NGÓN ĐÒN HIỂM VÀ XẢO TRÁ CỦA TRẦN MẠNH HẢO

 

Ngày 23/3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Sau cuộc họp, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 122/TB-VPCP  nêu rõ kết luận của Thủ tướng “...cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã chuyển sang giai đoạn 3 có ý nghĩa quyết định, cần thực hiện quyết liệt , hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch...” (Dân Trí-Thứ Ba 24/3/2020, lúc 13 giờ 28 phút).

Những ai quan tâm lo lắng theo dõi và mong đợi, hy vọng và tin tưởng vào năng lực điều hành của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong hai tháng qua đều biết rõ toàn Đảng, toàn quân (các lực lượng CAND và Q ĐNDVN), toàn ngành Y tế và hầu hết các ngành chủ lực khác cùng toàn dân đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, dẫu biết có nguy cơ lây nhiễm (và thực tế đã có bác sĩ, nhân viên y tế bị lây nhiễm) để phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân. Dư luận cá nhân người nước ngoài, cộng đồng Việt kiều các nước và các tổ chức quốc tế như  WHO, CDC Hoa Kỳ…đều đánh giá cao năng lực chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, cứu chữa bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 . Cũng trong thời gian ấy, dồn dập những tin giả, những bài viết, hình ảnh được bọn xấu bịa đặt nhằm xuyên tạc, bôi nhọ các lực lượng công an, quân đội và chính quyền các cấp, tung các tin giả gây hoang mang dư luận, nhằm kích động, xúi giục một bộ phận người dân thiếu hiểu biết gây rối trật tự xã hội để tìm thời cơ tạo ra các điểm nóng chính trị-xã hội. Sơ bộ trong thời gian ấy, lực lượng công an các cấp đã truy tìm, xử lý hơn 600 cá nhân đăng tin giả gây bất ổn tâm lý nhân dân. Tuy nhiên, đại đa số người dân, du khách người nước ngoài, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước tránh dịch ở nơi họ du học.v.v. đều bày tỏ lòng tin vào nhà nước và chính quyền các cấp trong cơn đại dịch này. Khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra đã được tuyệt đại đa số người dân đồng tình ủng hộ và chung sức chung lòng cùng cả nước tham gia phòng, chống dịch. Ai ai cũng mong đợi ngày tuyên bố chiến thắng đại dịch-đại địch này.

Có lẽ vì phải cay đắng nhận ra rằng không thể tiếp tục chỉ sử dụng chiêu bài trên đây vì nó đã tỏ ra không hoặc kém hiệu quả, bọn xấu mấy ngày này bắt đầu tung các chiêu mới, các ngón đòn mới. Một trong những ngón đòn đó là lái dư luận xã hội sang một hướng khác, dựa trên một phần sự thật lịch sử hoặc hiện tại, được các ngòi bút nhào nặn, thêm bớt thành các bài viết có vẻ như không liên quan gì đến tình hình hiện tại, nhưng thực ra đang khơi lại những điều cũ với mục tiêu rõ ràng: Đánh thẳng vào niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của  Đảng và nhà nước nước CHXHCN Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ thâm độc đó, bọn chúng cần có những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu được nhiều người biết đến và trong quá khứ có thể từng được coi trọng về tài năng, có người từng có công ít nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; nay vì bất mãn cá nhân hay nguyên nhân khác nên đã theo gió trở cờ, quay lại chống phá cách mạng, cam tâm đặt mình dưới sự chỉ huy của bầy quỷ dữ, sẵn sàng đạp đổ mọi thành quả cách mạng mà bao thế hệ người Việt Nam yêu Tổ quốc, Dân tộc đã đổ máu hy sinh.

Một trong những kẻ tung đòn hiểm “đánh lạc hướng dư luận tích cực, tạo nên dư luận xấu” vào chính lúc này là Trần Mạnh Hảo, một nhà thơ tuy chưa có những bài thơ tâm huyết, có ích cho Đời, cho Lợi ích của Quốc gia, Dân tộc và Nhân dân được lưu lại trong ký ức người đọc, ngoại trừ những bài viết phê phán những cái sai trong sách giáo khoa trước đây, tác giả tiểu thuyết Ly Thân (1989) và cũng trong năm đó bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngón đòn nhà thơ, nhà văn, nhà báo tự do (theo cách gọi trên Wikipedia)  được tôi đánh giá là “đòn hiểm” vì nó được tung ra vào ngày 24/3/2020, một ngày sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ “...cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã chuyển sang giai đoạn 3 có ý nghĩa quyết định, cần thực hiện quyết liệt , hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch...”. Còn vì sao nó lại là bài viết-ngón đòn xảo trá của ông Hảo thì xin bạn đọc đọc xong  bài viết của tôi sẽ hiểu. Đó là bài ông Hảo viết về Cố thi sĩ-văn sĩ Phùng Quán.

Nếu chỉ đọc riêng bài viết của ông Hảo, có thể tưởng rằng tác giả bài viết là người am hiểu Phùng Quán và cuộc đời Cố thi sĩ-văn sĩ đến chân tơ kẻ tóc vì bài viết nêu ra rất nhiều chi tiết cảm động, trong đó xoáy mạnh vào giai đoạn ông ấy bị xử lý cùng nhóm Nhân văn giai phẩm. Những chi tiết ấy, người viết bài này cũng đã từng nghe như nhiều người hâm mộ Phùng Quán ở Huế từng nghe, dĩ nhiên không phải không có người nghe sau đó lại thêm mắm dặm muối cho ly kỳ, tỏ ra mình am hiểu và thân thiết với cố thi sĩ. Nhưng nếu bình tĩnh mở Wikipedia với từ khóa Phùng Quán sẽ thấy ngay bài viết về ông. Và khi đọc xong bài trên Wikipedia thì tôi mới té ngửa ra rằng hầu hết các chi tiết trong bài viết của ông Hảo đều đã có trên đó rồi. Chỉ khác cách sử dụng ngôn từ: Wikipedia dùng ngôn từ theo kiểu nghiên cứu, liệt kê sự kiện, không đưa ý kiến chủ quan vào, còn Trần Mạnh Hảo sử dụng ngôn từ mang đậm cá tính của mình. Để người đọc thêm tin cậy. trong bài này, những chi tiết đó còn “sống động” hơn khi ông Hảo cố ý cho người đọc biết mình đã thân thiết như thế nào với cố thi sĩ thông qua những lần gặp gỡ, nghe Phùng Quán kể chuyện đời mình với cái ao ước “được làm người”, từ giới thiệu sơ lược thân thế gia đình, kể từ cái tên của cố thân mẫu Phùng Quán cũng ghi rất rõ rang, dễ khiến người ta tin: Công Tằng Tôn Nữ thị Tứ, hàng chắt nội của vua Minh Mạng, con gái út của một Cụ Ưng nào đó thuộc chữ thứ 3 trong Đế hệ thi-một trong rất nhiều cháu nội của vua Minh Mạng, nếu bà là con trai sẽ được đặt chữ Bửu trước tên gọi: Nguyễn Phước Bửu Tứ, ngang hệ với Nhà giáo-nhà văn-dịch giả đáng kính Bửu Ý. Chi tiết này cầm chắc nhiều người Huế biết). Ông Hảo “ghi lại” khá chi tiết và có cả ảnh chụp chứng minh ông ta và Cố thi sĩ-văn sĩ cùng những  “nhà” khác rất thân thiết bên nhau, cũng như từng biết đến mối tình thủy chung son sắt của chị Bội Trâm với chồng mình, mối tình si của Phùng Quán với nhà văn Hà Khánh Linh. Thực ra, những ai trong giới văn chương hoặc có tình yêu văn chương ở xứ Huế có cảm tình với Cố thi sĩ-văn sĩ họ Phùng thì hầu như đều biết những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn ấy, mặc dù nhiều người trong số họ chưa từng được coi là bạn của ông. Không lạ gì dưới bài viết của ông Hảo đã có khá nhiều người tin ngay và hoan hỉ bình luận, ngợi khen ông Hảo viết hay, cám ơn ông Hảo viết rõ “sự thật”. Xét về khía cạnh này, ông Hảo và những người cùng phe đã có thu hoạch như ý vì đạt mục đích thâm hiểm là lái dư luận xã hội đang hướng về và đặt trọn niềm tin vào Đảng và Nhà nước Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc này chuyển sang hướng cảm xúc “lên án chế độ cộng sản đã từng đàn áp văn nghệ sĩ một cách tàn nhẫn”, chẳng hạn ông Tố Hữu là cậu họ (anh họ của mẹ Phùng Quán, ngoài Bắc gọi là Bác) mà vẫn chủ trì trừng trị nhà thơ Phùng Quán đến mức nhà thơ sau đó nhiều chục năm vẫn thổ lộ với ông Hảo cái “khao khát muốn làm người” …trong một bộ phận, một nhóm vốn lâu nay dao động hoặc không có niềm tin vào Đảng và chế độ, tệ hơn nữa là căm thù Đảng và chế độ. Nhưng không hẳn đã đạt mục đích xấu xa ấy đâu, thưa ông Hảo và đồng bọn!

Với những ai biết về vụ Nhân văn giai phẩm và các diễn biến về sau, nếu tinh ý sẽ hiểu rằng Trần Mạnh Hảo đã sử dụng kỹ thuật “cắt, dán”,  “nói sau” và “cắt xén một sự thật lịch sử trong đời Phùng Quán”.  Cắt, dán thì dễ hiểu, nếu ai đọc bài viết về Phùng Quán trên Wikipedia rồi so sánh với bài viết của Trần Mạnh Hảo sẽ thấy ngay thôi.

“Nói sau” thì sao? Bài của Trần Mạnh Hảo viết và đăng vào ngày 24/3/2020, trong khi Phùng Quán mất từ năm 1995, còn bà Bội Trâm mất trước năm 2010 (!). Kể về sự thân thiết với người đã khuất (và người làm chứng là vợ của ông ấy) thì ai biết sự thật thế nào, mặc dù có ảnh chụp thì cũng chẳng ai dám chắc nó có thể làm chứng cho tình bạn thân thiết giữa hai người đến mức Phùng Quán thổ lộ mọi điều gan ruột của mình với ông Hảo? Vì sao? Sinh thời, Phùng Quán có nhiều bạn văn, có người là bạn thiết, cũng có người hậu sinh mê thơ văn của ông mà tìm đến, vợ chồng ông mời cơm, ở lại chuyện trò, khách xin chụp một tấm ảnh kỷ niệm thì ai nỡ chối từ? Có ảnh rồi thì đem khoe với mọi người, chuyện đầy rẫy trong thời buổi quá nhiều mối quan hệ nhố nhăng thật giả này mà. Nó cũng tựa như một ai đó từng viết về mối quan hệ thân thiết với cố nhạc sĩ lừng danh Trịnh Công Sơn, mặc dù cả đời chưa chắc được ông ấy để mắt đến! Nếu bài ấy được ông Hảo viết và đăng tải rộng rãi vào thời điểm chậm nhất trước khi bà Bội Trâm mất thì may ra có người tin. Tiếc cho ông Hảo quá, dù có thể ông từng được nhiều lần đến thăm nhà Cố thi sĩ-văn sĩ!

Còn thủ đoạn “cắt bớt sự thật lịch sử trong đời Phùng Quán “ thì sao? Thưa bạn đọc, nó đây này, rõ ràng như ánh mặt trời khi trời nắng. Theo bài viết trên wikipedia thì

“Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe. Vợ ông là nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm, giảng dạy tại Trường PTTH Chu Văn An (Hà nội)[2].

Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà Nội. Năm 2010, sau khi vợ ông mất, thể theo nguyện vọng của ông lúc sinh thời, gia đình và bạn bè đã đưa hài cốt ông bà về an táng tại quê nhà: phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Năm 2007, Phùng Quán được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng với Trần DầnLê ĐạtHoàng Cầm[3]…”. (Bốn vị này đều là các “chiến tướng” của phong trào Nhân văn giai phẩm-HT).

          Đoạn trích dẫn khách quan trên cho thấy rõ sự thật rằng: Sau gần 30 năm bị kỷ luật treo bút, khai trừ khỏi Hội Nhà văn Việt Nam, cuối cùng Phùng Quán cũng được phục hồi hội tịch và trở lại chính danh tên tuổi trong các tác phẩm của mình. Riêng tiểu thuyết 3 tập Tuổi thơ dữ dội đã được cho dựng thành phim và được công chiếu vào dịp Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn Quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII, ít nhất tại một Đại hội đại biểu đảng bộ cấp phường ở Huế mà tôi được biết. Và nhà văn-nhà thơ Phùng Quán cũng từng được một vị hiệu trưởng một trường THCS tại Huế mời đến trường nói chuyện với thầy cô giáo và học sinh toàn trường sau đó. Cuối cùng dù muộn, rất muộn, sau 50 năm bị kỷ luật, ông cũng đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận sự nghiệp sáng tác văn học phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp bằng Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Âu cũng là niềm vinh quang trong cuộc đời một con người cương trực, yêu Đảng cháy bỏng không nguôi vì  mục đích lý tưởng cao cả của Đảng, cũng là niềm an ủi vong linh Cố thi sĩ-văn sĩ Phùng Quán! Wikipedia chưa cập nhật việc này: Tên ông đã được Hội đồng nhân dân thị xã Hương Thủy quyết định đặt cho một con đường tại đó, cách Huế không xa, con đường dẫn vào ngôi lăng mộ của hai ông bà.

Viết đến đây, bỗng dưng tôi liên hệ với cuộc đời Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, dù biết không thể so sánh một vĩ nhân chói lọi tên tuổi trong lịch sử dân tộc nước nhà với một người thế hệ sau đó gần 700 năm và khác xa nhau về công lao với Dân với Nước. Phò Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua, định quan tước, tổ chức triều nghi, luận công ban thưởng, Nguyễn Trãi được ghi vào vị trí Khai quốc công thần, được ban quốc tính (được mang họ vua). Vậy mà chỉ hơn mươi năm sau bị kết tội thông đồng với vợ giết vua Lê Thái Tông, bị xử chém cả 3 họ!!! Phải mất 22 năm sau vụ án kinh thiên động địa ấy, vua Lê Thánh Tông mới rửa sạch nỗi oan ngút trời cho Ngài! Vậy mà từ đó đến nay có ai trong các nhà văn nhà thơ, nhà sử học lên án (chứ đừng mơ dám chửi) chính thức vua Lê Thái Tông và bọn quyền thần? Hay chỉ nhờ vào vụ án Lệ Chi Viên đẫm đầy máu và nước mắt đấng trung thần đó, nền sử học và văn học nghệ thuật Việt (và cả Pháp nữa) có thêm mấy công trình nghiên cứu, mấy cuốn tiểu thuyết, mấy bài khảo luận và…một bộ phim? Hay chẳng có ai bỏ tiền thuê viết bài xúi giục lên án, chửi bới vị vua ấy, bọn quyền thần sát hại công thần ấy?

Tại sao, vì mục đích gì ông Hảo cố tình không nói đến giai đoạn ngắn ngủi nhưng đầy vinh quang của một người cầm bút như Phùng Quán? Tại sao trong bài viết ngày 24/3/2020, ông Hảo cắt bỏ đi giai đoạn này? Không thể nói ông ta không biết. Đơn giản vì ông ta chỉ muốn đạt mục đích thâm hiểm là khích động những ai đó hai tháng nay im hơi lặng tiếng hoặc có nói có viết cũng chẳng làm lay động được niềm tin ngày càng củng cố chắc chắn của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ trong cuộc chiến nóng bỏng chống dịch như chống giặc hiện tại, nay có dịp hả hê viết ra những lời không nói được thành lời lâu nay. Cho nên ông ta quyết cắt bỏ giai đoạn đó. Thế thôi!

Tôi nghĩ đơn giản rằng một khi sự thật bị bóp méo, cắt xén theo ý đồ riêng thì dù bài viết do một người xảo ngôn hoạt bút như Trần Mạnh Hảo viết ra, tôi cũng thấy rõ mưu đồ trá ngụy trong đó. Vì thế tôi không tin cái gọi là Cái Tâm của Người cầm bút, chắc chắn từ lâu đã mất ở ông Hảo. Và với những thủ đoạn xảo trá ấy, khéo khi phải đổi một chữ trong bút danh Trần Mạnh Hảo chăng?

                                                                           Huế, 4 giờ 42 phút sáng 25/3/2020

                                                                                          Hồng Tâm