Phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo, đoàn kết dân tộc

Việc Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc-Vesak đã góp phần hiện thực hóa Nghị quyết XII của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó khẳng định cần tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo…, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…

Với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, hàng nghìn chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, học giả Phật giáo cũng như các phật tử từ khoảng 110 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới, Đại lễ Vesak là cơ hội để Việt Nam giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đoàn kết, hòa hợp và phát triển, bằng chính hiện thực khách quan. Số lượng các nguyên thủ quốc gia và lượng đại biểu quốc tế tham dự Đại lễ Vesak 2019 đều vượt hai lần tổ chức trước đây, càng chứng tỏ Việt Nam đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.  

Ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo-Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, có 5 nước cùng đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak 2019 nhưng Việt Nam đã được chọn vì hội tụ đầy đủ các tiêu chí, trong đó tiêu chí quan trọng là Việt Nam có được sự thống nhất giữa Nhà nước và tôn giáo. Chính phủ Việt Nam chấp thuận đăng cai, bảo trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện cho Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak 2019 là một minh chứng khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam và quan điểm chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam đó là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo. “Có thể nói cả hệ thống chính trị đang cùng vào cuộc chung sức với GHPG để tổ chức Đại lễ Vesak”, ông Bùi Hữu Dược nhấn mạnh.

Đối với GHPG Việt Nam, việc đăng cai Đại lễ Vesak 2019 tiếp sau thành công của hai lần trước là dịp để chứng tỏ vị thế của Phật giáo trong giai đoạn mới. Qua đó khẳng định với thế giới tinh thần đoàn kết tôn giáo, đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam. Qua tiếp xúc, một số phật tử Việt Nam ở nước ngoài trước đây vì không hiểu hết về tình hình tôn giáo ở Việt Nam nên không tránh khỏi có những ngộ nhận. Nhưng qua hai lần Đại lễ Vesak được tổ chức ở Việt Nam, họ đã hiểu rõ hơn đời sống tôn giáo phong phú, tự do trong khuôn khổ luật pháp ở Việt Nam, qua đó đánh giá tích cực sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Các tôn giáo ở Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật và được tạo điều kiện để phát triển.

Bạn bè quốc tế cũng ghi nhận những giá trị tốt đẹp trong tư tưởng Phật giáo được lưu truyền tại Việt Nam và ý nghĩa đối với thế giới. Trong thông điệp chúc mừng Đại lễ Vesak 2019 diễn ra ở Việt Nam, Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, đã đánh giá cao ý nghĩa tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua nổi tiếng của Việt Nam ở thế kỷ 13 đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm đang được lan truyền rộng rãi, đối với các vấn đề đương đại như thù hận, bất công… Bà Audrey Azoulay cho rằng, giáo lý Phật giáo khuyến khích hành động với chánh niệm, khoan dung và đoàn kết chính là những giá trị đã truyền cảm hứng cho Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tổng giám đốc UNESCO trong thông điệp đã viết rằng: “Từ núi thiêng Yên Tử đến phong cảnh thanh bình của Tràng An, Việt Nam là quê hương của Phật giáo cổ xưa nổi bật với giá trị phổ quát. Ngày Vesak quốc tế mang đến một dịp tốt lành để phản ánh về các giá trị đó và là nền tảng để xây dựng hòa bình và xã hội bền vững”.

Ở Việt Nam có nhiều tôn giáo khác nhau cùng hoạt động. Hiện nay, 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó hơn 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số; gần 53.000 chức sắc, 134.000 chức việc, 28.000 cơ sở thờ tự. Việt Nam có đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức hằng năm. Mỗi tôn giáo đều có giáo lý và nghi lễ riêng nhưng có mẫu số chung là hướng con người tới những giá trị tốt đẹp và nhân văn cao cả. Mặc dù đường hướng và phương châm hành đạo riêng nhưng các tôn giáo đều chung một định hướng sống “tốt đời, đẹp đạo”. 

Chính sự đoàn kết giữa các tôn giáo ở Việt Nam đã tạo môi trường để phát huy những giá trị tích cực nói trên, tạo điều kiện để các tôn giáo đóng góp thiết thực hơn cho cộng đồng xã hội và đất nước. Đạo Công giáo và Tin lành, với phương châm sống phúc âm giữa lòng dân tộc, sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc, đã góp phần cổ vũ các giáo dân tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, cứu trợ đồng bào lũ lụt… Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước tạo điều kiện tham gia các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế và trở thành cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Việc Việt Nam đăng cai tổ chức nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế lớn như Kỷ niệm 500 năm Cải chánh Tin Lành (2017) và lần thứ 3 tổ chức Đại lễ Vesak 2019, đã mở ra cơ hội hợp tác, hội nhập quốc tế của các tôn giáo trong nước, qua đó tăng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế. Thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018). Các chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến nhu cầu tín ngưỡng của các tín đồ, chức sắc các tôn giáo, giúp họ yên tâm phấn khởi thực hiện tốt việc đạo, việc đời. Qua đó, tạo cho các tôn giáo xây dựng các đường hướng hoạt động của mình thể hiện sự đồng hành, gắn bó với dân tộc. Có thể khẳng định, các quy định của Nhà nước đã tạo điều kiện cho các tôn giáo phát huy được giá trị về văn hóa, về đạo đức, các hoạt động của tôn giáo cũng đóng góp cho cộng đồng xã hội và đất nước một cách tích cực.

MỸ HẠNH