XÂY DỰNG HỒ SƠ CÔNG NHẬN CA HUẾ LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Sở Văn hóa Thể thao tỉnh đang xây dựng hồ sơ nghệ thuật ca Huế để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngày 14/11, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh, cho biết Sở sẽ sưu tầm các tài liệu xuất bản, chép tay, thư tịch liên quan đến di sản ca Huế ở trong và ngoài nước; ghi hình trình diễn nghệ thuật ca Huế để xây dựng sản phẩm nghe nhìn; xây dựng chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Sở cũng sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, câu lạc bộ ca Huế, nghệ nhân, nghệ sĩ để chỉnh sửa và bổ sung hồ sơ. Sở đang tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng ca Huế cho hơn 350 diễn viên, nhạc công trên địa bàn, giám sát các chương trình biểu diễn nhằm xây dựng chương trình ca Huế trên sông Hương thành sản phẩm du lịch đặc sắc.

"Ca Huế có giá trị tiêu biểu, nổi bật, không chỉ trong phạm vi quốc gia hay khu vực", ông Hải khẳng định và cho rằng việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận có nhiều thuận lợi, bởi năm 2015 ca Huế đã được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Hồ sơ tư liệu về ca Huế rất phong phú, đội ngũ nhà nghiên cứu, nhà quản lý của Huế và Việt Nam có nhiều kinh nghiệm xây dựng hồ sơ di sản.

Ca Huế là thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế, bao gồm ca và đàn, ở nhiều phương diện khá gần gũi với hát đào. Ca Huế hình thành từ dòng ca nhạc dân gian và dòng ca nhạc cung đình, nhã nhạc trang trọng uy nghi nên có thần thái của ca nhạc thính phòng, thể hiện theo hai dòng lớn điệu Bắc và điệu Nam, với trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc. 

Theo VnExpress