Lắng lòng để hướng về cha mẹ

Truyền thống báo hiếu có từ thời Đức Phật và được tiếp nối đến ngày hôm nay với lễ hội Vu lan vào dịp rằm tháng 7 hàng năm. Không đơn thuần lễ hội Phật giáo, ngày nay Vu lan được rất nhiều người biết đến với ý nghĩa tri ân, báo hiếu đấng sinh thành.

Chia sẻ với Thừa Thiên Huế Online về chữ hiếu, báo ơn trong mùa Vu lan, Hòa thượng Thích Hải Ấn – Trưởng ban điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế nói rằng: “Không phải đem thật nhiều tiền bạc về cho cha mẹ là cha mẹ vui. Mà cần phải có sự tĩnh giác, luôn hướng về cha mẹ bằng tất cả tình yêu thương, sự săn sóc chân thành”.

Hòa thượng Thích Hải Ấn

- Thưa thầy, thầy có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của Vu lan?

Vu Lan có nguồn gốc từ Kinh Vu Lan Bồn – kể về câu chuyện của ngài Mục Kiền Liên, một trong những đệ tử của Đức Phật với lòng đại hiếu để cứu mẹ mình khỏi kiếp đọa đày. Từ đó, Vu lan là ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn những đấng sinh thành từ kiếp này và cả các kiếp trước.

Có thể hiểu rằng, ý nghĩa của Vu lan như một lời nhắc nhở mọi người hướng lòng thành kính về đấng sinh thành, những người đã ban cho chúng ta cuộc sống trên cõi đời này.

- Trong Vu lan, báo hiếu được nhắc rất nhiều, vậy có thể hiểu chữ hiếu như thế nào là đúng?

Báo hiếu là báo lại ân đức cho cha mẹ. Trong kinh Phật có một ví dụ, người con cõng cha cõng mẹ trên vai, và dù cho cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai mình bao nhiêu đi chăng nữa thì người con cũng không thể trả hết ân đức cho cha mẹ. Trong đời sống hiện nay, báo hiếu có nghĩa là người con phải biết chăm sóc, thương yêu cha mẹ không chỉ lời ăn tiếng nói mà bằng cả hành động. Không làm cha mẹ buồn lòng cũng là cách báo hiếu, hay hướng cha mẹ làm những việc thiện cũng có thể được hiểu là một việc có hiếu.

- Vậy không phải chờ đến lễ Vu lan mới báo hiếu, thưa thầy?

Đúng rồi. Ngày Vu lan như là một dấu mốc để nhắc mọi người về chuyện đó mà thôi. Vì thế, việc báo hiếu cần phải thực hành hàng ngày, được thể hiện qua từng suy nghĩ, lời nói và hành động cụ thể. Mỗi việc làm cho cha mẹ vui đôi khi nhỏ thôi nhưng đó như là một món quà của người con. Món quà ấy là niềm vui vô giá, hạnh phúc, sự thanh thản trong tâm hồn.

- Còn về ý nghĩa của lễ “bông hồng cái áo” dịp Vu lan mà mọi người vẫn thường thầy?

“Bông hồng cài áo” là lễ cài hoa lên áo vào dịp Vu lan. Vào những năm 60 của thế kỷ 20, trong một dịp thăm Nhật Bản, Thiền sư Nhất Hạnh đã tham dự một lễ cài hoa hồng tri ân lên ngực áo. Những ai còn cha còn mẹ sẽ được cài hoa hồng màu hồng, những ai mất cha hoặc mẹ sẽ được cài hoa hồng trắng. Vì thấy ý nghĩa nhân văn của lễ cài hoa, thiền sư sau đó đã phát động lễ “Bông hồng cài áo” vào mỗi dịp Vu lan tại Việt Nam.

Các bạn trẻ tham gia lễ "Bông hồng cài áo" trong một dịp Vu lan do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế tổ chức. Ảnh: LQH

Lễ ấy cho đến nay vẫn được duy trì, và có rất nhiều người tham gia. Mỗi bông hồng được cài lên áo như nhắc nhở những người tham dự phải biết yêu thương, tận tình với cha mẹ để tránh những ân hận, tiếc nuối về sau này.

Đây cũng là dịch để mọi người thức tỉnh tình yêu thương, sự biết ơn và trách nhiệm. Đó còn là một điểm dừng để mỗi ai trong chúng ta phải biết lắng lòng lại giữa dòng chảy cuộc đời để hưởng lòng về cha mẹ.

- Bên cạnh lễ hội ấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh còn có những hoạt động gì để giúp mọi người vận dụng báo hiếu vào đời sống?

Không dừng lại ở dịp Vu lan, các chùa trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các khóa tu. Ở mỗi khó tu đó, chúng tôi thường nhắc nhở mỗi người phải biết báo ân. Không chỉ báo ân đến cha mẹ mà còn báo ân với thầy bạn, ân quốc gia và ân tất cả chúng sanh.

- Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!

Theo Thừa Thiên Huế online