Bắt đầu từ tác phong chuẩn mực

Hưởng ứng cuộc vận động của Chủ tịch UBND tỉnh về việc mặc áo dài, đồng thời hướng đến hình thành tác phong chuẩn mực cho người giáo viên tương lai, Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế đang thực hiện nhiều giải pháp chấn chỉnh nề nếp, tác phong của học sinh, sinh viên.

Sinh viên nữ Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế mặc áo dài trong giờ thực hành

Có mặt tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế vào sáng thứ hai, điều chúng tôi ấn tượng là hầu hết sinh viên đều mặc trang phục rất lịch sự. Ở phía cổng trường, nhiều thành viên trong đội Cờ đỏ (trực thuộc Hội Sinh viên trường) đến từ lúc hơn 6 giờ để thực hiện công tác, kiểm tra tác phong, nề nếp sinh viên, nhất là nhắc nhở, lưu ý một số trường hợp mặc trang phục chưa đúng quy định.

Ths. Trương Thế Quy, Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết, khác với sinh viên ở các trường bạn, những quy định về trang phục đối với sinh viên sư phạm đã có từ hơn 20 năm trước. Trên tinh thần hưởng ứng cuộc vận động mặc áo dài của tỉnh, nhà trường tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, nhất là đối với sinh viên năm thứ nhất chưa nắm được thông tin này. Nhà trường đang thực hiện quy định nữ mặc áo dài, nam mặc áo sơ mi, thắt cà vạt vào ngày thứ hai, các đợt thi học kỳ và các ngày lễ, sự kiện quan trọng của trường hay sinh viên đi thực tập tại các trường trung học phổ thông; các ngày còn lại mặc trang phục lịch sự, không mang dép lê, quần rách gối, hay áo quần thun bó sát, váy ngắn (đối với nữ). “Nhà trường cũng thông báo và thực hiện kỳ thi nghiêm túc kiểu mẫu, toàn bộ sinh viên nữ phải mặc áo dài; nam mặc áo sơ mi, thắt cà vạt vào ngày thi. Những trường hợp vi phạm nếu không có lý do chính đáng sẽ bị cán bộ kiểm tra lập biên bản, sau đó đưa vào xếp loại, đánh giá điểm rèn luyện. Với trang phục quy định này, sinh viên cũng ý thức và dễ kiếm soát hơn trong việc chống gian lận”.

Để thực hiện quy định này, giảng viên là những người tiên phong, gương mẫu. Theo đại diện nhà trường, ngoài những ngày quy định trang phục bắt buộc (như sinh viên) thì ngày thường trong tuần, nhà trường cũng khuyến khích cán bộ, giảng viên đến trường với cách ăn mặc đậm chất truyền thống, nhất là áo dài (đối với cán bộ, giảng viên nữ). Ngoài ra, giảng viên, ban cán sự các lớp cũng tăng cường nhắc nhở, chấn chỉnh sinh viên chưa thực hiện đúng các quy định về trang phục, nề nếp, tác phong khi vào lớp.

Đối với tân sinh viên, trong các chương trình khen thưởng, trao học bổng, ngoài những phần thưởng có ý nghĩa, nhà trường còn trao đổi với các đơn vị, cá nhân tài trợ, tặng thưởng áo dài hoặc vải áo dài (khi họ cần gợi ý), qua đó định hình tư tưởng cho các em về giá trị của trang phục áo dài truyền thống. Hiện, bên cạnh quy định về trang phục, nhà trường cũng nhắc nhở, siết chặt kỷ luật sinh viên về việc không hút thuốc lá hay tổ chức đánh bài ở trong khuôn viên trường học (dù dưới hình thức nào), đồng thời nghiêm túc trong giờ giấc đến trường và lịch sự trong giao tiếp…

PGS. TS. Nguyễn Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết, năm học này, học sinh Trường THPT Thuận Hóa sẽ được chuyển vào học tại cơ sở của trường, ngoài đồng phục mặc vào các ngày thường trong tuần thì các quy định về trang phục áo dài và tác phong, nề nếp cũng sẽ đảm bảo vào khuôn khổ như sinh viên. Việc kiểm tra, nhắc nhở sẽ được tiến hành thường xuyên, nhất là các buổi sinh hoạt lớp.

Theo các sinh viên, học sinh đang học tập tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, những quy định về tác phong, nề nếp của nhà trường là cần thiết và ý nghĩa. Nguyễn Thị Hiền, sinh viên năm thứ tư cho rằng: “Những quy định này sẽ tạo được thói quen lịch sự, chuẩn mực và cũng là hình thức giúp sinh viên rèn luyện đạo đức, tác phong. Đó là những điều kiện cần đối với các giáo viên tương lai bên cạnh kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm”.

Theo Thừa Thiên Huế online