Tết này vui vẻ mà bay...

Hàng không đòi hỏi phải chuẩn giờ! Bởi thời gian là vàng, là bạc....

Chờ đợi ở sân bay

"Hãng hàng không... xin thông báo, chuyến bay... từ TP. Hồ Chí Minh đi Huế sẽ chuyển giờ bay... Vì lý do: Máy bay đến trễ. Giờ bay mới sẽ là...". Giọng nữ nhân viên nhà ga hàng không cất lên chậm rãi, đều đều, lạnh lẽo. Tôi thấy lòng trơ trơ vô cảm. Bay chưa phải là nhiều lắm, nhưng cũng đã quen và kịp nhận ra một "nguyên lý" giản đơn rằng: Bay đúng giờ mới lạ, còn trễ giờ, hoãn chuyến là chuyện... bình thường. Cho nên hãy cứ an nhiên. Bao giờ gọi thì xách ba lô lên máy bay. Chưa gọi cứ bình tĩnh chờ. Không cơn cớ gì phải buồn, phải giận, phải bực dọc để rồi... chuốc bệnh vào thân.

Mà không chỉ có mỗi mình tôi, hóa ra nhiều bạn bè của tôi cũng đã quá quen với tình trạng chậm bay, hủy bay của xứ ta bởi tần suất nó quá dày đặc. Những con số thống kê được báo chí công bố cho hay, thời điểm năm 2014, tính đến hết tháng 5, tỉ lệ chậm chuyến của các hãng hàng không nội địa (4 hãng) là 25% trong tổng số các chuyến bay đã cất cánh. Trong đó, đứng đầu bảng là VietJet Air (VJA) - tỉ lệ chậm, hủy chuyến lên đến 51%; tiếp theo là Jetstar Pacific (JPA) 50%, Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) 17% và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) 14% (nguồn của báo Người Lao động). Đến năm 2018 này, theo số liệu của Cục Hàng không công bố, tình hình có vẻ có cải thiện với số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 86,1%, tuy nhiên thời gian chậm chuyến lại gấp nhiều lần trung bình khu vực. Thống kê thời gian chậm chuyến trung bình tại châu Á - Thái Bình Dương là khoảng 12,77 phút thì của Vietnam Airlines lên tới 57,37 phút, gấp tới 4,5 lần! Không có thông tin về thời gian chậm chuyến trung bình của Vietjet Air và Jestar Pacific. Tuy nhiên, ai đã từng bay thì không cần thống kê cũng thừa ám ảnh với thời gian chậm chuyến của Vietjet Air và Jestar Pacific. Mới đây, nhân bay từ Hà Nội về Huế sau chuyến công tác cùng thủ trưởng, để tránh kẹt đường, chúng tôi lo thu xếp đến sân bay Nội Bài sớm với tâm lý mình chờ máy bay chứ máy bay có bao giờ chờ mình. Theo lịch bay, tinh thần là chúng tôi sẽ thừa thời gian để kịp tắm rửa, ăn tối cùng gia đình. Vậy mà hôm ấy, Vietjet "khuyến mại" cho ngồi ở Nội Bài đến... mòn ghế. Hết cà phê rồi phở, đến lúc bụng đã lại réo sôi mà nhà ga vẫn chưa gọi ra tàu (!).

Đi máy bay, việc trễ, thậm chí hủy chuyến, vì thời tiết hay vì những lý do bất khả kháng khác, hành khách hẳn sẽ không ai phàn nàn bực dọc nhiều, thậm chí còn biết ơn hãng hàng không đã chăm chút, cân nhắc mọi khía cạnh vì an toàn tính mạng hành khách. Tuy nhiên, thật khó chấp nhận khi mà những lý do như vậy lại ngày càng ít đi, nhường chỗ cho những lý do thương mại, lý do điều hành, lý do kỹ thuật không rõ ràng khác. Số liệu được công bố cho thấy, có thời điểm, số chuyến bay bị hoãn, bị hủy vì lý do thời tiết chỉ chiếm có 5,4% !

Thông thường, người ta chọn di chuyển bằng phương tiện vận tải hàng không là để được nhanh, đỡ mất sức. Từ TP. Hồ Chí Minh có công chuyện ở Hà Nội chẳng hạn, nếu đi tàu lửa, đi xe thì phải lục tục kéo đi trước cả 2 ngày. Đi máy bay, "nhấp nháy" cái là có mặt. Từ Huế đi họp tại TP. Hồ Chí Minh cũng vậy, đầu giờ chiều họp, sáng giải quyết xong việc cơ quan, 11 thậm chí 12 giờ trưa bay vẫn còn thong thả. Nhưng hình như đó đã là chuyện... ngày xưa. Bây giờ, đi thế có mà "chết". Tất cả đều phải trừ hao cho chắc chuyện. Bể "sô", bể hội nghị, bể chuyện đại sự của gia đình, lỡ chuyến bay quốc tế, bể hợp đồng làm ăn với đối tác.... Vô số những chuyện "bể", chuyện "lở" như thế đã xảy ra với khách hàng máy bay. Cho nên, "kinh nghiệm xương máu" là tất tật phải trừ hao. Và di chuyển hàng không gần đây không còn nguyên vẹn cái cảm giác hiện đại, sang trọng như trước nữa, cho dù giá vé thì không bao giờ là rẻ (hãng bay giá rẻ vé cũng xấp xỉ những hãng bình thường khác nếu khách không có kế hoạch để "rình" mua thật sớm). Hệ lụy ngoài những liệt kê sơ bộ như đề cập, chắc hẳn còn phải kể ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng du lịch; là để lại một hình ảnh lạc hậu không chỉ của riêng hàng không Việt Nam trong mắt người ngoài; và biết đâu cũng đã có không ít nhà đầu tư nản lòng quay lưng hoặc thoái lui khi phải đối diện với một thực trạng giao thông đường không chập chờn như thế... Ấy là khi mà trong nước chưa có nhiều hãng hàng không, các sân bay của ta cũng chưa “dự” vào hàng những sân bay bận rộn nhất thế giới. Chứ nếu sau này, khi có thêm nhiều hãng hàng không nữa tham gia thị trường, khi một vài thành phố của ta (nếu ..."nhỡ ra") trở thành trung tâm này trung tâm nọ của khu vực và thế giới thì còn sẽ như thế nào nữa nếu ngành hàng không cứ đủng đỉnh như vầy?

Có lẽ tiếp nhận quá nhiều sự phàn nàn của xã hội cũng như nhìn được những hệ lụy lẫn tương lai chẳng mấy quang rạng của ngành hàng không nếu không thay đổi, mới đây, vào chiều 22/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã chủ trì buổi làm việc về công tác điều phối giờ cất, hạ cánh tại các sân bay. Buổi làm việc có mặt đủ các thành phần hữu quan. Mọi vấn đề, nguyên nhân, "nguyên cớ" đều được trải ra, phân tích, mổ xẻ để đề xuất/đề ra giải pháp buộc câu chuyện phải thay đổi. "Hàng không đòi hỏi phải chuẩn giờ! Thời gian là vàng, là bạc. Không thể để tình trạng hoãn, hủy chuyến kéo dài, cần có giải pháp nhanh, mạnh để khắc phục, đặc biệt để phục vụ 2/9, Tết Dương lịch, Âm lịch sắp tới." -Tư lệnh ngành GTVT được báo chí dẫn lời như vậy. Cũng theo báo chí thông tin, kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nêu 10 vấn đề mà các cơ quan liên quan cần nghiên cứu để nhanh chóng kéo giảm số chuyến bay chậm, huỷ. Tôi chợt thấy phấn khích, muốn rủ bạn bè dịp Tết Độc lập này vác ba lô ra phi trường cùng thử bay...

Theo Thừa Thiên Huế online