Thiết kế đô thị tại 3 tuyến đường ở TP Huế: Xây dựng các tuyến phố có bản sắc riêng

Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế đã xây dựng Đồ án thiết kế đô thị tại các trục đường Lê Lợi, Hùng Vương, Nguyễn Huệ (TP Huế) và đang chờ lấy ý kiến của người dân nhằm xây dựng các tuyến đường có bản sắc riêng, kiểu mẫu, có cảnh quan hài hòa, năng động...


Các công trình tiêu biểu trên 3 trục đường ở TP Huế.

Theo quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch phân khu trung tâm phía Nam TP Huế… Phương án sắp xếp, xử lý, di dời trụ sở một số cơ quan, đơn vị thuộc các tuyến đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Hùng Vương - Lê Quý Đôn - Tôn Đức Thắng (TP Huế) về khu hành chính tập trung.

Trục đường Lê Lợi, Hùng Vương và Nguyễn Huệ được tạo dựng thành trục không gian cảnh quan đặc trưng, tầm cỡ và hiện đại, trở thành một trong những trục đường sầm uất, năng động nhất TP Huế với các công trình kiến trúc công cộng, văn hóa và thương mại quan trọng.

Đồ án thiết kế đô thị ra đời nhằm quản lý, kiểm soát một cách hiệu quả về kiến trúc cảnh quan công trình xây dựng hai bên trục đường, các không gian cây xanh, công viên văn hóa công cộng, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, giao thông, nhằm góp phần xây dựng và phát triển đô thị hiện đại, có bản sắc, nâng cao chất lượng không gian kiến trúc, cảnh quan hai bên tuyến đường...

Kiến trúc trên toàn tuyến phố phù hợp cảnh quan khu vực và cảnh quan sông Hương, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và người dân về phát triển bền vững và dài hạn; Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các công trình xung quanh khu di tích, các công trình di sản văn hóa; Đồng bộ hệ thống trang thiết bị hạ tầng, các công trình tiện ích đường phố; Cung cấp cơ sở pháp lý về quản lý xây dựng khi tiến hành thực hiện dự án; Rà soát, khớp nối các đồ án, dự án có liên quan. Khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc địa giới hành chính phường Vĩnh Ninh, Phú Nhuận và Phú Hội (TP Huế).

Theo đó, tuyến đường Lê Lợi có chiều dài khoảng 2,5km, điểm đầu từ Đập Đá đến Ga Huế (từ bờ sông Hương vào đến đường Trương Định), với diện tích nghiên cứu khoảng 38,5ha. Quy mô mặt cắt ngang đường từ 17,5 - 20m, trong đó mặt đường rộng 10m, vỉa hè rộng 2,5 - 5m tùy đoạn. Công trình dọc tuyến từ cầu Ga qua sông An Cựu có chiều dài 42m, rộng 19,5m. Ga Huế có diện tích khoảng 3.800m2.

Tuyến đường Hùng Vương có chiều dài toàn tuyến khoảng 1,3km từ đầu cầu Trương Tiền đến nút giao với tuyến đường Nguyễn Huệ, với diện tích nghiên cứu khoảng 33,27ha. Đoạn từ cầu Trường Tiền đến nút giao thông ngã 6 có quy mô mặt cắt 17,5m, trong đó mặt đường rộng 11,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 3m. Đoạn từ nút giao thông ngã 6 đến đường Nguyễn Huệ có quy mô mặt cắt 35m trong đó mặt đường 22,5m, vỉa hè 12m. Phân cách mềm 0,5m.

Tuyến đường Nguyễn Huệ có chiều dài toàn tuyến khoảng 2km, điểm đầu từ nút giao với đường Điện Biên Phủ đến nút giao với đường Hùng Vương, với diện tích nghiên cứu khoảng 25ha. Quy mô mặt cắt ngang đường 22 - 26m, trong đó mặt đường rộng 14m, vỉa hè rộng từ 3 - 6m mỗi bên tùy đoạn.

Những trục giao thông chính quan trọng phải có tính liên kết với các tuyến đường đối nội và đối ngoại quan trọng của tỉnh. Các trục giao thông quan trọng của thành phố kết nối từ sân bay về trung tâm của TP Huế, kết nối với trung tâm phía Đông của thành phố, có tính chất thương mại dịch vụ, công cộng, cảnh quan và du lịch vui chơi giải trí cho TP Huế.


Những công trình xây dựng trên các trục đường TP Huế có kiến trúc không đều nhau.

Mật độ xây dựng trên tuyến đường Lê Lợi: Các công trình được bố trí mật độ cao từ phía sông Như Ý đến Trường Đại học Sư phạm Huế và thưa dần về phía Ga Huế. Tuyến đường Hùng Vương các công trình được bố trí mật độ cao từ đường Lê Lợi đến ngã sáu Hùng Vương và thưa dần về phiá chợ An Cựu. Tuyến đường Nguyễn Huệ các công trình bố trí dàn trải.

Các công trình công cộng, cơ quan thuộc sở hữu của Nhà nước được xây dựng nằm rải rác trên 3 tuyến đường. Các công trình thương mại, công trình nhà phố kết hợp kinh doanh chủ yếu thuộc sở hữu tư nhân, được xây dựng dày đặc, liên tiếp nhau.

Các công trình có chiều cao trung bình từ 3 - 7 tầng. Các công trình cao tầng tập trung chủ yếu trên trục đường Hùng Vương, với các công trình chức năng thương mại, khách sạn như: Khách sạn Vincom Plaza, Hùng Vương, Indochina… Số lượng công trình 3 - 4 tầng chủ yếu tập trung trên tuyến Nguyễn Huệ và phía đông tuyến Lê Lợi, chủ yếu là nhà dân tự xây.

Tuyến Nguyễn Huệ đoạn từ Hùng Vương đến Cung An Định, các công trình xây dựng dọc tuyến đường chủ yếu là nhà tạm, chưa có đặc trưng kiến trúc riêng. Hệ thống biển quảng cáo còn lộn xộn, tự do, chưa có quy định thống. Khu vực này, cần có nghiên cứu và đưa ra giải pháp về tầng cao hợp lí cho các khu vực nằm trong vùng khống chế về tầng cao trên trục thần đạo của thành phố cũng như các khu vực điểm nhấn quan trọng ở tuyến phố ngã 6 Hùng Vương. Các công trình nằm tại các điểm nhấn quan trọng cần được nghiên cứu để có giải pháp kiến trúc phù hợp và hài hòa, tạo được diện mạo phù hợp.

Qua khảo sát dọc các tuyến đường, hệ thống cây xanh, vỉa hè chưa được quan tâm. Các khu vực điểm nhấn, cửa ngõ chưa được chú trọng thiết kế. Không gian xanh trong các công trình công cộng đã có nhưng chưa có giải pháp kết nối, góp phần làm đẹp cho cảnh quan đô thị. Hình ảnh tuyến phố nhìn chung còn lộn xộn, chưa thống nhất về kiến trúc và cảnh quan

Theo Báo Xây dựng điện tử