Mở cửa trưng bày “Huế những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945”

 

Nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, từ ngày 17/8, Bảo tàng Văn hóa Huế mở cửa phòng trưng bày “Huế những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945”.

Phòng trưng bày giới thiệu đến người xem không khí cách mạng hào hùng của những ngày tháng Tám lịch sử

Triển lãm trưng bày khoảng 60 bức ảnh tư liệu, 20 hiện vật là những vũ khí của Nhân dân Huế tự trang bị trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, ba lô vệ quốc quân; báo chí cách mạng được xuất bản ở Huế giai đoạn 1930-1947, như: Cứu quốc, Người lao khổ, Quyết chiến, Chỉ đạo… và một số sách, hồi ký về Cách mạng tháng Tám ở Huế.

Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám, Huế có vị trí rất quan trọng, là kinh đô của Nhà nước phong kiến Việt Nam, trung tâm chính trị đầu não của thực dân Pháp, thủ phủ của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, là nơi đặt cơ quan cai trị của quân phiệt Nhật. Do đó, Cách mạng tháng Tám thành công với dấu ấn trên đất Huế được ghi vào lịch sử ngày 23/8/1945 trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, phức tạp so với các nơi khác.

Không gian trưng bày nhằm giới thiệu tới khách tham quan về không khí sôi nổi, hào hùng của những ngày tháng Tám lịch sử ở Huế. Phòng trưng bày mở cửa đến ngày 17/9/2018.

Một số hình ảnh, hiện vật ở phòng trưng bày “Huế những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945”:

Vũ khí tự trang bị của Nhân dân Huế trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền

Bằng những vũ khí thô sơ, Nhân dân Huế đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử

Ba lô vệ quốc quân, kỷ vật của ông Nguyễn Thúc Chuyên (Dương Nỗ, Phú Vang), nguyên là đội viên Ban Ca kịch tuyên truyền giải phóng quân

Thanh niên Huế tham gia đội tuyên truyền xung phong Trung bộ trong phong trào Nam tiến những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Ảnh chụp lại ảnh tư liệu.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, toàn dân ra sức chống giặc dốt năm 1946. Ảnh chụp lại ảnh tư liệu.

Theo Minh Hiền/ Báo Thừa Thiên Huế