Chọn thịt lợn an toàn, rõ nguồn gốc

Cơ quan chức năng đã khẳng định, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) không lây sang người. Do đó, người tiêu dùng không nên quá lo lắng khi sử dụng thịt lợn, chỉ cần chọn thịt rõ nguồn gốc, nấu chín kỹ càng. Tuy thế, khi trên địa bàn xuất hiện ổ dịch, người tiêu dùng vẫn lo ngại, dè chừng và gần như quay lưng với thịt lợn.

 

Khách mua thịt ở chợ Bến Ngự

"Thiệt" cho người bán lẫn người nuôi

Suốt từ sáng đến trưa ngày 19/3, gần 25 hàng thịt lợn ở chợ Phò Trạch, thị trấn Phong Điền (Phong Điền) chỉ được một vài khách lai vãng. Chị Nguyễn Thị Sáu, kinh doanh hàng thịt tại chợ cho biết: Khoảng mấy ngày gần đây, nhất là sau khi nghe tin DTLCP xuất hiện ở xã lân cận trên địa bàn huyện, nhiều người dân lo ngại, thế nên các hàng thịt lợn lâm vào tình cảnh khách vắng tanh vắng ngắt.  

Những ngày này, hơn 30 hộ kinh doanh hàng thịt lợn ở Trung tâm thương mại Quảng Điền cũng trong cảnh ế ẩm khách như nhiều chợ khác. Chị Trần Thị Quý, kinh doanh thịt lợn tại Trung tâm thương mại Quảng Điền mặt buồn so: "Bình thường một ngày tôi bán hết 1,5- 2 con lợn, nhưng mấy bữa nay lấy hàng giảm hơn một nửa nhưng bán vẫn không hết. Một vài lô hàng chỉ lấy vài kg thịt lợn nhưng chẳng ai mua. Nhiều ngày qua, có khoảng 5-6 chủ hàng không đeo nổi nên phải bỏ chợ". "Thịt lợn bán ở chợ đều có dấu kiểm dịch thú y hẳn hoi, nhưng vì tâm lý khách hàng dè chừng, nên việc buôn bán của chị em bị ảnh hưởng theo", chị Quý phân trần.

Hàng thịt không đông khách như thường ngày

Qua tìm hiểu, mặc dù thịt lợn bán ở các chợ đều được đóng dấu xác nhận kiểm dịch của thú y, nhưng trước thông tin DTLCP bùng phát và xuất hiện điểm dịch tại địa bàn tỉnh, nên tâm lý lo sợ bị lây nhiễm bệnh, không ít người tiêu dùng dè chừng, thậm chí "quay lưng" với thịt lợn cũng như các loại thực phẩm chế biến từ thịt lợn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương ngành hàng này mà còn ảnh hưởng lớn đến các hộ chăn nuôi.

Tại nhiều cơ sở chăn nuôi, hộ nuôi, nhiều đàn lợn đến thời kỳ xuất chuồng, nhưng vì chợ đò ế ẩm, bạn hàng không đến thu mua, nên các chủ nuôi vừa phải lo đề phòng, ngăn ngừa dịch lây sang, vừa phải gắng gượng lo thêm chi phí thức ăn để giữ đàn.

Chọn điểm bán an toàn

Nhân viên một trường học trên địa bàn TP. Huế thông tin, thời gian này nhà trường tạm thời cắt món thịt lợn và thay bằng món khác trong thực đơn ăn bán trú của các cháu. Mặc dù khuyến cáo của chuyên gia y tế là dịch bệnh không có nguy cơ lây nhiễm qua người nếu được chế biến chín, kỹ. Nhưng để thận trọng, bảo vệ an toàn sức khỏe cho các em học sinh, nhà trường vẫn đang tạm ngưng thực phẩm này.

Trong khi một số người dân lo lắng, quay lưng với thịt lợn giữa thời điểm DTLCP lây lan, ngược lại, có nhiều người vẫn trung thành với thịt lợn vì nắm rõ những thông tin, khuyến cáo của các chuyên gia y tế, thú y. Anh Vĩnh Nguyên, ở đường Bùi Thị Xuân, TP. Huế trò chuyện: "Gia đình mình vẫn ăn thịt lợn như thường, miễn là mua đúng nơi bán thịt lợn sạch, được kiểm dịch an toàn và được nấu chín, chế biến kỹ thì không đáng lo ngại".

Chị Sồi, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Bến Ngự lạc quan: "Thịt mình có dấu kiểm dịch đàng hoàng, khách hàng khá yên tâm, tin tưởng, nên sức tiêu thụ không bị ảnh hưởng đáng kể". Những ngày này, mỗi ngày chị Sồi vẫn duy trì lấy từ lò mổ gần 5 tạ thịt lợn đem bán tại chợ và bỏ cho các nhà hàng, khách sạn, nhà máy...

Điều mà nhiều tiểu thương kiến nghị là cơ quan chức năng siết chặt kiểm dịch, quản lý và ngăn cấm lợn dịch, lợn chết tiêu thụ trên thị trường, tránh ảnh hưởng đến những hộ buôn bán đàng hoàng, chân chính. Đồng thời, người tiêu dùng được đảm bảo quyền lợi khi sử dụng đúng thịt lợn an toàn, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến chế độ thực phẩm dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày...

Theo Thừa Thiên Huế online