NÓI CHI LẠ RỨA !

...Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa của Quê mình, ông được mệnh danh là Cầm- Kỳ- Thi- Họa. Các ca khúc trong âm nhạc của ông có giá trị nhân văn sâu sắc, ngôn ngữ văn học đọng triết lý, ca từ hay, sang trọng đầy chất thơ, dễ hiểu. Là người Huế ai cũng có thể ngân nga một vài ca khúc của ông.

 Để ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp Văn học nghệ thuật của quê hương Thừa Thiên Huế, Chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã đặt tên của ông cho một con đường, đó là đường TRỊNH CÔNG SƠN, bên bờ sông Hương thơ mộng.

  Là một người yêu nhạc Trịnh, mấy ngày qua, tôi nghe nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc cơ quan quản lý Nhà nước tại tỉnh TT Huế không đồng ý (hay cấm hát)  4 bài hát trong chương trình Giao lưu văn nghệ “Nối vòng tay lớn” ngày 21/4/2017 nhân sự kiện Trường đại học Y Dược kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, đó là các bài: Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ và ca dao Mẹ. Thoạt đầu nghe tôi thấy thất vọng và có chút giật mình, nhưng qua tìm hiểu, tôi được biết, lãnh đạo trường đại học Y Dược đang rất tích cực chuẩn bị cho ngày kỷ niệm, đồng thời cũng quan tâm đặc biệt đến chương trình văn nghệ “Nối vòng tay lớn” trong những ngày diễn ra lễ kỷ niệm. Lãnh đạo nhà trường đã gửi văn bản (số 629 và 577) đến Sở Văn Hóa và Thể Thao đề nghị xác minh danh mục 18 bài hát của Trịnh Công Sơn sẽ được biểu diễn trong chương trình này, trong đó có 4 bài hát nói trên. Sở Văn Hóa và Thể Thao đã phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để chương trình văn nghệ trong lễ kỷ niệm diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao, hơn nữa theo Nghị định 79/2012  của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang... thì chương trình này không phải xin phép và chỉ thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước biết. Cho đến thời điểm hiện tại, cả hai đơn vị không có khúc mắc gì. Ấy vậy mà nhiều ý kiến dư luận trong VNS, trí thức đặc biệt là trên các trang, mạng xã hội đã xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông tin không có tính chính thống, không mang màu sắc xây dựng, trong khi chưa hiểu ngọn nguồn của vấn đề, đã thế kéo theo một lượng lớn độc giả “tát nước theo mưa”, bình luận, chia sẻ đủ thứ lời lẽ cho rằng Sở Văn Hóa và Thể Thao cấm bài hát, làm ảnh hưởng đến uy tín Ngành Văn hóa, cái quan trọng hơn nữa là làm xấu hình ảnh quê hương trong mắt bạn bè. Phải chăng, đây là dụng ý của một số cá nhân? Tôi nghĩ, nếu là người Huế, có tình yêu quê hương, cần phải cẩn trọng trong phát ngôn, phát ngôn có trách nhiệm, để xây dựng hình ảnh quê hương ngày càng đẹp. Không thể tung tăng ngôn ngữ cho sướng miệng.

    Thế mới biết, dư luận hay mạng xã hội đều là “con dao hai lưỡi”, nếu là độc giả chân chính hãy nên tìm hiểu ngọn nguồn của vấn đề, đừng để “tay nhanh hơn não”, hậu quả khôn lường.

 Mấy lời cùng chia sẻ, mong mọi người hãy quan tâm, quan tâm thật sự, quan tâm từ tấm lòng để hình ảnh quê nhà, văn học nghệ thuật quê nhà, Thi- Ca- Nhạc- Họa quê nhà ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè.

 

                                                                   Lão Ràm