An ninh mạng – góc nhìn từ tâm điểm dư luận

Trong một không gian phong phú và kết nối rộng lớn đến thế, nếu nói “an ninh mạng” hẳn nhiều người chậc lưỡi “lại cái bệnh giáo điều, cổ hủ, lạc hậu”... Họ sợ nói đến “an ninh” là cái gì đó kiểu bắt bớ, bỏ tù, kiểm soát, bưng bít, bịt miệng... 

Loạt bài viết này, chúng tôi chỉ mong bạn đọc ngẫm nghĩ đôi chút xem an ninh mạng cần thiết thế nào với bản thân mình, với cộng đồng và cao nhất là chính thể, đất nước mình?

Bây giờ, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 thế giới với gần 60 triệu người dùng Facebook. Bất kỳ sự kiện nào dở, lạ, tiêu cực trong xã hội đều có thể trở thành tâm điểm của “bão Facebook”.

Trong một không gian phong phú và kết nối rộng lớn đến thế, nếu nói “an ninh mạng” hẳn nhiều người chậc lưỡi “lại cái bệnh giáo điều, cổ hủ, lạc hậu”... Họ sợ nói đến “an ninh” là cái gì đó kiểu bắt bớ, bỏ tù, kiểm soát, bưng bít, bịt miệng... nên không ngại ngần hùa theo trào lưu chửi bới, miệt thị trên mạng và Nhà nước Việt Nam là khách thể cuối cùng của cơn bão phê phán, nguyền rủa đó. Nhưng thử nghĩ xem, con người sống ở đâu cùng cần sự an ninh, an toàn. Trên không gian mạng của kỷ nguyên số mà mất an ninh thì sao?

Loạt bài viết này, chúng tôi chỉ mong bạn đọc ngẫm nghĩ đôi chút xem an ninh mạng cần thiết thế nào với bản thân mình, với cộng đồng và cao nhất là chính thể, đất nước mình?

I - Nhận diện sự thật từ những chỉ trích

Từ những “thư ngỏ”, “kiến nghị”...

Một đạo luật theo lẽ thường trước khi xem xét tại Quốc hội đều trải qua quá trình soạn thảo, khảo cứu, thẩm định, đánh giá tác động nhiều mặt và nó được thảo luận, biểu quyết công khai tại nghị trường. Phản biện, góp ý kiến, kể cả ý kiến không tán thành, ý kiến trái chiều cũng đều rất cần thiết để các nhà làm luật “soi chiếu” dự luật một cách đa chiều, cân nhắc đảm bảo tính khả thi, khoa học khi vận dụng vào thực tiễn.

Nhưng với dự án Luật An ninh mạng, sự phản ứng từ một số tổ chức quốc tế và cá nhân có “quan điểm ngược” đã không còn là sự góp ý đúng nghĩa, nói chính xác đó là sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của cơ quan lập pháp, họ dùng hiệu ứng xã hội (internet, đài, báo...) để tác động hòng tạo sự phản kháng trong dư luận xã hội, đồng thời bằng mọi cách có thể như “thư đề nghị”, “thư ngỏ”, ra “thông cáo”... hòng gây áp lực tới cơ quan lập pháp Việt Nam.

 

An ninh mạng đang thách thức toàn cầu.

Ngày 12-6-2018, khi Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua, trên nhiều diễn đàn báo chí, mạng xã hội còn vẽ trò “tường thuật trực tiếp” kiểu như tường thuật bóng đá, đưa ra những tít gây hoang mang, phỏng vấn ông này, bà nọ dưới cái mác luật sư, nhà nghiên cứu, nhà “yêu nước” với nội dung không gì khác là phê phán đạo luật, phỉ báng Quốc hội, Nhà nước Việt Nam.

Một đạo luật ở nghị trường, xưa nay làm gì có chuyện khi đại biểu bấm nút mà bên ngoài lại “tường thuật trực tiếp”, có phải vì người dân rốt ráo quan tâm đến mức phải nóng lòng đến vậy không?

Thực ra, đây là chiêu trò của những kẻ chống phá, họ cố tình tạo ra điểm nóng, thổi thành sự kiện gây bão dư luận để khiến mọi người phải chú ý theo dõi, tìm cách hút cái nhìn không thiện cảm từ dư luận về phía cơ quan lập pháp Việt Nam. Hàng loạt ngôn từ nói về đạo luật như thế này: “Đừng để Việt Nam trở thành kẻ thù của các giá trị tiến bộ”, “Luật An ninh mạng - biến người bày tỏ quan điểm thành tội phạm”; “Phải thách thức “đề xuất lạnh người” của Luật An ninh mạng”...

Nhiều người đọc những thông tin trên, chẳng rõ thực hư ra sao, họ thấy phân tâm, ngờ vực, liệu có cái gì đó bất an, đặt câu hỏi nếu luật mà gây hậu quả như vậy, tại sao Quốc hội lại thông qua, có cái gì uẩn khúc ở đây?

Cũng có nhiều người theo phong trào, a dua, bấm “like” hay thêm thắt bình luận châm chỉa, mỉa mai phía dưới, trong khi thực tế họ cũng chưa rõ đạo luật đó thực ra là gì, quy định nội dung, bản chất ra sao. Thấy người ta chửi thì mình chửi theo, rồi cũng nghĩ xem viết gì, vẽ gì để châm chọc.  

Với ngôn từ “hậu quả tàn hại”, tổ chức Ân xá quốc tế (AI) lập tức ra thông cáo báo chí, trích phát biểu của bà Clare Algar, Giám đốc điều hành toàn cầu của tổ chức nói rằng: “Quyết định này có nguy cơ gây hậu quả tàn hại cho tự do ngôn luận ở Việt Nam. Trong bầu không khí tự do phát biểu bị kìm nén sâu sắc, không gian mạng là nơi mọi người có thể chia sẻ ý kiến mà ít lo ngại về sự chỉ trích của chính quyền”. Họ cho rằng, luật cho phép chính phủ một quyền hạn bao quát để giám sát hoạt động trực tuyến của người dân, cuộc bỏ phiếu này “có nghĩa là hiện nay ở Việt Nam không còn chỗ an toàn nào để mọi người tự do nói chuyện”.

Trước đó, ngày 9-6, tổ chức Ân xá quốc tế viết một loạt “thư ngỏ” cho giám đốc điều hành của các công ty Apple, Facebook, Google, Microsoft, Samsung kêu gọi những công ty này phản ứng về Luật An ninh mạng, nói việc ban hành đạo luật là “tụt hậu"! Cùng hùa theo “bão”, tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) kêu gọi chính quyền Việt Nam phủ quyết Luật An ninh mạng.

Hôm 14-6, văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp quốc tại Đông Nam Á gửi thông cáo “bày tỏ quan ngại” về việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng. Họ suy diễn rằng luật này chứa đựng những điều khoản đi ngược lại với những cam kết của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký, từ đó ra thông cáo giải thích những điều khiến họ “quan ngại”.

Tổ chức này lấy lý lẽ rằng, việc Luật An ninh mạng cho phép chính quyền yêu cầu các công ty công nghệ và các nhà cung cấp dịch vụ phải chia sẻ dữ liệu về thông tin cá nhân của người dùng, từ chối cung cấp dịch vụ và kiểm duyệt bài đăng của người dùng mà không cần đến quyết định của tòa án, quy định đó là “để giúp chính quyền đàn áp những tiếng nói bất đồng”... Thậm chí, theo trào lưu, một số còn mỉa mai “luật nhằm bịt miệng dân, củng cố độc tài”, là chỉ dấu “đảng, quốc gia lâm nguy”... 

Lợi ích - một nguyên cớ để phản ứng

Vậy, câu hỏi đặt ra: Tại sao đạo luật lại gây phản ứng như vậy, vì sao hàng loạt “mũi tên” lại nhằm vào địa chỉ này? Có cái gì uẩn khúc không?

Điều dễ nhận thấy, đó là lợi ích từ doanh nghiệp bị tác động. Xuất phát từ lợi ích kinh doanh, không muốn chịu sự quản lý của pháp luật nước sở tại, không muốn đóng thuế và chịu các nghĩa vụ liên quan, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet nước ngoài ngay từ đầu đã có ý kiến về một số nội dung liên quan tới việc yêu cầu các doanh nghiệp phải lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người dùng và dữ liệu quan trọng của Việt Nam nhằm tạo “hiệu ứng ngược” để đẩy mạnh truyền thông, thu hút dư luận và tác động chính sách.

Thậm chí họ còn cho rằng, việc hạn chế dòng chảy dữ liệu gây hậu quả đến phát triển kinh tế, có thể giảm 1,7% GDP và giảm 3,1% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thực chất đây là thông tin được tung ra bởi chính các doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh nhưng không đóng thuế, không làm tăng GDP cho đất nước trong nhiều năm qua. Mục đích của những công ty này là cản trở việc ban hành chính sách về an ninh mạng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp này hoạt động không chịu sự ràng buộc của pháp luật, làm chậm nghĩa vụ đóng thuế.

Không chỉ riêng tại Việt Nam, để đối phó với hoạt động quản lý chặt chẽ của các quốc gia trên thế giới đối với mạng xã hội, dịch vụ công nghệ thời gian gần đây, một số công ty tại Mỹ đã lôi kéo, vận động một số công ty khác như ACCA (công ty đào tạo và cấp chứng chỉ kế toán toàn cầu), AIC (Liên minh Internet châu Á), UPS (công ty chuyển phát nhanh chuyên cung cấp các dịch vụ kho bãi và vận chuyển chuyên nghiệp toàn cầu về hàng hóa, tài chính, thông tin đến hơn 200 quốc gia) tổ chức hội thảo để chia sẻ quan điểm và thảo luận về chiến lược đối phó với các nước ASEAN, trọng tâm là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Các công ty này đã phối hợp với Đại sứ quán một số quốc gia tại Việt Nam như Mỹ, Canada, Australia, EU, Nhật Bản có công văn nêu ý kiến về dự thảo luật gửi Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Họ nêu ra những phân tích trái ngược với tình hình thực tế, bất lợi cho chính sách quản lý nhà nước thông qua những lý do dễ được dư luận đồng tình như “quan ngại về tính hiệu quả”, “các nhà lập pháp còn hạn chế về nhận thức an ninh mạng”, “chuyển lời của các doanh nghiệp”, qua đó đề xuất “lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật An ninh mạng”.

Lợi ích là một lý do, tuy nhiên, đây không phải là vấn đề chính.

(Còn tiếp)

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “An ninh mạng là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Trong những năm gần đây, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, khu vực. Các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, có tính chất xuyên biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định kinh tế - chính trị của các nước.

Trong khi đó, những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng. Do đó việc xây dựng Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay”.

Theo Đăng Trường/CAND