BỆNH THÍCH CHỤP ẢNH

Có lẽ danh hiệu “dân tộc thích chụp ảnh nhất” thuộc về người Việt Nam nếu có là một điều hoàn toàn xứng đáng. Nhiều người khi nghe nói vậy chắc hẳn sẽ cho rằng người viết nói xấu dân tộc mình, rằng không yêu nước, xin thưa! Hãy nghe những câu chuyện hoàn toàn có thật và sự thật vẫn diễn ra quanh ta!

Một là trong một Hội nghị quốc tế do Việt Nam đăng cai, tham dự có hàng trăm đại biểu đến từ nhiều nước khác nhau. Hội nghị diễn ra lúc 8 giờ sáng và các đại biểu đã đến đầy đủ, khách Tây, khách Tàu đã có mặt , họ ngồi vào vị trí đã được Ban Tổ chức quy định theo từng đoàn, một số nghiên cứu tài liệu trong sự im lặng để dồn hết trí tuệ cho hội nghị, một số khác thì trao đổi với nhau về các vấn đề liên quan tất nhiên cũng nói để đủ nghe. Đồng hồ đã điểm 8 giờ kém 10 phút, Hội trường khẩn trương cho buổi họp, thế nhưng từ đâu ra một đoàn đại biểu nước chủ nhà cả đàn ông lẫn đàn bà, trong trang phục đẹp đẽ, sang trọng leo tót lên sân khấu, tạo hết dáng này đến kiểu đứng nọ… để cho anh cán bộ trẻ có nhiệm vụ cầm hết chiếc Iphone này đến Ipas nọ chụp lia lịa, trên cổ anh chàng còn lủng lẳng chiếc máy ảnh Canon mới cóng. Một cô đứng tuổi ra lệnh “Mày chụp cho cô vài kiểu để cô đưa lên Facebook!” anh thợ chụp ảnh mồ hôi hột rơi ướt hết cả áo, miệng vâng vâng, dạ dạ, quý cô kia trên liền ngồi vào ghế chủ tọa rồi ra vẻ đăm chiêu “nghiên cứu tài liệu” ra dáng “người quan trọng” để anh cán bộ trẻ nháy máy lia lịa, hết kiểu “nghiêm túc” quý bà “chủ tọa” chuyển tư thế “yêu đời trẻ trung” ôm chầm lấy bó hoa trên bàn để kiếm thêm mấy tấm ảnh. Quan khách cứ ngỡ “bà chủ tọa” đã vào vị trí ai dè là bà chủ tọa “hàng mã”. Góc kia các cô gái cũng “tung hoành” trên sân khấu hết đứng rồi ngồi, miệng phúng phính, chu môi, tay thì đủ kiểu….  Có anh còn đứng hẳn lên bục, bật công tác micro, mặt nhìn thẳng, tay thì khua khua chém gió loạn xạ, tư thế như kiểu một vị lãnh đạo đang phát biểu để cho cô gái đi cùng cầm điện thoại chụp mấy kiểu, xong rồi đến lượt anh chàng phải phục vụ lại cô gái, cả nhóm người cười nói ha hả, vui sướng vì mấy tấm ảnh vừa được “pót” lên phây. Thêm nữa, cũng trong hội nghị quốc tế ấy, giờ nghỉ giải lao các đại biểu nước chủ nhà lại lôi nhau ra hành lang hay cũng leo lên sân khấu để chụp ảnh, hết toàn đoàn đến chụp nhóm nam, nhóm nữ, chụp chung, chụp riêng đủ cả. Cái hành lang bé nhỏ kia đủ để đặt mâm bánh, hoa quả, trong khi các vị khách quốc tế tranh thủ lót dạ và trao đổi thì đoàn chủ nhà tranh thủ… làm đẹp cho Facebook của mình. Khách Tây muốn đi ra ngoài cứ đứng phía sau “Xin lỗi, cho tôi qua!” thế mà chủ nhà cứ mặc kệ, đến nỗi khách bực mình đành chen ngang dẫu biết thế là mất lịch sự và phải nhận lại những cú lườm nguýt của chủ nhà!

Câu chuyện thứ hai: Đó là từ ngày chiếc điện thoại có thêm chức năng quay phim và chụp ảnh thì cánh phó nháy tại các điểm tham quan ế ra. Chiếc điện thoại thông minh bé xíu ấy lại là dụng cụ “sống ảo” của nhiều người từ lớn đến bé khi đi tham quan du lịch. Đến Đại Nội Huế, các bác thợ chụp ảnh giờ chẳng buồn chào mời khách nội bởi nếu có hỏi thì cũng chẳng ai cần nhờ chụp lấy một tấm, chỉ có khách Tây họ rất thích được thợ ảnh chụp bởi người Tây cho rằng việc chụp ảnh là việc của các bác thợ và họ cũng không có thói quen chụp ảnh rồi đưa lên khoe trên mạng xã hội. Thâm chí nhiều địa điểm nhà quản lý đã đặt biển đề nghị không chụp ảnh thế nhưng một số du khách lại như thể hiện tính láu cá và ước muốn có “hàng độc” liền làm vài tấm tại địa điểm cấm. Tại một cuộc triển lãm áo dài và nón lá vừa qua, nhà thiết kế phải để dự bị thêm vài chiếc áo dài và nhiều nón lá, khi được hỏi thì chủ nhân đã thú nhận để đề phòng áo và nón rách vì … khách mê chụp ảnh hơn thưởng thức cái đẹp và cái tài của nhà thiết kế!

Nhiều người chụp ảnh để lưu lại kỉ niệm của chuyến đi, của một sự kiện trọng đại nhưng đa số nhất là các bạn trẻ lại có sở thích chụp thật nhiều ảnh để... “pót” lên Facebook khoe với mọi người rằng ta đã đến đây, ta đang làm một việc quan trọng, một vị trí to lớn… nhưng thật ra lại là “thùng rỗng kêu to”! Lại có người chứng tỏ ta hiểu biết sâu rộng, đi đây đi đó nhiều, họ kể những “chuyến đi” của mình qua các tấm ảnh “đỏm dáng” ai ngờ đâu Đại Nội Huế rộng lớn quá lại lười đi nên đành đứng cạnh những biển chỉ dẫn để người khác chụp ảnh sau lên Facebook khoe đã đi đến cung này, điện nọ làm người khác phải ghen tức cho dù chẳng biết cung điện ấy ngang dọc, tròn vuông thế nào! Lại có người “nghiện chụp ảnh” như một nhu cầu sinh lý, làm gì cũng chụp, gặp ai cũng chụp, hết cây này đến trụ điện nọ, đám cưới cũng chụp đám ma cũng không tha,…. họ nghiện chụp ảnh đến nổi không chụp được ảnh người cứ thơ thẩn như kiểu con nghiện lên cơn mà thiếu thuốc… phải chăng đấy là một căn bệnh của thời đại!

Người viết cho rằng hiện nay văn hóa thế giới nói chung và văn hóa của dân tộc Việt Nam nói riêng chịu sự tác động và chi phối của những sản phẩm công nghệ cả tích cực lẫn tiêu cực. Một tầng lớp đông đảo trong xã hội từ người lớn đến trẻ nhỏ đều “mê chụp ảnh” đó là một biểu hiện cho tính cách của một dân tộc bởi mục đích người ta chụp ảnh cốt để khoe cho người khác biết, một dân tộc thích khoe khoang ấy là một dân tộc sĩ diện hão, sống phi thực tế, những con người mơ mộng hão huyền kiểu thích ăn trắng mặt trơn, thích địa vị trong khi bản thân giới hạn về năng lực, thích cái đẹp nhưng là cái đẹp phi nghệ thuật, cái đẹp của bản thân – cá nhân chủ nghĩa. Một căn bệnh của thời đại công nghệ, những người mê chụp ảnh, mê mạng xã hội sẽ dẫn đến bệnh tự kỉ vì chỉ biết chăm chú vào thế giới ảo với những con người và mối quan hệ ảo mà quên đi cuộc sống xã hội nhân loại thực tại với nền văn minh của mình. Nghiện chụp ảnh  còn là một biểu hiện của một loại bệnh tâm thần. Người viết không có ý định nói xấu dân tộc mình, chỉ viết những điều nhìn thấy, lắng nghe và suy nghĩ “Chúng ta thích chụp ảnh thật!”

P.T.H.A