DIỄN ĐÀN CẤP CAO APEC LẦN THỨ 25 TIN TƯỞNG VÀ HY VỌNG

Việt Nam chúng ta rất tự hào về những thành công của công tác đối ngoại. Tháng 11 năm 1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn APEC. Trong gần 20 năm qua, diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Diễn đàn APEC hội tụ hầu hết các đối tác hàng đầu của Việt Nam về chiến lược, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, công nghệ, viện trợ phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.

17 thành viên APEC là các đối tác FTA của Việt Nam, gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Sinh-ga-po, Phi-lip-pin, Thái Lan, Ốt-xtrây-lia, Niu Di-lân và Chi-Lê; 18 thành viên APEC là các đối tác FTA của Việt Nam; 7 trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là các nền kinh tế thành viên APEC, gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông -Trung Quốc, Ma-lai-xi-a và Sin-ga-po.

Năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận trọng trách chủ nhà APEC tổ chức thành công hàng trăm hoạt động mà trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 14 và đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC. Có thể nói Việt Nam luôn là một trong những thành viên tích cực và có trách nhiệm của Diễn đàn APEC.

Tại hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 họp ngày 05-07/10/2013 ở Bali, In-đô-nê-xi-a, các nền kinh tế thành viên đã nhất trí ủng hộ Việt Nam tổ chức năm APEC 2017. Điều này thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các nền kinh tế thành viên đối với nước ta.

Ấy vậy mà, thời gian gần đây, khi Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn APEC lần thứ 25 sắp khai mạc, trên mạng xã hội một số kẻ cơ hội tung ra những luận điệu xuyên tạc đầy ác ý: “CHXHCN Việt Nam được tổ chức APEC 2017 chẳng qua là xoay tour thôi  (21 năm một lần - lần đầu VN tổ chức là 1996 ) chứ đâu có phải ưu tiên hân hạnh gì” . Họ còn cho rằng: “Đến nay trong số 21 nước thì VN vẫn là một nước nghèo, kém phát triển (theo cách nói của ai đó là …không chịu phát triển). Vẫn còn ngữa tay xin tiền viện trợ hoăc vay ODA, thế mà dám để Tàu Cộng làm một Khách sạn dát vàng trên đất nước mình, dù nay là để nhân cơ hội tiếp đón khách dự APEC (còn mục đích chính là gì thì mọi người đã hiểu). Các vị Nguyên thủ 20 nước thấy vậy sẽ nghĩ sao về VN…..có đáng để được hưởng viện trợ hoặc vay ODA nữa hay không ??? Và còn  nhiều vấn đề khác nữa …”  Đúng là họ “nói lấy được”, họ đã phun ra những lời độc địa, bất chấp sự thật. Họ nhân danh là người yêu nước, nhưng thực sự họ là những kẻ phá hoại. Những lời họ đưa ra không đắn đo suy nghĩ, không nghiên cứu, mà cứ nói bừa để đánh lận con đen. Chẳng hạn, tháng 11 năm 1998 nước ta mới chính thức tham gia Diễn đàn APEC, thế mà họ nói ào, năm 1996 Việt Nam tổ chức APEC lần đầu...(?)

Qua tìm hiểu, APEC ra đời cách đây gần 3 thập kỷ và có 21 nền kinh tế thành viên. Việt Nam mới gia nhập diễn đàn này được gần 20 năm, nhưng đây đã là lần thứ hai Việt Nam được chọn là quốc gia tổ chức các sự kiện APEC. Điều này cho thấy sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Việc tổ chức thành công hội nghị APEC 2017 được kỳ vọng sẽ không chỉ đem lại cho Việt Nam những đánh giá cao trong công tác tổ chức, mà còn thể hiện vai trò người dẫn đường của Việt Nam trong diễn đàn vào một thời điểm thế giới đối mặt nhiều thách thức kinh tế và chính trị.

Một phần do những lợi ích của toàn cầu hóa chưa được phân bố đồng đều, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên ở nhiều quốc gia, đặc biệt được thể hiện rõ nét qua sự kiện của năm 2016 là việc cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời bỏ Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Thời gian qua, nhiều định chế lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về những rủi ro mà sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ có thể đặt ra cho nền kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo công bố ngày 9/5, IMF nói rằng bảo hộ thương mại sẽ là một nhân tố đe dọa tăng trưởng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam với vai trò chủ nhà APEC 2017 đề xuất chủ đề hoạt động cho năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, với mục đích thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác kinh tế sâu rộng hơn và tăng cường hội nhập trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm APEC 2017 còn có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên của Diễn đàn (1998 - 2018).

Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 cũng như nổ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018. Năm APEC 2017 khẳng định quyết tâm của Việt Nam tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện. Việc đăng cai Năm APEC 2017 còn giúp nước ta có thêm những cơ hội mới để tranh thủ nhiều hơn sự ủng hộ và hỗ trợ của APEC phục vụ việc hoàn tất các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của đất nước.

Theo thông lệ và với mong muốn đóng góp tích cực cho hợp tác APEC, Việt Nam đã và đang tổ chức khoảng 20 hội nghị lớn trên khắp ba miền đất nước. Cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, từ 20-29/9/2017, tại Thành phố Huế - Tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra “Đối thoại chính sách cấp cao về phụ nữ và kinh tế” thành công tốt đẹp. Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 dự kiến sẽ diễn ra tại Thành phố Đà Nẵng từ ngày 06-11/11/2017. Khoảng hơn 10.000 đại biểu quốc tế, trong đó có lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu khu vực và trên thế giới cũng như đại diện các cơ quan truyền thông lớn của quốc tế sẽ đến dự.

Như vậy, với những ai mang tư tưởng bất mãn, thù địch với chế độ, họ có cách nhìn méo mó và lạc lõng về một sự kiện quốc tế lớn được diễn ra ở nước ta. Dư luận chung của xã hội, của nhân dân Việt Nam là tin tưởng và hy vọng rằng, Năm APEC 2017 được coi là thời điểm có ảnh hưởng tích cực tới các doanh nghiệp Việt nhằm tương tác với cơ quan chức năng, tác động vào các thể chế, chính sách cũng như để học tập kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh và tạo dựng quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác phát triển hơn trong khu vực. Tổ chức thành công Tuần lêc Cấp cao APEC lần thứ 25, sẽ nâng tầm hơn nữa và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

                                                                                    THUẬN HÓA