Thừa Thiên Huế: Dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng, tỉnh khẩn trương khống chế

Dịch tả lợn châu Phi đã và đang diễn biến hết sức phức tạp tại Thừa Thiên Huế khi liên tiếp xuất hiện những ổ dịch mới và lan rộng nhiều nơi. Tỉnh này đang tìm nhiều cách để khống chế, ngăn chặn qua đó tạo lòng tin cho người dân...

Dịch tả lợn châu Phi đang lây lan rộng tại Thừa Thiên Huế
Dịch tả lợn châu Phi đang lây lan rộng tại Thừa Thiên Huế

Dịch bệnh khó lường

Theo thống kê của Cục Thú y - Bộ NN&PTNT thì trên phạm vi cả nước tính đến ngày 21/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.802 xã, 249 huyện của 37 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 1.633.496 con với trọng lượng trên 93.000 tấn.

Tại Thừa Thiên Huế, ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên được phát hiện vào ngày 16/3 tại thôn Hiền An (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền). Tính đến 21/5, dịch đã xảy ra tại 18 hộ, 14 thôn, 8 xã thuộc 4 địa phương (huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà, TP. Huế và thị xã Hương Thủy). Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 181 con, trọng lượng 13.351kg. Dù cách đây hơn 10 ngày, huyện Phong Điền đã công bố hết dịch nhưng vẫn tái phát và lan rộng hơn.

Trong ngày 22/5, địa phương này ghi nhận thêm 5 xã có dịch gồm Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), Phú Thượng (huyện Phú Vang); Quảng Thọ, Quảng Lợi, Quảng Phú (huyện Quảng Điền). Riêng Phong Chương, Phong Thu (huyện Phong Điền); Thủy Tân (thị xã Hương Thủy) đang lấy mẫu gửi xét nghiệm. Hiện nhiều người chăn nuôi lợn tại Huế đang rất lo lắng. 

Rải vôi trắng ở các vùng dịch để hạn chế lây lan
Rải vôi trắng ở các vùng dịch để hạn chế lây lan

Ông Hồ Vang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế, công tác triển khai chống dịch trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Các huyện đã nhập và thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện nên khó khăn trong việc kiểm tra giám sát xử lý bệnh. Dịch bệnh này chưa có vắc xin nên việc bao vây, khoanh vùng, bao vây khống chế dịch gặp khó khăn. Trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm phần lớn (70%) việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học chưa được chú trọng và triệt để. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, giá lợn hơi thấp nên người chăn nuôi không áp dụng các biện pháp thú y để chăm sóc, điều trị lợn ốm; đã xuất hiện tình trạng người dân vứt xác lợn chết ra môi trường dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thừa Thiên Huế đã phối hợp các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp: tiêu hủy ngay số lợn mắc bệnh ở các cơ sở chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng, hướng dẫn và giám sát 30 ngày kể từ ngày phát sinh dịch. Đối với vùng dịch và vùng bị uy hiếp (phạm vi 3km xung quanh ổ dịch tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ trại 1 lần/ngày trong 7 ngày đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Vùng đệm (phạm vi 10km xung quanh ổ dịch) vệ sinh tiêu độc, khử trùng với tần suất 1 tuần/lần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có dịch...

Lập chốt kiểm dịch tạm thời để tiêu độc phương tiện đi vào vùng dịch, hạn chế người, phương tiện ra vào vùng dịch; nghiêm cấm các hành vi vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch; tăng cường giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn tại các hộ. Ngành chăn nuôi đã cấp 24.000 lít hóa chất, 85 tấn vôi bột cho các địa phương để xử lý ổ dịch và vệ sinh, xử lý hố chôn.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra các cơ sở chăn nuôi lợn
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra các cơ sở chăn nuôi lợn

Cấp bách ngăn chặn, khống chế dịch

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, dịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây sang người. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, không quay lưng với thịt lợn. Tuy nhiên, người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn, không tới tham quan khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng, nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Người dân nên sử dụng sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch thú y.

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, công tác ngăn chặn sự bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi đang được các cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc triển khai quyết liệt. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nguyên tắc “cho ăn chín, uống sôi” trong chăn nuôi lợn; khuyến cáo người chăn nuôi nếu phát hiện đàn lợn có dấu hiệu khác thường lập tức báo cho các cơ quan chức năng, địa phương để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và có các giải pháp xử lý, tránh để lây lan dịch bệnh trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại một số địa phương vẫn chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, hộ chăn nuôi nhất là hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ còn chủ quan, lơ là không thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chưa kịp thời công bố dịch; tình trạng người dân vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra sông, suối vẫn xảy ra…”- ông Phương nói.

Công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang được các cấp, ngành ở Thừa Thiên Huế cấp bách triển khai...
Công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang được các cấp, ngành ở Thừa Thiên Huế cấp bách triển khai...

Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thông tin đã đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch; thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành xuống trực tiếp cùng địa phương kiểm tra, chỉ đạo, kiểm soát dịch hiệu quả, đặc biệt là công tác dập dịch. Lãnh đạo các địa phương cần phải quyết liệt vào cuộc và phải chịu trách nhiệm về hoạt động phòng, chống dịch; huy động các lực lượng chủ động giám sát, phát hiện và tiêu hủy triệt để lợn dịch; duy trì, củng cố năng lực hệ thốnag thú y các cấp; hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh và chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động hỗ trợ người dân có lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chăn nuôi thay thế sản phẩm lợn...

“Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính nguy hiểm, tác hại nghiệm trọng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh gắn với bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội. Chuẩn bị tốt các điều kiện khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Các cấp ủy mà trực tiếp là Bí thư cấp ủy phải trực tiếp về cơ sở kiểm tra, giám sát việc tổ chức phòng, chống, khống chế dịch. Đồng thời chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ do mình phụ trách”- ông Lưu nhấn mạnh.

Được biết tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có quy định hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy với giá 38 ngàn đồng/kg lợn hơi. Tuy nhiên, theo địa phương này, hiện giá lợn hơi đang ở mức giá 29-30 ngàn đồng/kg nên phải điều chỉnh phù hợp với giá hiện thời...

Theo TN&MT