“Đánh giá khoa học – lắng nghe – phân tích – không biết thì phải hỏi” thưa ông Nguyễn Tiến Dũng

Báo cáo phân tích sơ bộ về sự giả khoa học của ông Phùng Xuân Nhạ” – cái tiêu đề mới nghe thôi cũng khiến chúng ta không khỏi “giật mình” vì độ giật gân, độ “nóng”. Mà có lẽ chính vì giật gân, vì “nóng” mà nhiều ngày qua mạng xã hội không ngừng chia sẻ đường dẫn về bài viết này với những lời bình “trên trời dưới đất”. Vẫn là những chiều hướng xôn xao rằng: “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hãy từ chức”; “Phùng Xuân Nhạ nên cảm thấy xấu hổ”;…

Chú thích: Lời vu khống hạ uy tín bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trên facebook!

Thông tin nói trên được đăng tải tại các facebook như: Tien Zung Nguyen; Truong Huy San;… với nội dung chính là “kết tội” ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo về việc “tự đạo văn, trích dẫn khống, đăng bài ở các tạp chí giả khoa học, thiếu trình độ tiếng Anh, lý luận ngụy biện hời hợt phản khoa học”. Lời kết tội này đi kèm với một đường link chia sẻ dẫn tới bài báo cáo 10 trang về việc kết tội do “tác giả Nguyễn Tiến Dũng và các cộng sự thực hiện”.

Nói đến đây thôi, hẳn rằng nhiều người đã nghĩ, kết tội sơ bộ mà đến 10 trang, đúng quá rồi, còn gì để tranh cãi nữa. Ấy thế nhưng, chúng ta hãy cùng nhìn nhận lại sự việc, tập thử “đánh giá khoa học” bằng cách lắng nghe, phân tích, và nếu không biết thì đặt câu hỏi,…

Thứ nhất, bài báo cáo phân tích sơ bộ của tác giả Nguyễn Tiến Dũng và các cộng sự kết luận “hai bài báo bằng tiếng Anh của Phùng Xuân Nhạ và Lê Quân, (PXN-LQVNU2013) và (PXN-LQ-ASS2014), một bài công bố năm 2013 và một bài năm 2014, giống nhau “như đúc”, từ mở đầu cho đến kết luận (và bài năm 2014 không hề nhắc tới sự tồn tại của bài năm 2013)”. Một con số chưa được kiểm chứng cũng được đưa ra là: “Theo phần mềm tra cứu Turnitin, có 48% nội dung của bài năm 2013 được copy lại nguyên si trong bài năm 2014”.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tìm lại hai bài báo tiếng Anh này và thấy rằng, những đoạn giống nhau “như đúc” giữa hai bài báo chỉ là sự trích dẫn tham khảo từ nguồn bên ngoài. Một ví dụ cụ thể về một đoạn văn tìm thấy có sự giống nhau từ hai bài báo khoa học của ông Phùng Xuân Nhạ như: “In a crisis situation, leadership is collective and dynamic, and it requires perception and sense-making skills by leaders in order for them to determine appropriate courses of action (Weick, 1988). During crisis, leaders should focus on decision making, communication, creating organizational capabilities, sustaining an effective organizational culture, managing multiple constituencies, and developing human capital (Bolman, 1997). Therefore, the leadership competencies they need are related to managing the operational, strategic, and human resource functions, and also financial functions (Denis, J., Lamothe, L., and Langley,A. (2001)”.

Vâng! Bài báo bằng tiếng Anh, nhưng không cần dịch nghĩa đâu cũng đều nhận ra là sau mỗi câu đều có phần mở ngoặc phía sau ghi tên người nước ngoài, và năm. Đây là biểu thị cho ý trích dẫn câu nói.

Hai bài báo năm 2013, 2014 của ông Phùng Xuân Nhạ đúng là có sử dụng những đoạn viết nào đó như nhau, nhưng đều theo cấu trúc trích dẫn nguồn như trên. Hai bài viết này về nội dung kinh tế, nhưng tiếp cận theo hai hướng khác nhau chứ không giống hoàn toàn như bài phân tích của tác giả Nguyễn Tiến Dũng nêu. Rõ ràng, con số 48% giống y “như đúc” là không có cơ sở và chúng ta không thể khẳng định hai bài viết năm 2013, 2014 của ông Phùng Xuân Nhạ là “tự đạo văn được”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ – ảnh: zingnews

Thứ hai, Nguyễn Tiến Dũng đưa ra thông tin tạp chí “Asian Social Science” là một “tạp chí giả khoa học (bị loại ra khỏi danh sách Scopus từ sau năm 2015)”, và ông Phùng Xuân Nhạ chỉ có 2 bài báo quốc tế được đăng trên tạp chí này cùng vào năm 2014 để chỉ trích Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo không xứng đáng với chức danh Giáo sư.

Ở đây, chưa có bất kì một thống kê chính xác nào nói ông Phùng Xuân Nhạ chỉ có 2 bài báo quốc tế trong danh sách Scopus. Đồng thời, 2 bài báo trên tạp chí “Asian Social Science” của ông Nhạ được đăng tải năm 2014. Sau năm 2015, tức năm 2016 tạp chí “Asian Social Science” bị loại khỏi danh sách Scopus vì lý do gì, cũng chẳng ai có thể khẳng định đây là “tạp chí giả khoa học”. Đương nhiên, từ 2 năm trước là năm 2014, cũng chẳng ai có thể khẳng định “Asian Social Science” là một tạp chí giả khoa học cả. Nếu đây là tạp chí thiếu uy tín, thì tại sao từ năm 2006 nó xuất hiện, mà 10 năm sau mới bị đưa ra khỏi Scopus?

Không biết thì nên để ngỏ và chờ “quốc tế” trả lời chứ các bạn nhỉ? Nhưng rõ ràng là thông tin này chẳng thể khẳng định hay đánh giá gì được 2 bài báo quốc tế của ông Phùng Xuân Nhạ là chất lượng hay không chất lượng cả.

Thứ ba, lại về “câu chuyện hội đồng chức danh giáo sư bị thao túng”. Ông Dũng và cộng sự cho rằng năm 2016 khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm Chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư thì việc ông Nhạ được phong Giáo sư là “không đúng, trái pháp luật”.

Nhưng chúng ta hãy đọc Nghị định số 20/2001/NĐ-CP ngày 17/5/2001 của Chính phủ “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư”. Không có bất cứ quy định pháp luật nào bị vi phạm trong việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm Chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư cả.

Hơn nữa, thành phần Hội đồng chức danh giáo sư bao gồm: 01 chủ tịch, 01 phó chủ tịch, 01 tổng thư ký và 28 Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước là Chủ tịch của 28 Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành.

Việc kết luận “Hội đồng chức danh giáo sư bị thao túng” quả thực không hề có cơ sở, theo kiểu “ném cát bụi tre”.

Nhìn vào một số nội dung trên thôi, cộng thêm với danh tiếng “đâm chọt” của Trương Huy San, cùng những thông tin được nhiều người bàn tán về xích mích cá nhân của Facebooker Tien Zung Nguyen với bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đủ để người ta thấy được sự “lập lờ” để hạ uy tín người đứng đầu ngành giáo dục rồi. Phải chăng vẫn là những hành động “ném cát bụi tre” bấy lâu nay, cốt để làm sao cho hình ảnh một cán bộ lãnh đạo nào đó bị xấu đi trong mắt của những người dân thiếu tiếp cận thông tin, ít cập nhật tin tức?

Đúng là với cương vị một người từng trải qua thời kì học sinh, sinh viên, cũng từng chẳng hài lòng với chương trình giáo dục hiện nay tại Việt Nam. Nhưng bản thân khi nhìn thấy một số người đưa ra những cái nhìn thiếu khách quan, thực tế về người đứng đầu ngành giáo dục cũng chẳng làm cho giáo dục của Việt Nam tốt lên.

Về nhiều người đang đọc thông tin trên mạng, chúng ta hãy bỏ thói quen rằng chỉ đọc qua loa mà tin hoàn toàn một vấn đề nào đó. Hãy đi sâu vào chi tiết và hãy nên nắm bắt thông tin một cách tích cực, biết suy nghĩ đúng, sai. Và khi không biết đúng sai, trước hết hãy “lắng nghe” đã, đừng vội…