Trước khi trừng trị kẻ xấu, cần đối thoại với dân

Hà Tĩnh đang nóng bởi dân chúng bị kích động bạo động. Hành động của họ là phạm pháp, những kẻ quá khích cần bị trừng trị. Nhà nước đã công khai tư tưởng chỉ đạo đó trên thông tin đại chúng. Dư luận đồng tình. Đấy là những yếu tố cần và đủ để chính quyền Hà Tĩnh ra tay lập lại kỉ cương.

vo_van_thuong1ds

Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là vấn đề “Mâu thuẫn nội bộ nhân dân” dẫn đến “xung đột”. Bằng chứng là những đòi hỏi của người dân ở đó là vấn đề lợi ích có liên quan đến chính quyền. Vậy nên, đối thoại với nhân dân cần đi trước một bước là cần thiết. (Khía cạnh bị thế lực xấu lợi dụng xin bàn sau)

Ông Võ Văn Thưởng Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đối thoại với dân

Vì sao phải đối thoại trước?

Vì những người tham gia là công dân đất nước đang có những mắc mớ về lợi ích mà người giải quyết lợi ích là chính quyền. Những mắc mớ ấy có thể chính đáng hoặc không chính đáng mà chỉ có thể qua đối thoại mới làm rõ được.

Đời sống xã hội dựa trên cơ sở các quyền lợi, do đó thường nảy sinh sự mâu thuẫn vì lợi ích, từ đó dẫn tới xung đột giữa các nhóm xã hội với nhau, giữa người bị quản lý và người quản lý. Trong trường hợp này là xung đột giữa người dân với chính quyền. Do vậy, đối thoại giữa dân với chính quyền là cần thiết.

Xung đột xã hội là một trong những trạng thái thường xuyên của cuộc sống con người, nó tồn tại ở mọi cấp độ, giữa con người với con người, các nhóm người, các tập đoàn xã hội, các thiết chế xã hội, được đặc trưng bằng sự đối lập các lợi ích và quan điểm, được biểu hiện bằng các hành vi đụng độ, xô xát hữu hình trên thực tế. Trong trường hợp này hà sự đụng độ giữa nhóm người với thiết chế xã hội. Vì vậy, đối thoại giữa họ với chính quyền là cần thiết.

Xung đột phát sinh và được đẩy lên đỉnh điểm không chỉ do ý thức của dân chúng, mà còn có vai trò của các xung vô thức hoặc có ý thức từ bên ngoài. Trong trường hợ này là những thế lực âm mưu lật đổ chính quyền và tôn giáo cực đoan thông qua bàn tay công dân – tín đồ. Nhiều người trong đó hành động chỉ vì tình cảm tôn giáo bị kích động. Do đó, đối thoại để làm rõ động cơ, phân biệt đúng sai là cần thiết.

Ở vùng giáo, vấn đề làm rõ xung đột lợi ích và xung đột giá trị là rất quan trọng. Mâu thuẫn về lợi ích (bao gồm cả lợi ích vật chất và phi vật chất) thì phải giải quyết tháo gỡ bằng chính vấn đề đó là chủ yếu. Mâu thuẫn, xung đột về giá trị hay quan điểm (như xung đột tôn giáo, sắc tộc) thì phải tháo gỡ bằng quyền lợi giá trị, quan điểm. Rất may, Quốc hội đã vừa thông qua Luật về Tôn giáo và Tín ngưỡng, đó là căn cứ cho giải quyết xung đột giá trị.

Tuy cả hai dạng xung đột này đều có thể phát triển đến đỉnh cao, hết sức khốc liệt, nhưng thực tế cho thấy, xung đột giá trị thường kéo dài, khó xử lý dứt điểm hơn. Trên lý thuyết cũng như trong thực tiễn, hai dạng xung đột này có liên quan mật thiết và có thể chuyển hoá, nhất là từ xung đột lợi ích trở thành xung đột giá trị. Tình hình ở Nghệ An, Hà Tĩnh cho thấy có sự can thiệp, xúi dục, tiếp tay của một số chức sắc tôn giáo núp bóng xung đột lợi ích (đòi bồi thường). Vì vậy, làm cho tín đồ thấy rõ những thủ đoạn lợi dụng của giới chức sắc là rất quan trọng.

Về khía cạnh xã hội học, xung đột thường là tập hợp những hành vi lệch chuẩn, vượt quá khuôn khổ của pháp luật, luôn chứa đựng nguy cơ đe doạ sự ổn định xã hội và an ninh trật tự. Do đó, làm cho dân chúng hiểu rõ pháp luật và giới hạn hành vi hợp chuẩn là rất quan trọng. Chặn đường quốc lộ là phạm pháp, dùng công cụ bạo lực (gậy gộc, dao rựa, đá…) là phạm pháp. Những đối tượng quá khích có hành động phạm pháp trong những cuộc bạo động vừa rồi cần được nói rõ trước dân chúng để họ đồng tình, không phản đối, cản trở trước khi bắt, trừng trị.

Đừng lo sợ khi xã hội có xung đột bởi, bản thân xung đột ở một khía cạnh nào đó nó cũng tạo ra một số tác động tích cực, đặc biệt là sự cảnh báo xã hội một cách nghiêm khắc, tạo áp lực để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng (bất bình đẳng, thiếu dân chủ, tham nhũng…). Tuy nhiên, nhìn nhận những tác động tích cực của xung đột không có nghĩa là khuyến khích xung đột, mà ngược lại, cần phải tìm cách xử lý mâu thuẫn một cách hợp lý bằng con đường phi xung đột ngay từ đầu, triệt tiêu nguyên nhân của nó bằng thực hiện các chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Giải pháp xử lý mâu thuẫn nội bộ nhân dân ưu thế nhất là “cả hai đều thắng” (win-win). Theo đó, cuộc xung đột được dàn xếp sao cho ít tổn thương nhất và ai cũng được chia phần thắng lợi. Thương lượng và hoà giải để dàn xếp xung đột theo hướng đi đến một sự thoả hiệp nào đó, sao cho cả hai đều giảm được sự tổn thương là cách lựa chọn tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, điều hoà xung đột là công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải phối hợp nhiều giải pháp một cách kiên trì và mềm dẻo. Trấn áp là cần thiết nhưng không được tràn lan, đổ lửa thêm dầu.

Cách giải quyết điểm nóng của Nghệ An vừa qua là đúng đắn, lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc CA đã xuất hiện để đối thoại tại chỗ với tín đồ Ki tô trong bối cảnh xung đột đỉnh điểm, không ngại va chạm, kiên trì, mềm dẻo nên đã thu hẹp được mâu thuẫn. Bài học lịch sử cho thấy đã có đôi lần tín đồ bị kích động đã bắt cán bộ, lật xe, rào làng đối chọi nhưng rốt cục đều được giải quyết thỏa đáng.

Tuy nhiên, Nghệ An còn đối mặt với khó khăn do thái độ bất hợp tác của Giáo hội và một số Giáo sỹ cực đoan. Vì vậy, đối thoại còn gặp nhiều trở ngại, cần phải kiên trì. Song, giáo sỹ mà không có sự ủng hộ của giáo dân thì cũng không tự tung tự tác được. Trong lúc đó, đa số tín đồ là tốt, chuyện cơm áo gạo tiền, học hành, chữa bệnh… lợi ích của tín đồ tự thân tôn giáo không mang lại được. Vì vậy, đối thoại, vận động, giác ngộ quần chúng là rất cần thiết để thu hẹp, xóa bỏ xung đột.

Ai là người đối thoại có hiệu quả nhất với nhân dân?

Tất nhiên đấy là những người có uy tín. Trong cộng đồng dân tộc thì đó là tầng lớp trên. Trong cộng đồng tôn giáo thì đó là giáo sỹ. Trong thiết chế xã hội thì đó là người đứng đầu các cấp của Đảng, Chính quyền. Trường hợp của Nghệ An, Hà Tĩnh là Bí thư, Chủ tịch (các cấp) và Giáo sỹ (các địa phận) tùy theo quy mô, tính chất xung đột.

Chúng ta còn nhớ, hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chiếm được cảm tình khi trực tiếp đối thoại với công nhân khu công nghiệp Bình Dương; Ở Đà Nẵng, hình ảnh Bí thư Nguyễn Bá Thanh ngồi suốt buổi nói chuyện với dân còn đọng sâu trong trí nhớ của mọi người; Người dân làng cổ Đường Lâm Hà Nội đã đồng thuận dễ dàng khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị xuống để đối thoại với dân và cùng với cấp chính quyền bàn với dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; Hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng ra đối thoại với dân ngay nơi bà con tập trung phản đối về việc hút cát ở sông đã hạ nhiệt và giải quyết được mâu thuẫn.

Hiện nay, tại không ít địa phương có những điểm nóng, xung đột nhưng rất ít khi thấy người đứng đầu cấp ủy Đảng, Chính quyền có mặt tại đó để giải thích, vận động, chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân.

Thay vào đó, cắt cử những cán bộ không những không hiểu vấn đề, không đủ năng lực, thậm chí trong con mắt của người dân thì đấy là người không có uy tín. Phong cách đối thoại không bình dân. Ngôn ngữ không phù hợp… nên thất bại.

Tuy đang nói về đối thoại để giải quyết điểm nóng nhưng tôi cũng xin lưu ý rằng: Từ nguyên thủ quốc gia đến chủ chốt của các địa phương, ngành hiện nay rất ít xuất hiện, đối thoại với nhân dân. Vẫn phong cách cũ mèm “họp báo”, gặp gỡ cán bộ, đại diện nhân dân trong hội trường với những thành phần có khi được chọn sẵn. Vì sao vậy, vì “sợ nhân dân” chăng!

Bao nhiêu năm nay, người dân một lòng, một dạ đi theo cách mạng, theo Đảng để làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Trong chiến tranh, nơi nào khó nhất, gian khổ nhất thì có đảng viên, cán bộ đi đầu, xông pha trận mạc. Người dân tin Đảng chưa hẳn là vì những lý luận gì cao siêu mà chính là từ những tấm gương đảng viên dám hy sinh vì dân, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thật sai lầm khi tại những điểm “nóng”, đặc biệt là ở các vụ người dân khiếu kiện đông người, gây ra những bất ổn về chính trị, an ninh trật tự của địa phương thì lại vắng bóng những Bí thư, Chủ tịch, Giám đốc công an đối thoại với dân.

Đúng là có không ít vụ khiếu kiện đông người, phức tạp có bàn tay của những kẻ xấu, những kẻ cơ hội chính trị, thậm chí của cả các tổ chức phản động lưu vong. Có những vụ khiếu kiện mà những người hung hăng nhất lại là người được thuê mướn. Nhiệm vụ của Công an là phải làm rõ những vấn đề đó và trừng trị bằng pháp luật.

Khi cán bộ không dám đối thoại với dân thì chỉ có mấy lý do: Thứ nhất, người cán bộ đó không đủ uy tín, năng lực; Thứ hai là hèn nhát, không dám nhận trách nhiệm; Thứ ba, từ chối nhiệm vụ mà nhân dân ủy thác quản lý xã hội; Thứ tư, không tin dân, người đã bầu mình bằng lá phiếu cử tri.

Khi Giáo hội và Giáo sỹ làm ngơ, từ chối trách nhiệm của mình trong đối thoại, giải quyết điểm nóng do tín đồ của mình gây nên là họ đã từ chối trách nhiệm công dân đất nước; phản bội đường hướng “Kính Chúa – Yêu nước” của Giáo hội; phản bội niềm tin của tín đồ.

Xung đột xã hội không phải là không thể giải quyết.