VẠCH TRẦN CÁI GỌI LÀ “BẢN LÊN TIẾNG VỀ QUYỀN TỰ DO INTERNET CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI ĐỘC LẬP VÀ CÁC CÔNG DÂN TỰ DO”

Ngày 3/4/2017, Đài Á Châu Tự Do đưa tin: Một bản lên tiếng về quyền tự do Internet tại Việt Nam vừa được công bố vào ngày 2/4/2017. “Bản lên tiếng” vừa nêu do Khối Tự do Dân chủ 8406 và Hội cựu Tù nhân Lương tâm khởi xướng cùng với 61 tổ chức xã hội dân sự độc lập và 30 cá nhân đồng ký tên, lên tiếng khẳng định quyền tự do ngôn luận của người dân tại Việt Nam cũng như phản đối và tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng các điều luật “mơ hồ” một cách tùy tiện; bao gồm các Điều 79, 88 và 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam; để bỏ tù nhiều công dân trình bày sự thật và bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội.
Bản lên tiếng còn kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng những chính phủ dân chủ toàn cầu yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do lập tức và vô điều kiện cho những công dân “yêu nước” đang bị giam cầm vì các điều luật trên. Đồng thời, kêu gọi mọi công dân đang sử dụng Internet kết nối mạng lưới để đấu tranh cho quyền tự do tư tưởng và và tự do sử dụng Internet tại Việt Nam.
 
Bài viết đăng tải trên Đài Á Châu Tự Do (Ảnh chụp màn hình)
Rõ ràng, đây là sự vu khống, xuyên tạc trắng trợn về thực trạng tự do Internet Việt Nam.
Trước hết cần nhận thấy rằng, thực chất cái gọi là các tổ chức “xã hội dân sự” độc lập tại Việt Nam, như: Khối Tự do Dân chủ 8406, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Đảng Việt Tân, Hội Anh em Dân chủ, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Hội Bầu bí Tương thân, Hội Bảo vệ Quyền Tự do Tôn giáo… chỉ là các tổ chức được lập ra trái phép; lập ra để lấy uy hay nói cách khác là để khuếch trương lực lượng, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân chống Nhà nước Việt Nam, gây phức tạp về ANTT. Đây còn là nơi tập hợp số đối tượng phá Nhà nước, các “nhà dân chủ” cộm cán, tiêu biểu như: Đỗ Nam Hải, Nguyễn Đan Quế, Phan Văn Lợi, Nguyễn Quang A, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Văn Lý, Thích Không Tách, Nguyễn Trung Tôn,… Nhìn vào những thông tin đưa đưa ra trong “Bản lên tiếng” cũng như các tổ chức, cá nhân được liệt vào danh sách để ký tên đủ để thấy mức độ tin cậy, cũng như mục đích thực sự của hoạt động này.
Thực tế cho thấy, đảm bảo tự do báo chí và tự do Internet luôn là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới. Theo Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế (internetworldstats) thì tính đến tháng 6/2015, Việt Nam có 45,5 triệu người dùng Internet, chiếm 48% dân số, đứng thứ 6 ở châu Á về số người sử dụng Internet, chỉ sau Trung Quốc (674 triệu người), Ấn Độ (354 triệu người), Nhật Bản (114,9 triệu người), Indonesia (73 triệu người), Philippines (47,1 triệu người).
Riêng với trang mạng xã hội Facebook, Việt Nam hiện được xếp trong nhóm những nước đứng đầu thế giới về mức độ tăng trưởng số người sử dụng. Không chỉ Facebook, người dân Việt Nam có rất nhiều kênh khác nhau để tiếp cận thông tin. Những năm gần đây, truyền thông điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh chưa từng thấy với hàng trăm tờ báo và tạp chí điện tử ra đời, hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép, nhiều mạng xã hội được đăng ký hoạt động cùng một số lượng lớn blog cá nhân…
Vì thế, có thể nói rằng tự do Internet ở Việt Nam là sự thật không thể bác bỏ.
Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân được ứng dụng công nghệ thông tin, mạng Internet vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhưng cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam không cho phép bất cứ ai lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ, sử dụng công nghệ thông tin để vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội, đe dọa ANQG.
Cần khẳng định, các quy định của pháp luật, thông tư hay văn bản quy phạm pháp luật đều hướng tới mục đích cao nhất là bảo vệ công dân chứ không phải hạn chế quyền của người sử dụng Internet. Tiêu biểu như, Thông tư 38 về “Quản lý thông tin xuyên biên giới” tập trung vào xử lý thông tin thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt có ảnh hưởng xấu tới xã hội trên mạng Internet. Như vậy, nó sẽ gây ảnh hưởng tới người sử dụng Internet với mục đích xấu, lợi dụng Internet làm việc xấu. Với những người dùng Internet với mục đích tốt, họ sẽ cảm thấy được bảo vệ cùng một môi trường mạng văn minh và an toàn hơn.
Hay như Điều 88 Bộ luật Hình sự quy định về “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” cũng không nhằm chống lại quyền tự do ngôn luận của người dân mà nhằm, một mặt nghiêm trị những hành vi tuyên truyền có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, mặt khác chủ động phòng ngừa các hành vi tương tự gây tổn hại đến Nhà nước và chế độ xã hội. Qua đó có thể khẳng định, Điều luật 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Luật Nhân quyền quốc tế.
Về nhhững cá nhân, như: Trần Minh Lợi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hồ Văn Hải, Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Nguyễn Danh Dũng, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Văn Oai, Trần Thị Nga, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Phan Kim Khánh, Bùi Hiếu Võ, Nguyễn Hữu Đăng… mà “Bản lên tiếng” cho rằng “bị Nhà nước bỏ tù chỉ vì trình bày sự thật và bày tỏ chính kiến trên mạng” hoàn toàn là sự quy kết vô căn cứ, mang tính dựng chuyện và bịa đặt.
Tiêu biểu như, đối tượng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Blogger Mẹ Nấm) đã soạn thảo, đăng tải hơn 400 bài viết có nội dung vi phạm pháp luật, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức… trên các trang trên trang Facebook và blog cá nhân. Hành vi phạm tội của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là rất rõ ràng. Vì vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ Quỳnh về tội “tuyên truyền chống Nhà nước” là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng luật pháp Việt Nam và phù hợp với công ước quốc tế.
Thực tế nói trên cho thấy, những thông tin trong “Bản lên tiếng về quyền tự do Internet của các tổ chức xã hội độc lập và các công dân tự do” hoàn toàn là sự bịa đặt và vô giá trị./.