NHẬN DIỆN MỘT SỐ THỦ ĐOẠN CỦA TỘI PHẠM SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

 

Cuộc cách mạng Công nghệ 4.0 phát triển, Việt Nam chúng ta trong những năm gần đây hoạt động kinh doanh online cũng phát triển mạnh mẽ, cùng với đó là các giao dịch chủ yếu được thực hiện trên mạng. Thời gian qua tình hình tội phạm công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trên địa bàn có diễn biến phức tạp nhiều người bán hàng online đến trình báo việc mình bị mất trộm số tiền lớn trong tài khoản ngân hàng, vì vậy việc nhận diện các hoạt động sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đều cấp thiết.

Như chúng ta đã biết “Tội phạm sử dụng cộng nghệ cao”: là tội phạm sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Hiện nay, việc mua sắm online đã trở thành thói quen chi tiêu mà không cần dùng đến tiền mặt khi sở hữu trong tay một đến vài loại thẻ như thẻ tín dụng, ATM, thẻ ghi nợ…giúp người tiêu dùng mua sắm, sử dụng các dịch vụ một cách nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng. Nếu trước đây chúng ta thường mất thời gian đi mua hàng hóa, thực phẩm, áo quần, đi trả tiền các dịch vụ khác như điện, nước, mạng…thì hiện nay hoạt động mua bán, giao dịch chỉ qua những “cú lướt máy và nhấp chuột”. Sự bùng nổ của công nghệ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, nhưng cũng là điều kiện, cơ hội để tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng sơ hở nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Dưới đây là một số chiêu trò mà tội phạm công nghệ cao thường sử dụng như:

(1)Giả danh người mua hàng online đang ở nước ngoài, chủ động đề nghị thanh toán để chiếm lòng tin, lấy lý do chuyển tiền qua các dịch vụ trung gian như Moneygram hay Western Union để yêu cầu người bán truy cập vào đường link điền đầy đủ mọi thông tin rồi chuyển tiền, sau khi truy cập có người giả danh làm nhân viên ngân hàng gọi yêu cầu cung cấp mã OTP, mật khẩu để xác nhận thông tin. Chúng lập ra nhiều facebook ảo có độ tin cậy cao, sử dụng sim rác và thiết kế, tạo ra các trang website giả mạo ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam, tạo ra nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau để rút tiền. (2)Qua facebook các đối tượng dùng chiêu trò “bẫy tình” giả danh mình là Việt kiều đang ở nước ngoài chủ động vào kết bạn làm quen, tán tỉnh người bị hại, một thời gian rồi thông báo gửi quà, tiền có giá trị về Việt Nam. Sau đó giả danh cán bộ hải quan, thuế gọi yêu cầu gửi tiền qua tài khoản để đóng các loại phí, thuế để được nhận quà, tiền, từ đó chiếm đoạt tài sản.(3) Giả danh cán bộ Công an, cán bộ điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát...đang điều tra một vụ án nghi liên quan đến người bị hại, có giấy triệu tập của tòa án, dọa sẽ bắt tạm giam để điều tra. Yêu cầu người bị hại chuyển một số tiền vào tài khoản cá nhân để “lo lót” khỏi bị khởi tố. (4) Thông qua chiêu trò hack, chiếm đoạt facebook, zalo, mesenger…của người khác để giả mạo chủ nhân tài khoản này vào nhắn tin trò chuyện với người thân, bàn bè sau đó nhờ mua thẻ điện thoại, mượn tiền, kêu gọi ủng hộ từ thiện với yêu cầu chuyển khoản; xin số tài khoản, số điện thoại để nhờ nhận hộ kinh phí được chuyển từ nước ngoài về với yêu cầu nhập các thông tin cá nhân như họ tên, số tài khoản, ID,…khi có đủ các thông tin chúng tiến hành đột nhập vào tài khoản của người bị hại để rút hết tiền. (5)Thủ đoạn giả danh ngân hàng, cơ quan thuế, facebook để nhắn tin thông báo trúng thưởng với số tiền lớn, xe máy giá trị cao yêu cầu người trúng thưởng nộp các khoản tiền thuế, phí để làm thủ tục nhận giải và yêu cầu chuyển khoản. Ngoài ra, một số đối tượng lợi dụng việc buôn bán qua mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc với giá cao…

Tuy các thủ đoạn này là không mới nhưng với những câu chuyện mà chúng dựng lên khác nhau, tình huống đưa ra, tinh vi, khéo léo, đúng hoàn cảnh tâm lý người bị hại, khiến họ tin và bị sập bẫy một cách nhanh chóng.

Để phòng ngừa và không bị sập bẫy của các đối tượng tội phạm công nghệ cao thiết nghĩ:

Mỗi cá nhân phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để nhận diện các thủ đoạn của số tội phạm công nghệ cao. Nắm rõ việc Cơ quan Công an, cơ quan Nhà nước chỉ mời và triệu tập những người liên quan tới vụ án lên làm việc bằng giấy mời, giấy triệu tập gửi trực tiếp hoặc qua công an địa phương, không làm việc qua điện thoại nếu không có sự thống nhất từ trước với người dân. Không có cơ quan Nhà nước nào của Việt Nam yêu cầu người dân chuyển tiền của mình vào tài khoản của người khác để điều tra, xác minh hay đóng phí dịch vụ bưu điện, phí hải quan…Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi chưa rõ họ là ai, nội dung,…giữ bí mật thông tin cá nhân các dịch vụ ngân hàng của mình. Khi phát hiện hoặc nghi có dấu hiệu lừa đảo thì báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân, ngân hàng biết các âm mưu, phương thức thủ đoạn mới của số tội phạm sử sụng công nghệ cao. Tập huấn cho cán bộ nhân viên ngân hàng các dấu hiện nhận diện đối với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo. Khi phát hiện hoặc nghi người có sử dụng các loại giấy tờ giả, thẻ giả phải báo cho cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.

Các ngân hàng chú ý hướng dẫn cho khách hàng cách sử dụng khi đăng ký mở tài khoản Internet banking, Mobile banking…các quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng trong đăng ký sử dụng, hình thức bảo mật các thông tin cá nhân của mình, tránh bị kẻ gian lợi dụng lấy cắp. Tăng cường quản lý tại các điểm giao dịch để khi phát hiện nghi vấn có hướng xử lý kịp thời, chú ý các điểm có lắp camera an ninh.

 Hà Trang