xi măng, trọng tải thiết kế mặt đường 10 tấn, phù hợp với bố trí 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Để phù hợp cảnh quan một đô thị xanh, dải phân cách của tuyến đường rộng 3 mét và phần vỉa hè hai bên rộng 6 mét được lát đá granit, có bố trí cây xanh bóng mát phù hợp không gian đi bộ mang đặc trưng của một thành phố du lịch sinh thái. Hiện, phần vỉa hè bên bờ trái đường đang triển khai xây dựng rộng từ 5-6 mét bằng nguồn vốn kết dư từ DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế.

Theo ông Nguyễn Việt Bằng, hiện nay Phòng Quản lý đô thị TP. Huế đang triển khai các bước tổ chức mời thầu đơn vị thi công, dự kiến sẽ triển khai trong tháng 9 tới. Do hiện trạng tuyến đường Hà Nội có mật độ giao thông qua lại cao, hai bên có trung tâm thương mại lớn, công viên Kim Đồng, Bệnh viện Trung ương Huế..., nên quá trình thi công sẽ xây dựng phương án tối ưu sạch gọn, hợp lý để đảm bảo chất lượng công trình và mỹ quan đô thị TP. Huế.

Vấn đề đặt ra lớn nhất của DA là công tác giải phóng mặt bằng khi triển khai. Ông Nguyễn Việt Bằng lý giải, theo quy hoạch, tuyến đường Hà Nội được nâng cấp mở rộng lệch bên trái hướng từ Ngã 6 (đường Hùng Vương, Lê Quý Đôn, Đống Đa, Hà Nội, Bến Nghé) với điểm đầu là Trung tâm Thương mại Vincom 36 tầng đến cầu Phú Xuân. Mở rộng lệch về hướng này nên chủ yếu là diện tích đất thuộc các công trình, trụ sở Nhà nước, công cộng, còn đất ở nhà dân không nhiều.

Qua khảo sát thống kê, ở khu vực này ảnh hưởng đất ở nhà dân và cơ quan Nhà nước khoảng 1.198,9m2, diện tích nhà ở 1 tầng 859,53m2, diện tích nhà 2-3 tầng chiếm 906,04m2... Công việc này đã được ban ngành chức năng TP. Huế họp bàn công khai dân chủ từ cơ sở, với phương châm hợp lòng dân; trong đó có 5 hộ gia đình đồng tình hưởng ứng giải tỏa và được tái định cư tại nơi ở mới có địa thế bằng hoặc hơn vị trí cũ. Rất nhiều người dân vui mừng khi nghe thông tin DA nâng cấp mở rộng đường Hà Nội bắt đầu khởi động.

Anh Hồ Ngọc Tuấn Anh, công tác tại Viện Tài nguyên môi trường, Đại học Huế, đơn vị nằm bên đường Hà Nội chia sẻ: Đây là DA hợp lòng dân, là con đường chiến lược nằm trong DA chỉnh trang diện mạo đô thị Huế. Tuyến đường này sẽ trở thành trục giao thông chính, đốt xương sống của TP. Huế, góp phần thúc đẩy giao thương đi lại, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ môi trường du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Huế.

Thừa Thiên Huế online