“Cháu có thể làm được mọi việc bằng hai tay rồi”

Câu nói hạnh phúc của bệnh nhân Sình Mí Tú 9 tuổi, người dân tộc Mông, quê tận xóm Ha Tỏ Sò, xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang khi được Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Huế thực hiện phẫu thuật điều trị thành công cánh tay phải bị ngã gãy lâu ngày thành tật khiến nhiều người xúc động.

Tú và mẹ nuôi sau khi phẫu thuật cánh tay

Sau phẫu thuật, Tú không phải mang “cục nợ”, lủng lẳng chia làm ba khúc đeo bám cháu bé từ 6 năm nay, kể từ khi bị ngã. Cánh tay lành lặn, trở lại bình thường, giúp Tú làm được mọi công việc trong cuộc sống. Phẫu thuật giải quyết dị tật cánh tay cũng là giải quyết vết thương tinh thần cho bệnh nhân. Suốt 6 năm qua, làm bất cứ việc gì, cậu bé mồ côi mẹ cũng chỉ có cánh tay trái hoạt động với sự mặc cảm vì thương tật.

Tôi gặp Tú tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình – phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Huế. Tú 9 tuổi, nhưng thân hình chỉ lớn bằng bé lên 5. Dù cánh tay và chân (bác sĩ lấy xương từ chân để nối cánh tay) vẫn còn băng, nhưng cháu vẫn vui tươi, chạy nhảy tung tăng khắp phòng.

Nhìn Tú vui, chị Ngọc Thị Hồng, trú tại tổ 5, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, mẹ nuôi của Tú mắt ngấn nước kể: Cha, mẹ Tú li dị khi Tú còn bé. Cháu ở với cha. Lên 3 tuổi bị ngã gãy tay làm 3 đoạn, nhưng nhà nghèo, không có tiền đi bệnh viện điều trị vết thương nên để tay thành tật. Cách đây một tháng, biết chị Hồng là người hay làm việc từ thiện, người thân của Tú đã chụp ảnh và viết thư nói về cuộc sống đặc biệt khó khăn của cháu gửi cho chị. Nhận được tin, chị Hồng đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh của Tú. Được biết, Tú chủ yếu sống ở trường, cuối tuần mới về nhà cha. Do nhà nghèo nên cha Tú không có khả năng chữa bệnh cho con.

Chị Hồng đã nhận Tú làm con nuôi và vận động bạn bè, người thân đóng góp kinh phí, hai lần đưa cháu về Bệnh viện ở Hà Nội khám, nhưng bác sĩ cho rằng Tú bị tật bẩm sinh nên không nhận điều trị. Không thất vọng, chị Hồng cùng bạn mình lên mạng để tìm bệnh viện uy tín, quyết tâm chữa lành cánh tay cho con nuôi. Biết Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Huế điều trị thành công nhiều ca gãy xương khó, chị đã liên hệ và được bệnh viện nhận lời. Chị Hồng cùng chồng gửi lại hai đứa con còn nhỏ cho người thân chăm sóc, vượt hơn nghìn cây số đưa Tú vào Huế chữa bệnh. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khiêm người trực tiếp thực hiện phẫu thuật. Sau 3 giờ tiến hành, cánh tay của Tú đã được mổ thành công.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Khiêm nói: “Khi biết bệnh, cháu Tú có thể chữa được, trước hoàn cảnh đáng chia sẻ của cháu bé 9 tuổi, chúng tôi không thể từ chối. Khi khám cho cháu, việc chẩn đoán bệnh để có hướng điều trị chính xác không khó, nhưng vấn đề chúng tôi quan tâm là cánh tay bị thương để quá lâu ngày không được chữa trị, do vậy sự biến dạng chi (cánh tay) quá phức tạp. Cánh tay bị thu ngắn đồng nghĩa với thu ngắn mạch máu và thần kinh. Trong khi đó, xương khớp giả mất đoạn xương khá lớn do xương 2 đầu teo nhỏ, vì vậy vấn đề phẫu thuật cho cháu còn nhiều nội dung cần phải tính toán, xương thiếu nhiều về chiều dài, biến đổi 2 đầu xương gãy đã thoái hóa teo nhỏ, tổ chức phần mềm co kéo, biến dạng cấu trúc giải phẫu. Hội đồng phẫu thuật thống nhất, phải cố gắng quyết tâm làm được điều gì tốt nhất cho cháu. Cháu Tú 9 tuổi, cân nặng 19kg, quả là một đứa trẻ có quá nhiều mất mát và nằm trong số chậm phát triển. Giờ thì kết quả khả quan rồi. Chỉ cần tập luyện phục hồi chức năng thêm, cánh tay sẽ hoạt động tốt”.

Chia tay tôi, Tú nói cả tiếng Kinh, lẫn tiếng Mông (mẹ Hồng phải phiên dịch): “Nhờ bác sĩ Khiêm, cháu không bị tật ở cánh tay. Cháu có thể làm được mọi việc bằng hai tay rồi”. Tôi nhìn thấy những tia hy vọng lấp lánh trong ánh mắt trong trẻo, trên khuôn mặt ngời sáng của cậu bé.

Theo Thừa Thiên Huế online