THÔNG TIN LÀ CON DAO “HAI LƯỠI”?

“ Hầm Hải Vân nghe báo chí viết do nổ mìn xây hầm thứ 2 tạo nhiều vết nứt, không biết như thế nào?”, rồi “ Nghe nói làm dự án Hầm Hải Vân này hình như gây ô nhiễm làm cá chết nên người ta phá không cho triển khai dự án tiếp”.

 Và sau đó là một cuộc bình luận sôi nổi xoay quanh chủ đề “Hầm Hải Vân” trong thời gian tôi có mặt trên xe trong chuyến du lịch đến với thành phố Đà Nẵng. Tuy không phải là một người sành sỏi trong vấn đề này nhưng bản thân tôi cũng có một số suy nghĩ của riêng mình.

 

Được biết, sau khi có thông tin phản ánh đến các vết nứt tại Hầm Hải Vân 1 (tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế), dư luận đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến kêu gọi người dân không nên vào hầm nữa vì rất nguy hiểm, nên đi đường đèo vừa an toàn vừa ngắm cảnh thì tốt nhất. Về vấn đề này, mọi người cần biết rằng, các cơ quan ban ngành mà đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải đã có thông tin chính thức về vấn đề trên.

 

Theo PGS.TS Hoàng Hà (Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ GTVT) lý giải về hình ảnh các vết nứt lan rộng mà các cơ quan báo chí ghi lại thì: lớp vỏ hầm được phủ lớp sơn epoxy từ năm 2005. Qua 13 năm sử dụng, lớp sơn này đã lão hóa (thời hạn sử dụng lớp sơn này theo chuẩn kỹ thuật là 5 – 7 năm), đặc biệt tại các vết nứt. Ngoài ra, do công tác vệ sinh, rửa vỏ hầm bằng nước đã làm các vết bong tróc sơn lan rộng. “Các vết nứt không phát triển nhưng hiện tượng bong tróc sơn khiến cho cảm quan vết nứt phát triển, dẫn đến lo ngại về an toàn của hầm. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định vết nứt đang được kiểm soát chặt chẽ, chưa có hiện tượng phát triển, không xảy ra nguy cơ mất an toàn, các vết nứt chỉ tồn tại ở lớp vỏ hầm và lớp vỏ hầm này không có tác dụng chịu lực (bộ phận chịu lực là kết cấu neo và bê tông phun phía trong)”, ông Hà nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, sau khi các cơ quan báo chí phản ánh nguyên nhân chính thức về các vết nứt tại Hầm Hải Vân I là không có vấn đề gì nghiêm trọng, các đối tượng xấu dường như tiếp tục không chịu buông tha. Lần này, chúng tiếp tục lợi dụng vụ việc cá chết tại đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế) với nguyên nhân là do thi công dự án Hầm Hải Vân II gây ô nhiễm nguồn nước, nhằm xuyên tạc chống phá chính quyền địa phương.

Việc này phía chính quyền địa phương cùng các cơ quan liên quan, chủ đầu tư dự án trước mắt cũng đã ghi nhận những thiệt hại, cho tiến hành các biện pháp quan trắc nhằm sớm kết luận nguyên nhân chính xác nhất. Tuy nhiên, ngoài việc đa số người dân ủng hộ với sự ráo riết, nhiệt tình vào cuộc của cơ quan ban ngành cũng như sự hợp tác từ chủ đầu tư dự án, thì còn đó các đối tượng có biểu hiện manh động, muốn đòi quyền lợi riêng cho bản thân nên đã lợi dụng vụ việc để lôi kéo, kích động người dân nhẹ dạ cả tin nơi đây thực hiện các hành vi ném đá, cản trở, gây rối trật tự công cộng, gây thiệt hại cho nhà thầu thi công.

 

Vậy nên, có chăng các cơ quan ban ngành cần mạnh tay hơn nữa đối với các đối tượng xấu trên. Bên cạnh đó cần có cơ chế siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý thông tin, tránh để những thông tin không đúng sự thật ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cố đô Huế nói riêng và của toàn xã hội nói chung, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá chính quyền.

Đinh Hợp