PHỐ SÁCH Ở HUẾ - MỘT KHÁT KHAO VẪN CÒN DANG DỞ

  • Huế và giấc mơ về một không gian đọc

Huế trong lịch sử Việt Nam luôn là trung tâm văn hoá của tri thức, văn học nghệ thuật và giáo dục. Chính vì thế, Huế luôn là địa danh chứng kiến văn hoá đọc phát triển đạt đến tầm nghệ thuật. Xứ sở này cho đến nay vẫn còn nhiều nhà sưu tầm sách, nhiều học giả am hiểu sách, nhiều thư viện sách cổ/quý của tư nhân và chính quyền. Nhiều sách quý của Huế từ thời Pháp thuộc và triều đại phong kiến cuối cùng, hiện nay vẫn được các học giả uy tín, nhà sưu tầm hiểu biết lưu giữ trong các bảo tàng. Mặc dù chúng ta cũng thừa nhận có không ít sách quý gần đây, nhất là sách cổ đã bị các đầu nậu thu gom đem qua nước ngoài hay các trung tâm lớn để bán. Ngày nay, tuy Huế  không còn là kinh đô, là trung tâm về chính trị, kinh tế, nhưng mảnh đất này vẫn còn giữ được vị thế là trung tâm văn hoá và văn học nghệ thuật. Do đó, sách vở ở Huế vẫn luôn có giá trị tinh thần đặc biệt.

Từ rất lâu, bạn đọc yêu sách nói riêng và tầng lớp trí thức nói chung ở Huế vẫn khao khát, mong chờ có một không gian đọc được dành riêng cho sách. Hàng loạt café sách ở Huế được mở ra như café July, café sách Phú Xuân… phần nào đáp ứng nhu cầu này, nhưng người Huế vẫn nhìn ra bên ngoài để ước mơ có được những không gian đọc rộng lớn, phong phú hơn. Thủ đô Hà Nội vốn đã nổi danh với phố sách Đinh Lễ, phố sách sinh viên ở đường Phạm Văn Đồng, hay phố sách cũ ở đường Láng, gần đây bạn đọc “mọt sách” lại có thêm niềm vui khi đường sách khang trang 19/12 được đưa vào hoạt động. Thành phố Hồ Chí Minh vốn đã có đường sách cũ Trần Nhân Tôn, đường sách giảm giá Trần Huy Liệu, vài năm gần đây lại có thêm một phố sách thực sự đúng nghĩa, đầy hiện đại là phố sách Nguyễn Văn Bình.

Có thể thấy những phố sách nói trên, đặc biệt là phố sách 19/12 và Nguyễn Văn Bình đã trở thành điểm nhấn của các thành phố lớn, có nền tảng văn hiến vững chắc, khẳng định vị thế trung tâm ở hai đầu đất nước. Ở những địa danh được quy hoạch chi tiết, đẹp như Nguyễn Văn Bình, phố sách thực sự là một địa chỉ văn hoá và nghệ thuật, với rất nhiều sự kiện lớn được tổ chức hằng tuần, thậm chí hằng ngày. Các phố sách này thu hút một lượng lớn khách du lịch, cả khách nước ngoài, các bạn trẻ và các em thiếu nhi, từ đó từng bước đắp bồi nên một nền văn hoá đọc cho cư dân thành phố. Phố sách là nơi nhanh nhất để các tác giả, nhà xuất bản, công ty văn hoá giới thiệu, tiếp thị, quảng bá sách đến bạn đọc thông qua các hoạt động giao lưu, kí tặng, phỏng vấn. Sách ở đây được cập nhật mới nhất, thường xuyên có chính sách ưu đãi giảm giá mạnh, quà tặng, đặc biệt yêu cần tiên quyết đó là sách bày bán đều là sách thật, sách chính chủ, bởi sự tham gia kinh doanh, tiếp thị trực tiếp của các đơn vị xuất bản uy tín. Ngoài ra, phố sách còn là nơi giao lưu, trò chuyện, kết thân của bạn đọc thông qua hệ thống cửa hàng lưu niệm, hệ thống café sách, sân khấu và hoạt động triển lãm, giao lưu nghệ thuật.

Xét trên nhiều tiêu chí, một thành phố văn hoá Asean, một trung tâm nghệ thuật, giáo dục không thể không thành lập một phố sách quy củ, hiện đại. Đó là khát vọng chính đáng của người dân thành phố Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, đó cũng đồng thời là sự trăn trở trong một thời gian dài của các cấp lãnh đạo Thành phố Huế.

  • Phố sách Hai Bà Trưng – đường sách chưa ngang tầm.  

Từ nguyện vọng chính đáng nói trên của người dân xứ Huế, phố sách đầu tiên đã được ra đời từ ngày 1/5/2018 toạ lạc trên một trong những con đường rộng rãi, đẹp nhất của xứ Cố đô là đường Hai Bà Trưng, đoạn cắt ngang đường Nguyễn Huệ, nhìn ra con sông An Cựu thơ mộng. Phải thấy rằng sự ra đời của phố sách Hai Bà Trưng là một quyết sách đúng đắn và tất yếu của các cấp lãnh đạo chính quyền Thành phố Huế. Việc lựa chọn địa điểm đẹp để làm phố sách, chính sách ưu đãi cũng cho thấy quyết tâm xây dựng một thành phố đam mê tri thức, có văn hoá đọc cao của lãnh đạo chính quyền. Tuy nhiên, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, đa phần bạn đọc cảm thấy hụt hẫng, tạo ra nhiều bức xúc và thất vọng với phố sách Hai Bà Trưng.

Mặc dù mang tên là phố sách, nhưng giữa “danh” và “thực” hoàn toàn không tương xứng, bởi đa phần sách trưng bày bán đều là sách cũ, hay còn được “dân trong nghề” gọi là sách ve chai, sách đồng nát. Mục đích cập nhật tri thức, kinh doanh sách hiếm/cổ với sự tham gia của những đơn vị xuất bản lớn như Nhã Nam, First New, Phương Nam, Đông A, Alphabook, Tao Đàn, Nxb Văn học, Nxb Kim Đồng, Nxb Chính trị quốc gia, Nxb Hội Nhà văn… hoàn toàn không thực hiện được. Toàn bộ phố sách chỉ được giao cho một chủ kinh doanh sách cũ duy nhất, thông qua công ty Cổ phần sách C&C. Việc này làm bạn đọc liên tưởng đến nhiều hội chợ sách được tổ chức và quảng cáo rùm beng trước đó ở xứ Huế, nhưng khi đến tham dự, bạn đọc rất thất vọng vì chất lượng đầu sách nghèo nàn, toàn sách phế phẩm, sách cũ.

Một phố sách nằm ở trung tâm một thành phố văn hoá, nhưng lại chỉ giao cho một công ty “có sở trường” về sách cũ là điều bất hợp lý mà ai cũng dễ dàng nhận ra. Ngay cả những nhà xuất bản tại sân nhà như Nxb Đại học Huế, Nxb Thuận Hoá, sách của các văn nghệ sĩ Huế, tạp chí Sông Hương… cũng không có quầy đại diện, như vậy tiêu chí một phố sách hiện đại, khang trang, cập nhật sách mới, sách thật ngay từ đầu đã không thực hiện được. Đáng ngại hơn là cung cách kinh doanh của công ty cổ phần sách C&C đã tạo ra nhiều dư luận phản ứng không tốt, do đơn vị này chỉ kinh doanh sách cũ, sách đồng nát (được bán theo cân), các tạp chí cũ, truyện tranh cũ, các sách mới thì đa số là sách lậu, sách giả. Các rạp sách này trưng bày lộn xộn, nhếch nhác theo kiểu “chợ trời”, thậm chí đơn vị bán còn chẳng cần kệ tủ, nhà cửa, kiosque như các phố sách ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, mà trưng màn trời chiếu đất, đến tối hay mưa thì đem bạt quây lại. Nếu không tính quán café đặt ở vị trí trung tâm, cả phố sách chỉ có một căn nhà duy nhất, mà đó thực chất lại là… một cái container được chủ đem chế lại, sơn xanh lè. Chỉ riêng cách trưng bày thôi đã nói lên giá trị của sản phẩm văn hoá.

Nhiều bạn đọc là sinh viên nhịn ăn mặc lấy tiền mua sách mới, về giở ra mới bức xúc khi biết đó là sách giả. Nhiều đơn vị phát hành lớn như Nxb Trẻ, Nhã Nam, First New… rất bức xúc trước kiểu kinh doanh vi phạm nghiêm trọng công ước Berne (về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật), quyền sở hữu trí tuệ và luật xuất bản này của công ty cổ phần sách C&C. Thiệt hại không chỉ từ phía tác giả, nhà xuất bản, mà còn từ phía người đọc. Nhiều sách lậu, sách cấm, sách bị thu hồi, sách giả vẫn vô tư bày bán ở đây. Các hoạt động sai trái này vừa qua đã tạo ra nhiều ý kiến phê phán, mà đặc biệt là bài báo hai kỳ trên tờ Nông nghiệp Việt Nam (đăng ngày 4-5/3/2019 trên website nongnghiep.vn) do nhà báo Kiều Mai Sơn chấp bút. Luồng dư luận này là cần thiết, kịp thời, nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng đường sách Hai Bà Trưng đang làm thất vọng bạn đọc, làm mất uy tín của thành phố Huế - với tư cách là một trung tâm tri thức và văn hoá với bạn bè cả nước.

Các quyết định kiểm tra, xử phạt của Uỷ ban nhân dân Thành phố Huế (Phòng Văn hoá và Thông tin) vừa qua là kịp thời, khi khẳng định công ty Cổ phần sách C&C không có hoá đơn, chứng từ của hơn 300 sách, chưa có Giấy Chứng nhận kinh doanh. Các yêu cầu bổ sung giấy tờ sau đó của chính quyền thành phố cũng không được công ty này chấp hành. Điều này cho thấy năng lực quản lý còn yếu kém, quyết tâm mang lại một nền văn hoá đọc trong sáng là chưa cao của các đơn vị có chức năng quản lý, nên vẫn còn có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” tại đường sách Hai Bà Trưng. Thực ra, quyết định số 74/VHTT của UBND Thành phố vẫn còn khá nhẹ và chưa đánh giá đúng tình hình sách giả, sách lậu tại đây. Cụ thể từ ngày 21 đến 25/2/2019, Công ty cổ phần sách C&C treo băng rôn, tuyên truyền rộng rãi về “Ngày Hội sách lần đầu tiên” với nhiều đầu sách ưu đãi giảm giá, sách bán theo cân (!) với 59 ngàn 1 kg. Trên một vài băng rôn quảng cáo còn thậm chí “cả gan” treo logo của Đội thiếu niên tiền phong với chữ “Sẵn sàng” dù sự kiện này không hề liên quan gì đến hoạt động của Đội.

Trong băng rôn chính quảng cáo còn ghi rõ sách của Nhã Nam và sách của First New giảm giá 30%, nhưng khi chúng tôi kiểm tra thực tế thì phần lớn là sách giả hoặc sách tồn kho. Liên hệ với hai đơn vị có tên trên băng rôn quảng cáo nêu trên thì họ đều không biết về sự kiện. Có đơn vị khẳng định sẽ kiện về sự kiện này. Điều này cho thấy cung cách kinh doanh vi phạm pháp luật của đơn vị tổ chức. Các trí thức, nhà giáo, văn nghệ sĩ ở Huế gần như không đến đường sách Hai Bà Trưng, với họ, đó là một nốt nhạc buồn.

  • Đã đến lúc Huế cần có một đường sách đúng nghĩa

Henry David Thoreau từng cho rằng “Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia, do đó, chúng ta cần đối xử với sách như một chứng nhân tinh thần đáng trân trọng". Huế không thể thiếu vắng sách và sự đọc, việc ra đời của một phố sách là cấp bách và phải làm trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng điều này không có nghĩa là làm bừa và làm bằng mọi giá, thả nổi cho doanh nghiệp tư nhân tự tung tự tác như thời gian qua. Bạn đọc yêu sách ở Huế rất mong mỏi có một phố sách đúng nghĩa, với sự tham gia của nhiều đơn vị xuất bản, kinh doanh sách, mà trước tiên là các đơn vị địa phương và khu vực. Sách cần đảm bảo mới, quý và quan trọng là sách thật, sách có ích cho tâm hồn. Sách cũ có thể vẫn cần và đáng trân trọng, nhưng chỉ nên qui hoạch vào 1 hay 2 gian hàng có chọn lọc như đường sách Nguyễn Văn Bình (Tp. Hồ Chí Minh), sách cũ phải chọn lọc kĩ và có tiêu chí rõ ràng. Làm sao kêu gọi được nhiều đơn vị có tiềm lực, uy tín tham gia sẽ là vấn đề cần giải quyết của các cơ quan chức năng.

Việc xây dựng chỉnh trang phố sách cũng là cần thiết, không nên trình bày theo kiểu “chợ trời” như hiện nay, mà nên hiện đại hoá, chuyên biệt hoá thành các kiosque riêng như đường sách 19/12 hay Nguyễn Văn Bình đã làm. UBND Thành phố Huế, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hoá, thể thao, các đơn vị An ninh văn hoá, Công an kinh tế, Thanh tra văn hoá cần thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh tại đây cũng như cần kêu gọi các đơn vị Đoàn – Hội, các tổ chức nghệ thuật tổ chức hoạt động văn hoá văn nghệ, triển lãm.

Để đường sách đi đúng hướng, thực hiện đúng tôn chỉ và tên gọi cần thành lập Ban quản lý đường sách trực thuộc UBND Thành phố, ra sức chỉnh trang cơ sở vật chất như xây nhà vệ sinh công cộng, quản lý kinh doanh café, tổ chức bãi giữ xe cho bạn đọc… cũng như kiểm soát nội dung và đầu sách bày bán. Tránh để độc quyền, phó mặc cho một cá nhân hay công ty duy nhất. Chúng ta thà đi chậm mà chắc, thậm chí có thể tạm ngưng hoạt động để sau đó làm tốt hơn, đó là trách nhiệm, là lương tâm của những người hôm nay với bạn đọc, với thế hệ mai sau của thành phố Huế thân yêu.

  P.N