ĐẦU TƯ THỦY LỢI, CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG

Ngoài đầu tư các công trình thủy lợi, để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, các địa phương đã chuyển từ lúa sang trồng các loại cây trồng khác, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản (NTTS) có hiệu quả cao khoảng 2.000 ha.

 

Chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa sang cây trồng cạn,ứng phó biến đổi khí hậu

Tích cực chuyển đổi

Nhiều năm nay, hàng chục ha đất lúa tại các xã Phú Diên (Phú Vang), Quảng An, Quảng Công (Quảng Điền), bước vào vụ hè thu đều sản xuất “nhờ trời” hoặc bỏ hoang. Những diện tích đất ruộng nằm sát chân phá đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn, khiến cây lúa cong queo hoặc chết trên đồng.

Nhiều nơi bỏ hoang gây lãng phí đất nhưng cũng có những vùng bà con đưa vào sản xuất theo kiểu “được chăng hay chớ”. Từ khi tích cực chuyển đổi từ cây lúa sang trồng các loại cây khác và NTTS, những diện tích ven Quốc lộ 49 qua địa bàn xã Phú Diên, Quảng Công đã sản xuất hiệu quả hơn.

Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, tại địa phương có khoảng 60 ha không chủ động về thủy lợi, đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại dưa, màu. Những diện tích giáp đầm phá cũng đã có mô hình nuôi tôm rảo vào cuối vụ, cho thu nhập khá.

Hiện nay, địa phương đang triển khai các phương án để chuyển đổi diện tích khoảng 50 ha đất thường xuyên nhiễm mặn sang NTTS. Xã sẽ họp các hộ dân để lấy ý kiến chuyển đổi và đề xuất cấp trên có chính sách hỗ trợ đối với những diện tích này.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay trong cơ cấu giống lúa trên địa bàn tỉnh, chưa có giống nào thể hiện rõ đặc tính chống chịu trên những vùng đất thường xuyên bị nhiễm chua phèn, mặn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm thích ứng với BĐKH là điều kiện tất yếu.

Một số cây trồng chuyển đổi có hiệu quả tại các địa phương như Hương An (Hương Trà) chuyển đổi sang cơ cấu 1 vụ lạc - 2 vụ hành/năm cho thu nhập 220 - 250 triệu đồng/ha/năm; Hương Xuân, Hương Chữ (Hương Trà) cũng chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn ngô, lạc, dưa, ớt, hành, cây ăn quả (ổi), rau các loại tăng giá trị thu nhập khoảng 120 - 150 triệu đồng/ha/năm. Đối với mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng sen với năng suất bình quân đạt từ 20-22 tạ/ha, tương đương 100-110 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Đối với mô hình chuyển đổi sang trồng cây hàng năm khác như đậu đỗ, lạc, rau màu các loại bình quân mỗi ha đậu đỗ, rau màu sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận từ 18-20 triệu đồng/ha, gấp 2 lần so với trồng lúa. Đây là giải pháp giúp người dân chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa bị thiếu nước, trồng lúa hiệu quả thấp để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất.

Hiện nay, mô hình chuyển đổi từ đất lúa thiếu nước sang trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh bước đầu còn manh mún, phân tán, khả năng đầu tư thâm canh thấp. Ngành nông nghiệp khuyến cáo chuyển đổi không theo phong trào, không chuyển đổi ồ ạt sang trồng một loại cây để tránh xảy ra tình trạng cung vượt cầu, được mùa, mất giá; mà phải quy hoạch chuyển đổi cụ thể, nghiên cứu, đánh giá về năng lực đầu tư, thị trường tiêu thụ và có giải pháp tiêu thụ sản phẩm tạo chuỗi liên kết sản xuất.

Mô hình trồng rau má cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Ảnh: MC

Cần hỗ trợ

Trong tình hình thiên tai và BĐKH ngày càng khắc nghiệt, để chủ động đối phó, khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống người dân; trong lúc kinh phí chống hạn năm 2019 chưa được Trung ương hỗ trợ và điều kiện khả năng cân đối ngân sách tỉnh còn khó khăn, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh trình Chính phủ, Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí điện, dầu vượt định mức và sửa chữa các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước với kinh phí khoảng 83,7 tỷ đồng.

Trong đó, hỗ trợ diện tích thiếu nước dự kiến chuyển đổi 3.000 ha lúa hè thu sang các cây trồng khác với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ bơm điện, dầu vượt định mức, lắp đặt bơm chuyền khoảng 2,5 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí vớt bèo rác trên sông, hói kênh mương nội đồng với khối lượng khoảng gần 1.600.000 m2 với kinh phí khoảng 3,3 tỷ đồng; kinh phí vét các tuyến sông, hói nội đồng, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước, đắp đập tạm bờ bao khoảng 7,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình phục vụ chống hạn và các công trình cấp nước sinh hoạt khoảng 64 tỷ đồng.

Sở NN&PTNT cũng đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai thi công các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện A Lưới theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư hơn 19 tỷ đồng, nguồn vốn đã bố trí 4,37 tỷ đồng, còn thiếu 14,7 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, để chủ động được nguồn nước, đề nghị UBND tỉnh xem xét cho chủ trương đầu tư các công trình thủy lợi giai đoạn đầu tư công 2021-2025 nhằm phục vụ chống hạn với kinh phí khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, có các công trình quan trọng như xây dựng hồ chứa Thủy Cam (Phú Lộc) phục vụ cấp nước tưới cho 200 ha lúa vùng hạ du và cấp nước sinh hoạt 43.000 -  54.000m3/ngày - đêm; nâng cấp, sửa chữa đập Cửa Lác, Thảo Long ngăn mặn giữ ngọt, phục vụ 5.250 ha lúa…

Theo Sở NN&PTNT, hàng năm có khoảng 1.000ha lúa nằm ven đầm phá bị ảnh hưởng mặn, chua phèn. Hiện tại, HTXNN Thuận Hòa (Hương Phong, Hương Trà) đã đưa vào sản xuất với diện tích 6 ha giống lúa ngập mặn với các giống lúa địa phương như Chiêng Râu, Gạo đỏ. Dự kiến từ năm 2021- 2025 mở rộng thêm, nâng diện tích lên khoảng 20 ha. Đây là các giống lúa truyền thống có thể sản xuất thích ứng với vùng đất ven đầm, phá, thường xuyên nhiễm phèn, mặn.

Thừa Thiên Huế online