VÀI Ý KIẾN VỀ KỲ THI THPT QUỐC GIA

Vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang, mới đây tại Sơn La đã gây chấn động dư luận cả nước. Hàng trăm bài thi của nhiều thí sinh đã được nâng điểm. Ngoài Hà Giang và Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các tổ công tác để kiểm tra, thẩm định kết quả thi THPT quốc gia tại các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Bến Tre, Lâm Đồng. Đáng mừng là ở các tỉnh này, đến nay chưa phát hiện dấu hiệu sai phạm.

Trước sự việc trên, có những ý kiến đưa ra các giải pháp, hiến kế để việc tổ chức kỳ thi chặt chẽ, công bằng hơn; thì cũng có một số người cho rằng nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia, giao cho các trường THPT xét công nhận tốt nghiệp; giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ; xoá bỏ hình thức thi trắc nghiệm…

Kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2015, đến nay, đã qua một số lần điều chỉnh. Nếu như trước đây, với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT riêng và các trường ĐH, CĐ tổ chức thi tuyển riêng thì trung bình mỗi thí sinh trải qua 3 – 4 đợt thi (thi tốt nghiệp THPT; thi tuyển sinh vào các trường ĐH khối A và khối B, C, D; thi tuyển sinh vào các trường CĐ). Thì nay, với tính chất “hai trong một” mỗi thí sinh chỉ cần tham dự một kỳ thi duy nhất. Điều này đã tiết kiệm về mặt thời gian, công sức, tiền của cho học sinh và gia đình. Bên cạnh đó, được tổ chức ngay tại địa phương nên đã tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh, giảm áp lực về cơ sở hạ tầng, giao thông tại các thành phố lớn. Kỳ thi áp dụng hình thức thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn thi tự luận) với đề thi được xây dựng trên cơ sở ngân hàng câu hỏi đã được chuẩn hoá. Hình thức thi này đã loại trừ tính phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người chấm thi. Mỗi thí sinh trong phòng thi có các mã đề thi khác nhau, do đó, hạn chế tiêu cực trong quá trình thi và coi thi.

Nếu chúng ta bỏ kỳ thi THPT quốc gia, giao cho các trường THPT xét công nhận tốt nghiệp thì giáo dục sẽ đối mặt với nhiều tiêu cực hơn. Đầu tiên, tâm lý chạy theo thành tích sẽ khiến cho nhiều trường THPT buông lỏng, tạo “điều kiện tối đa” để trường mình có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất. Khi giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có quyền tự quyết trong đánh giá kết quả của học sinh, ít nhiều sẽ nảy sinh hiện tượng thiên vị, chạy điểm... Từ đó, chất lượng dạy và học sẽ bị thả nổi, khó kiểm soát. Mặt khác, việc xét tốt nghiệp dựa vào kết quả học tập của học sinh sẽ khiến cho giáo dục Việt Nam sẽ vẫn mãi chú trọng truyền thụ kiến thức, chứ không phải phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Điều này đi ngược lại với tinh thần của công cuộc cải cách căn bản, toàn diện giáo dục mà Việt Nam đang tiến hành.

Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ có quyền tự chủ trong tuyển sinh được quy định trong Luật Giáo dục Đại học. Nhưng nếu không có kỳ thi THPT quốc gia để các trường ĐH, CĐ xem đó là cơ sở quan trọng để tuyển sinh; thì với trên 322 trường ĐH, CĐ như hiện nay, mỗi trường tổ chức một kỳ thi riêng, phương thức tuyển sinh cũng khác nhau, rất có thể mỗi thí sinh sẽ trải qua hàng chục đợt thi vì em nào cũng muốn thi nhiều trường để khả năng trúng tuyển cao. Như vậy, vô hình dung sẽ gây ra sự lãng phí về mặt thời gian, công sức, tiền bạc và tạo áp lực lớn cho thí sinh và xã hội.

Mặt khác, mức độ đáng tin cậy, tính công bằng trong kỳ thi do các trường ĐH, CĐ tự tổ chức cũng là một việc đáng bàn. Nhiều trường sẽ tuyển sinh chặt chẽ, nghiêm túc nhưng cũng không thể loại trừ một số trường hợp gian lận, tiêu cực. Một số trường ĐH, CĐ top dưới sẽ tìm mọi cách thu hút sinh viên,...

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, tuy đã xảy ra vụ việc đáng tiếc ở Hà Giang, Sơn La nhưng với mặt tích cực vốn có, thì việc tiếp tục duy trì kỳ thi là rất cần thiết. Ngành giáo dục, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, điều chỉnh để kỳ thi các năm tiếp theo chặt chẽ hơn, đảm bảo công bằng, hiệu quả hơn, tạo được niềm tin đối với toàn xã hội, đó mới là vấn đề cấp thiết hiện nay.

THUỲ DUNG