THẤY CÂY MÀ KHÔNG THẤY RỪNG

“Covid-19 phơi bày tất cả sự thật về “Đất nước đáng sống” là bài viết của Minh Đức đăng trên facebook Việt Tân, ngày 08/10 đã có nhận định đúng khi cho rằng: Trải qua gần 02 năm đại dịch Covid-19 “đã gây ra hậu quả vô cùng to lớn cho nhân loại trên toàn thế giới cả về người và của. Hàng chục triệu người đã phải về với chúa, cả trăm ngàn tập đoàn kinh tế, công ty, doanh nghiệp bị phá sản, hàng trăm triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp… Những thiệt hại đó đã và đang tiếp diễn tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế rất trầm trọng”. Thế nhưng lại cho là tại Việt Nam dịch Covid-19 “trở thành một liều thuốc vô cùng hiệu quả chữa trị rất nhiều căn bệnh cho toàn dân Việt Nam như: “bệnh mù”, “bệnh câm”, “bệnh ấu trĩ”, “bệnh cả tin”… Nhờ có đợt đại dịch này mà toàn thể nhân dân Việt Nam mới nhìn thấy được bản chất xấu xa, độc ác, giả tạo, phát xít, độc tài… của nhà cầm quyền Việt Nam mà đứng đầu là Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Minh Đức viết tiếp dịch Covid-19 “đã giúp nhân dân Việt Nam “sáng mắt, sáng lòng” nhận ra kẻ thù của họ không chỉ là con virus cúm tàu mà còn cả con virus to hơn, nguy hiểm hơn, độc hại hơn, đó là virus cộng sản”(!).

Viết vậy, là Minh Đức và Việt Tân chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”, nói cách khác là nhìn phiến diện để nhận xét võ đoán. Đúng như họ viết là dịch Covid-19 làm cho cả thế giới bị ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế, xã hội, an sinh của cộng đồng…, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nhưng họ chỉ nhìn thấy gam màu sám tối, không nhìn thấy gam màu tươi sáng của đời sống kinh tế, xã hội của nước ta để từ đó đổi bừa cho đó là “virus cộng sản”(!)

Trong năm 2021, với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kiểm soát được đợt dịch bùng phát lần thứ 3; kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá (5,64%), cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tổng thu ngân sách đạt 80,2% dự toán; thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán cơ bản ổn định; xuất khẩu hàng hóa tăng 24,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt là, đã kịp thời ứng phó và thực hiện các chính sách hỗ trợ để khắc phục, giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 gây ra, các quốc gia trên thế giới đã gặp rất nhiều khó khăn như Minh Đức viết ở trên; Việt Nam cũng không ngoại lệ, nên kinh tế quý III của nước ta tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%). Kinh tế – xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn và có thể còn tiếp tục kéo dài sang cả năm 2022. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc học tập, nhất là học trực tuyến của học sinh, sinh viên và đời sống của người lao động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản. Nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính – tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh. Đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Điều đó dẫn đến, năm 2021, nước ta có thể không hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.

Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của dịch bệnh là chủ yếu, cũng có nguyên nhân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn hạn chế, bất cập trong dự báo, phân tích tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản các phương án ngắn và dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Nhưng với quyết tâm phòng, chống dịch đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chúng ta tin chắc rằng, đại dịch rồi cũng sẽ qua đi, cuộc sống tươi đẹp sẽ trở lại với nhân dân ta. Cụ thể là trước diễn biến dịch bệnh có xu hướng phức tạp, lan rộng, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để phòng chống dịch: như giãn cách xã hội diện rộng tại 19 tỉnh khu vực phía Nam, Hà Nội và một số đơn vị hành chính của một số địa phương khác để giảm sự lây lan của dịch. Trên cơ sở đó các biện pháp Y tế đang được triển khai nhanh, rộng khắp, như việc truy vết xác định nguồn lây để khoanh vùng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR và sàng lọc bằng test nhanh.

Việc xây dựng các bệnh viện dã chiến liên tục được mở rộng, cùng với các trung tâm điều trị chuyên sâu nhằm giảm tử vong và quá tải hệ thống y tế. Việt Nam tiếp tục các chiến dịch lớn chưa từng có để tiêm vắc xin cho người dân, ưu tiên các đối tượng ở tuyến đầu, vùng có dịch với phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó. Vì vậy, tại “Hội thảo trực tuyến “Nền kinh tế Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 như thế nào?” tổ chức ngày 04/8/2021, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại – Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM tổ chức, Tiến sĩ Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đánh giá cao công tác chống dịch của Việt Nam và cho rằng đang đi đúng hướng. Cũng tại Hội thảo này, ông Lee Jong Seob – Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng Giám đốc Văn Phòng KOTRA Hà Nội hy vọng hoạt động kinh tế hồi phục, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày sớm trở về bình thường thông qua việc tiêm chủng nhanh chóng và kiểm soát lây nhiễm một cách triệt để. Đây là cơ sở để ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam lạc quan cho rằng: “Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi”. Điều đó sẽ bác bỏ nhận xét võ đoán của Minh Đức và Việt Tân về sự thờ ơ, không quyết tâm chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời, giúp họ thấy cây và thấy cả rừng”./.

Nguyễn Văn