CON SÂU KHÔNG LÀM RẦU NỒI CANH

 

 

Thời gian gần đây, đất nước ta xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong đó có một số vụ việc liên quan đến ngành Công an,… đã gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trước đây, khi có những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà trong đó có những biểu hiện tham ô, tham nhũng của một số cán bộ có chức, có quyền nhưng chỉ phát hiện được, chỉ mới xử lý được một số vụ nhỏ, nên trong xã hội không ít người cho rằng, tiêu cực, tham nhũng ở Việt Nam nhiều nhưng bao che cho nhau, dung túng nhau,“rút dây động rừng” nên không mấy người bị xử lý, có chăng chỉ xử lý những vụ “cò con”, thì đến bây giờ qua các vụ xét xử, truy tố hình sự thì suy nghĩ đó không còn nữa.

Trung ương Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành thể hiện quyết tâm cao trong việc chống tiêu cực, tham nhũng. Đã phạm tội thì phải xử lý, bất kỳ người nào, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không có chuyện khi đương chức phạm sai lầm, khuyết điểm, nghỉ hưu rồi là “hạ cánh an toàn”,…Vấn đề là xử lý để kẻ phạm tội phải“tâm phục, khẩu phục”, “có lý, có tình”, công ra công, tội ra tội, không để oan sai, không để lọt tội và quan trọng hơn là tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố niềm tin với Đảng, với chế độ. Lâu nay, ta thường nói vai trò và tầm quan trọng của người đứng đầu, nói đi đôi với làm thì bây giờ đã rõ. Người đứng đầu của Đảng ta chống tiêu cực, tham nhũng mạnh như vậy thử hỏi làm sao dân không đồng tình, ủng hộ; cán bộ, đảng viên tại sao lại không hưởng ứng. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại, trong đó có nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu. Không chống tiêu cực, tham nhũng thì biết bao giờ mới thực hiện được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mới đây thôi, người đứng đầu Đảng ta đã nói, chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm. Điều đó để thấy sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng ta chống tham nhũng, chống tiêu cực, xây cần phải đi đôi với chống, xây phải cơ bản, chống phải quyết liệt.

Không chỉ riêng ở Việt Nam, nhìn sang thế giới việc chống tham nhũng cũng diễn ra mạnh mẽ. Ngay nước láng giềng Trung Quốc đã xử lý biết bao quan chức “tai to mặt lớn”; cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cũng bị tuyên án 24 năm tù vì tội tham nhũng,…

Đất nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cũng không ít. Nếu không đủ bản lĩnh, sáng suốt để vượt qua những thách thức thì sẽ bị nó “cuốn” đi.

Thật đáng buồn và đáng trách hơn, có một vài cán bộ lãnh đạo chỉ huy, sĩ quan cao cấp của ngành Công an, có người trước đây đã từng vào sinh ra tử, oanh oanh liệt liệt một thời, đã làm những việc sai trái, để rồi đánh mất mình. Họ là “con sâu” trong xã hội, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của ngành và cá nhân. Nhưng một vài “con sâu” không thể làm rầu “nồi canh”, cái ung nhọt trong cơ thể cần phải cắt bỏ dù phải chịu nhiều đau đớn, không để nó di căn sang nơi khác, không có chỗ cho nó sinh sôi, nảy nở.

Ngành Công an qua 70 năm học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, đã có rất nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, bị thương trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những thành tích, chiến công và kết quả học tập Sáu điều Bác Hồ dạy của lực lượng Công an đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao, tặng thưởng 16 Huân chương Sao Vàng, 100 Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác. Thật vinh dự và tự hào biết bao!

Sau những vụ việc xảy ra, đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc của ngành Công an trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng, chỉnh đốn lực lượng để ngày càng trong sạch, vững mạnh, luôn xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

 

     SÁU KHUÊ