ĐÔI LỜI VỚI ĐAN VIỆN THIÊN AN

Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng - mảnh đất vẫn còn nhiều nghèo khó. Hơn 50 năm tôi lăn lộn, gắn bó với ruộng nương để lo cho con có cái ăn, cái mặc, được học hành tử tế. Nhớ lại những năm tháng khó khăn, cả gia đình tôi lên đồi Thiên An để cào rác thông để thay củi đốt, nhặt những cành cây khô để dự trữ nhiên liệu cho mùa đông. Đất nước được thống nhất, lúc đó tôi đang học cấp ba. Chủ nhật, nhà trường tổ chức cho học sinh lao động. Hàng ngàn học sinh chúng tôi vác cuốc xẻng, mang cả phân chuồng theo, đã trồng hàng vạn những cây thông con ở các núi đồi.

Đất đai ở đây đều do nhà nước quản lý, những bản cấm, qui định được ban hành để bảo vệ tài sản chung. Mọi vi  phạm đều phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Chúng tôi là những nông dân, suốt ngày đầu tắt mặt tối, chữ nghĩa thì cũng không nhiều, cũng chẳng có chức sắc gì nhưng ai cũng hiểu, đã làm người thì sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Làm cái gì mà có lợi gia đình và xã hội thì nên làm. Đừng làm hại người khác, đừng đánh mất niềm tin, đừng đánh mất uy tín và danh dự của mình. Đừng để người khác khinh rẻ mình và cũng để người khác lên án mình bởi những việc làm nếu không nói đó là “vô đạo”.

Người dân Kim Sơn phản ánh với báo chí nỗi bức xúc lâu nay

Mấy năm gần đây, không ít người dân ở thôn Kim Sơn chúng tôi sống trong tâm trạng bất an, bởi những người tu hành ở Đan viện Thiên An mà người dân chúng tôi rất lấy làm quí trọng. Gặp các thầy ở Đan viện dù ở đâu chúng tôi đều cúi đầu chào. Trong lòng người dân chúng tôi luôn nghĩ những người tu hành là ngày đêm lo cho đạo, lo cho đời, ban phước lành đến cho mọi người dân. Họ là những người có tâm, đức độ, luôn thương yêu con người, thương chúng sanh như Chúa, Phật thương yêu nhân loại.

 Gần nơi tôi ở có chùa Đức Sơn, sư cô Minh Tú cùng các ni sư nơi đây đã cưu mang, nuôi nấng nhiều trẻ nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Đến nay không ít em được dạy dỗ nên người, đã trưởng thành, có công ăn việc làm tự nuôi sống bản thân mình và giúp ích cho xã hội. Hay như nữ tu Võ Thị Thọ - Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi - khuyết tật Sơn Ca, dòng Thánh Phao Lô, phường Kim Long, thành phố Huế, là một trong những điển hình tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội. Những việc làm đầy nhân ái, thấm đẫm tình yêu đối với những mảnh đời bất hạnh, cùng với việc hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước, đã góp phần cùng với các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở cộng đồng dân cư được xã hội tôn vinh và ghi nhận. Tôi tin rằng sẽ còn nhiều, rất nhiều những con người sống tốt với đời, sống đẹp với đạo pháp để lại dấu ấn tốt đẹp.

Ông Nguyễn Viết Củ chỉ cho phóng viên những phần đất bị Đan viện lấn chiếm, chặt hạ cây và nghiêm trọng hơn là đào trộm mồ mả gia đình

Trái ngược hoàn toàn với những người tu hành trên, những người đang tu ở Đan viện Thiên An đã có nhiều hành động mà những người dân ở thôn Kim Sơn không thể nào hiểu nổi, không thể nào chịu nổi. Mong rằng chính quyền các cấp xử lý họ, không để họ “tác oai, tác quái”  như xã hội đen nữa. Không để những người lợi dụng khoác áo tu hành mà làm điều xằng bậy, hết chặt phá rừng thông, đến chặt cây trồng của dân, hết phá đường để không cho dân đi lại sinh hoạt đến đào mồ mả của dân để lấn chiếm đất đai. Thế mà họ luôn rêu rao là bị đàn áp, tôn giáo bị đàn áp. Tôi thấy, từ trước tới nay, chính quyền nhà nước có đàn áp, gây khó khăn gì cho tôn giáo nào đâu. Chỉ có họ mới làm cho lòng dân không yên.

Trước đây người dân ở thôn Kim Sơn quí trọng những người ở Đan viện Thiên An bao nhiêu thì giờ đây thất vọng và chán ngán bấy nhiêu. Thất vọng là đúng thôi - vì họ đã đánh mất danh dự, uy tín của mình dù họ đang giữ chức sắc gì đi nữa.

                                                                                      THIÊN LONG