CHÚNG TA CÓ QUYỀN KỲ VỌNG VÀO TUẦN LỄ CẤP CAO APEC

Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra tại Thành phố Đà Nẵng từ ngày 06-11/11/2017. Với chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Đại hội Đảng lần thứ XII (năm 2016), việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 là một trọng tâm của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Với ý nghĩa đó Việt Nam có 4 kỳ vọng lớn:

-Việt Nam có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình APEC làm cho hợp tác APEC thực chất và có hiệu quả hơn. Trước những thách thức đan xen đối với phát triển, APEC cần tìm kiếm động lực mới thúc đẩy tăng trưởng bền vững và làm sâu rộng liên kết, kết nối khu vực. Trong đó, then chốt là việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại - đầu tư vào năm 2020.

-Kết quả hoạt động của năm 2017 tiếp tục nâng cao vị thế APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở Châu Á -Thái Bình Dương và thế giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư.

-Thông qua năm APEC 2017 để tăng cường tình hữu nghị, làm sâu sắc quan hệ đối tác với các nền kinh tế thành viên hiện là những trung tâm kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện kết nối thiết lập các mối quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới.

-Quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập; mang lại những cơ hội phát triển, quảng bá, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Các bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và hiểu biết về Diễn đàn APEC.

Trước thềm khai mạc Tuần lễ cấp cao APEC có nhiều ý kiến đáng quan tâm. Bên cạnh cái nhìn khách quan, đúng đắn, rất đáng tiếc một số Đài, Báo Phương Tây (BBC, RFA, RFI) lại đưa ra một số ý kiến thiếu xây dựng. Có một bài báo với tiêu đề: “APEC - từ cái nhìn vĩ mô đến chuyện cơm áo”, tác giả bài báo lập luận lập lờ, khi họ vừa cho rằng: Hội nghị thượng đỉnh APEC là sự kiện quốc tế lớn nhất mà Việt Nam từng tổ chức, Đảng Cộng sản và Chính phủ đang dành hết nỗ lực để tổ chức thành công sự kiện. Hàng loạt sự kiện quan trọng diễn ra trong tuần lễ APEC cấp cao lần thứ 14, từ ngày 12-19/11 (?), với chủ đề “Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng.”

Các quan chức APEC sẽ để nguyên tuần để bàn thảo các vấn đề kinh tế, chính trị trọng yếu mà các nền kinh tế thành viên đang gặp phải, cũng như sẽ phải đương đầu để tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai.

Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 lượt khách nước ngoài đến Hà Nội trong dịp mà các quan chức Việt Nam nói là cơ hội để quảng bá cho hình ảnh Việt Nam.

Họ lại thêm cái đuôi: Hàng ngàn công nhân đã bỏ sức lao động để làm đẹp thủ đô Hà Nội, chờ lúc chào đón những nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ, Nga, và Chủ tịch Trung Quốc. Và tỏ ra thương cảm với người lao động, họ nêu ý kiến của người này người nọ (anh lái Taxi, bà chủ tiệm cafe, bà cụ bán xôi..) để cho rằng vì chuẩn bị cho APEC, để đảm bảo an ninh trật tự cho sự kiện quốc tế lớn mà bà con lao động ở Hà Nội, Đà Nẵng phải tạm gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến công ăn việc làm và cuộc sống mưu sinh. Họ mời gọi dư luận đó đây, trong nước, Việt kiều lên mạng xã hội để bình luận, nói xấu, bôi đen ý nghĩa của việc đăng cai tổ chức Diễn đàn APEC. Những “tình cảm” của họ thật lạ lẫm, như facebook -Trần, Hà nội, Việt nam đã thẳng thắn trao đổi : Tôi nghĩ rằng khi đã tổ chức một hội nghị như thế thì bất cứ một quốc gia nào cũng phải chuẩn bị thật tốt mà thôi. Vẫn còn rất, rất nhiều người không hề biết là gì, nhưng qua sự kiện này có thể họ sẽ biết đến APEC. Dân Mỹ cũng đâu biết đến APEC nhưng giới lãnh đạo của họ lại rất quan tâm tới nó. Có lẽ quá bức xúc với ý kiến méo mó của Minh, Boston, Hoa kỳ, Trần, Hà nội, Việt Nam còn nêu tiếp: Người Việt có thói xấu là hay nhìn vào, hay đi tìm những cái tiêu cực, chứ không nhìn vào những điểm tích cực dù sống ở đâu vẫn thế. Buồn thay. Các bạn hãy làm tốt những công việc của mình trước khi mơ ước viển vông rằng phê phán này nọ có vẻ như mình là thánh nhân. Xấu hổ thay - thay vì cùng hợp tác, bắt tay nhau cùng nhau xây dựng đất nước thì lại đi nói xấu nhau. Làm thì ít nói thì nhiều. Tội nghiệp thay. Hãy nhìn lại mình. Trước khi muốn chạy phải đứng vững trước đã nhe.

Thật ra một số ý kiến mà đài, báo phương Tây nêu chỉ là những ý kiến lạc lỏng của một số người với tâm địa không lành mạnh; vào thời điểm này có nhiều ý kiến quan trọng và rất xác đáng, ví dụ: Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) tại Hà Nội - ông Adam Sitkoff cho rằng, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương 2017 (APEC-2017), cùng với các chuyến thăm của những nguyên thủ hàng đầu thế giới, là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam thúc đẩy phát triển lợi ích kinh tế. Trả lời phỏng vấn, Ông Adam Sitkoff nói rõ: “Tôi tin rằng, mối quan tâm lớn nhất đối với các nền kinh tế thành viên APEC tại hội nghị năm nay là tìm ra con đường để đạt được hơn nữa tự do hóa thương mại ở Châu Á - Thái Bình Dương vào thời điểm chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa gia tăng.

Chúng ta đang thấy hoạt động bảo hộ diễn ra ở mọi nơi trên thế giới. Các thành viên APEC cần phản đối chủ nghĩa bảo hộ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiến trình thương mại thuận lợi”. Tổng thống Hoa Kỳ đến dự APEC, Giám đốc AMCHAM đánh giá: “Tôi rất mong đợi chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam, ngay cả khi tôi không đồng ý với nhiều ưu tiên thương mại của Tổng thống. Chuyến thăm sắp tới tạo điều kiện cho Tổng thống và phái đoàn Mỹ cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy các lợi ích của Mỹ ở Châu Á.

Chuyến thăm còn đem lại cho cả Mỹ và Việt Nam cơ hội lớn để tiếp tục hợp tác toàn diện. Người dân Việt Nam và Mỹ thật vui mừng vì hai nước chúng ta đã có thể vượt qua những bi kịch của quá khứ để xây dựng mối quan hệ hữu nghị mạnh mẽ và sâu rộng như ngày hôm nay.

Hai nước chúng ta hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quân sự, nhân quyền, giáo dục, biến đổi khí hậu, y tế, an ninh năng lượng... Năm ngoái, thương mại Việt-Mỹ đã vượt qua con số 52 tỉ USD, tăng 16% mỗi năm. Tôi tin tưởng rằng, sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam sẽ được tiếp tục ngày càng năng động hơn”.

Đối với Việt Nam, việc đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 (APEC-2017) không chỉ là một vinh dự mà còn là một trách nhiệm để chứng minh vị thế xứng đáng của Việt Nam giữa các nền kinh tế dẫn đầu thế giới hiện nay. Tác giả Grigory Trofimchuk - Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia của Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á-Âu” đưa ra nhận định trên trong bài viết nhan đề “APEC-2017: Hướng đến Việt Nam” đăng tải ngày 21/9 trên trang mạng của Hãng thông tấn Rex (Nga).

Bài viết cho rằng:  “người Nga đang ngày càng chú ý tới Việt Nam, song không chỉ với tư cách là một điểm du lịch tươi đẹp. Chỉ trong năm nay đã diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng trong lĩnh vực hợp tác song phương Nga-Việt, thậm chí còn có ý nghĩa trong cả thập kỷ tới.

Một sự kiện tiêu biểu chính là chuyến thăm Liên bang Nga cách đây không lâu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và chuyến thăm Việt Nam sắp tới để tham dự APEC-2017 của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cũng giống như Liên bang Nga, Việt Nam cũng là một trong những thành viên trẻ nhất của APEC khi cùng gia nhập vào tổ chức này vào năm 1998. Năm 2012, Nga đã là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh và năm nay đến lượt Việt Nam sẽ chứng minh, không chỉ cho các quốc gia trong khu vực của mình mà cho cả thế giới, tiềm năng kinh tế vốn đã có những bước phát triển chưa từng thấy về chất lượng trong thập kỷ vừa qua”...

Bản thân Việt Nam có cơ sở đặt ra những kỳ vọng lớn vào Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, đó là sự phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng; sự đóng góp đáng kể cho tiềm năng của APEC; việc quảng bá hình ảnh Việt Nam với tư cách một đất nước có nhiều tiềm năng lớn; là bước tiến lớn để biến APEC trở thành một diễn đàn kinh tế dẫn đầu, cũng như hướng đến một thế giới nhân văn hơn./.

                                                           THUẬN HÓA