CÀNG ĐỌC CÀNG NGHẪM NGHĨ CÀNG THẤM THÍA

 

 

Cách đây hơn 3 tháng, nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN PHÚ TRỌNG, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

Đây là một bài viết rất có giá trị về cả phương diện lý luận và chỉ đạo thực tiễn. Bài viết của Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định và củng cố niềm tin son sắt cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về con đường đi tới tương lai của dân tộc ta. Chỉ có chủ nghĩa xã hội (CNXH) mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho nhân dân ta. “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Tổng Bí thư Đảng ta khẳng định: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.

Quả đúng như vậy, năm 1946, khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Như vậy, theo Bác muốn đưa đất nước đi lên CNXH thì trước hết phải giành cho được độc lập dân tộc. Nếu đất nước còn bị ngoại bang cai trị, nhân dân còn bị lầm than, nô lệ thì không thể có cơ hội để thực hiện công bằng xã hội. Khi đã giành được độc lập dân tộc rồi, để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” thì tất yếu phải đưa đất nước đi lên CNXH. Vì chỉ có CNXH mới có thể mang đến ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người. Nếu không, độc lập dân tộc cũng sẽ là một thứ xa xỉ, chỉ mang lại lợi ích, sung sướng riêng cho một thiểu số người.

Với lý tưởng “Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội” và niềm tin vào con đường đi lên CNXH, trải qua các thời kỳ cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã vượt qua biết bao sóng gió, thác ghềnh hiểm trở mới đi đến thành công. Để có độc lập, phải can trường chiến đấu, bất chấp hiểm nguy, ngời sáng tinh thần yêu nước, yêu nhân dân. Trong những năm dài gian khổ của các cuộc kháng chiến, nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam và các tầng lớp nhân dân đã sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”; “Mang trên mình còn lắm vết thương/ Người vẫn hiên ngang ra chiến trường/ Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người - độc lập tự do” và những Người Mẹ đã động viên những người con yêu quý của mình ngoan cường dũng cảm cầm súng ra chiến trường đánh đuổi kẻ thù cướp nước, dù phải chấp nhận mất mát hy sinh, nhưng luôn tin tưởng và bền gan chờ đợi ngày toàn thắng “Giặc bắt thôn ta vào “tố cộng”/ Nửa đêm mẹ dậy ngắm hình con/ Mười năm ảnh dẫu phai màu thuốc đôi mắt còn thiêu sạch trại đồn”, “Mẹ đào hầm khi tóc đang còn xanh/ nay Mẹ đã phơ phơ đầu bạc/ Mẹ đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao đêm rồi thức suốt vọng năm canh…”. Trước biến động của tình hình Liên Xô và Đông Âu vào cuối những năm 1990 đầu năm 1991, phe xã hội chủ nghĩa lâm vào thoái trào, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã sáng suốt lãnh đạo Nhân dân ta vững vàng kiên định, giữ vững niềm tin vào lý tưởng cao đẹp, không ngừng thắp sáng ngọn đuốc cách mạng trong lòng dân tộc: “Ai nói khác, nhưng Sử lòng vẫn chép/ Thế kỷ hai mươi thế kỷ Lênin”, tiến hành công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới tư về duy kinh tế để vượt qua khủng hoảng và bao vậy cấm vận với quyết tâm “đổi mới mà không đổi màu”, “hội nhập mà không hoà tan”. Nhờ kiên định vào con đường đi lên CNXH, đất nước ta sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đã đạt được những kỳ tích vô cùng to lớn mang ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Cả dân tộc Việt Nam đang hòa nhịp vào dòng chảy của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế với “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (2) ; phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa với 3 mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Những ngày này (từ 24 tới 26-8-2021) , Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm Việt Nam, chương trình đã diễn ra thành công với nhiều kết quả cụ thể. Trong sự thành công đó trước hết phải khẳng định rằng, sự chuyển mình của Việt Nam trong công cuộc đổi mới đã được nhìn nhận rất khác trong con mắt của thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng. Việt Nam ngày càng hội nhập và có vị thế ngày càng tăng, đất nước phát triển, quyền lợi của người dân được mở rộng. Năm 1995, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mới dừng ở 450 triệu USD, thì đến nay đã là hơn 65 tỉ USD. Việt Nam là quốc gia đang lên, vượng khí rất mạnh. Là nền kinh tế thứ 4 Đông Nam Á, thị trường 100 triệu dân và là đất nước có nền an ninh ổn định nhất thế giới. Các nước lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc đều cần hợp tác với chúng ta và ngược lại. Việt Nam ta luôn độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, hợp tác cùng phát triển. Chúng ta càng vững tin vào con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta  đã chọn.

Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến hết sức mau lẹ, khó đoán định; trong nước, thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới đã tạo nên những tiền đề vững chắc để đất nước tiếp tục phát triển, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi, đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và trách nhiệm chính trị của mỗi người dân. Bởi vậy, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần rất quan trọng để mỗi người trong chúng ta có cùng nhận thức, thấy rõ trách nhiệm và thể hiện quyết tâm xây dựng thành công CNXH, cho dù phía trước con đường cách mạng của dân tộc không phải chỉ được trải bằng thảm đỏ; trước mắt phải tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 để giành được kết quả tốt nhất trong việc ngăn chặn tình hình dịch bệnh bùng phát lần thứ tư đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Nam và nhiều tỉnh thành khác trong đó có cả Thừa Thiên Huế chúng ta, đồng thời tranh thủ mọi thời gian thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã xác định. Lòng yêu nước, yêu CNXH của mỗi người dân ở thời kỳ nào cũng vậy, không phải là điều gì quá xa vời, trừu tượng, mà bằng chính những việc làm, hành động cụ thể vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phân tích sâu sắc bản chất của chế độ XHCN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho chúng ta cái nhìn toàn diện, nâng cao tầm nhận thức về nội hàm của CNXH để củng cố niềm tin vào con đường đi lên của đất nước: Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.

Thật tuyệt vời, thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam với bức tranh toàn cảnh như hiện nay đã và đang  minh chứng sinh động và đầy sức thuyết phục cho việc lựa chọn con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Để có được cuộc sống ấm no hạnh phúc hiện tại, chúng ta không bao giờ quên những đau khổ cùng cực “dân một cổ, hai tròng nô lệ” với thân phận như “chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao” mà người dân Việt Nam phải gánh chịu dưới xiềng xích đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Để tiếp tục đưa đất nước đến đài vinh quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh phải nêu cao “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Khát vọng thiêng liêng, lớn lao đó chỉ có thể được thực hiện khi chúng ta vững bước trên con đường đi lên CNXH, với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là phải truyền cảm hứng để hiện thực hóa khát vọng. Muốn vậy, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải biết truyền cảm hứng để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi trọn vẹn hơn, cao hơn nữa mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

PHAN NGỌC QUYÊN