TỪ “TÍN HIỆU MỘT VÌ SAO” ĐẾN “HẸN GẶP LẠI SÀI GÒN”

Đây là bộ truyện đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được quay tại Huế, Phan Thiết, Sài Gòn, khởi quay vào cuối năm 1989, trình chiếu tháng 5-1990 trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Một cảnh trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn

Cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20, đất nước đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Muôn dân sống trong đói khổ lầm than. Những ông vua yêu nước lần lượt bị đi đày. Giữa lúc ấy biết bao người đang cố tìm chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa sắt của dân tộc đang bị giam cầm. Đó là những bậc sĩ phu với tấm lòng yêu nước, thương dân đầy nhiệt huyết nhưng đã hết sứ mệnh lịch sử. Có người thổi bùng lên ngọn lửa Cần Vương khi nhà vua đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc ra đi. Có người tìm đến lòng nghĩa hiệp của người bạn đồng màu da, có người cầu mong lòng nhân từ bác ái của nền văn minh phương Tây qua bọn thực dân để mở mang dân trí, đợi thời... Trên con đường đi tìm chiếc chìa khóa vàng ấy, họ lần lượt ngã xuống và chỉ để lại những tên tuổi “đẹp một thời”.

Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đó và trong mối liên hệ với truyền thống quá khứ, với bạn bè, quần chúng lao khổ. Cảm phục trước những tấm lòng yêu nước, thương dân của các thế hệ cha anh nhưng Nguyễn Tất Thành đã nhận thức được vấn đề là phải đi tìm con đường khác, vượt ra ngoài khuôn mẫu của người trí thức phong kiến, nhạy cảm, nắm bắt và xử sự theo xu thế thời đại, phù hợp với quy luật lịch sử.

Cuộc đời học sinh của Nguyễn Tất Thành cũng bắt đầu ở Huế. Có điều, ở người học sinh “đặc biệt” này ngoài những kiến thức lĩnh hội trên lớp còn ham mê học hỏi nhiều hơn trong trường đời - và trong đời thường bình dị đã sớm bộc lộ những tâm tư, chí hướng khác thường. Đó là những điều lý thú mà ở phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, tác giả kịch bản văn học Sơn Tùng và đạo diễn Long Vân đã lựa chọn khai thác những chi tiết, sự kiện tiêu biểu nhất để người xem dễ dàng phát hiện ra những “tín hiệu của một vì sao”.

Đây là bộ truyện đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được quay tại Huế, Phan Thiết, Sài Gòn, khởi quay vào cuối năm 1989, trình chiếu tháng 5-1990 trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiến Hợi vai Nguyễn Tất Thành phim Hẹn gặp lại Sài Gòn

Lúc đầu, kịch bản văn học và kịch bản phân cảnh đều để tên là “Tín hiệu một vì sao”. Cơ quan chủ quản đơn vị sản xuất phim muốn đặt tên khác. Trong quá trình làm phim tạm dùng tên “Tất Thành - Hồ Chí Minh”. Huế là nơi phát tín hiệu chứ chưa phải là ngôi sao. Các nhà làm phim đã chú ý, khắc đậm những nét tính cách riêng của Nguyễn Tất Thành trong suốt cuộc đời học sinh ở Huế và cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước cứu dân: từ Huế vào Phan Thiết, rồi Sài Gòn là sự phát triển thống nhất về tính cách và tư tưởng của Nguyễn Tất Thành, là tín hiệu của vì sao Nguyễn Ái Quốc bắt đầu tỏa sáng ở Paris để sau này trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, của phong trào cộng sản quốc tế, một danh nhân văn hóa thế giới và là một trong những người đã góp phần làm “thay đổi diện mạo trái đất” ở thế kỷ XX - người là Chủ tịch Hồ Chí Minh.      

Để dựng lại cuộc đời của một bậc vĩ nhân, đạo diễn Long Vân đã bắt tay chuẩn bị cho công việc làm phim từ 3 năm trước đó. Anh tìm ra Nguyễn Tiến Hợi, người có ngoại hình khá giống Bác Hồ thời trẻ trên sàn tập vở “Đêm trắng” của Đoàn kịch nói Quân khu 2. Quê ở xứ Nghệ, sinh trưởng ở Thủ đô, Tiến Hợi ngoài diện mạo, anh có giọng nói rất giống giọng Bác. Vì vậy, mà có rất nhiều thư yêu cầu Đài Tiếng nói Việt Nam phát lại nhiều lần vở kịch “Đêm trắng” để mọi người được nghe “tiếng Bác”. Cũng do vậy trong phim, Tiến Hợi có thêm nhiệm vụ lồng tiếng nhân vật Tất Thành. Nghệ sĩ Đức Chung (Đoàn kịch thanh thiếu nhi Hà Nội), người có giọng nói giống Bác nhất, được chọn lồng tiếng cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Cũng ở đoàn kịch Quân khu 2, cách đó 2 năm đạo diễn Long Vân chọn Thu Hà - diễn viên trẻ đẹp và hồn nhiên đóng vai Út Vân sau khi cô xuất hiện trên màn ảnh lần đầu tiên trong phim “Đề Thám”.

Bá Lộc, Lan Hương trong vai cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan được chọn trong quá trình làm phim “Người không mang họ”...

Ngoài tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, Nhân dân Thừa Thiên Huế và TP. Hồ Chí Minh, đoàn làm phim đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của các địa phương khác, của bạn bè gần xa, trong và ngoài nước. Anh Nicolas Coruet, một phóng viên người Pháp, đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh đã ra Huế đóng vai Khâm sứ Trung Kỳ tốn kém khá nhiều, lại bị trễ ngày về vì trở ngại kỹ thuật trong quá trình quay vẫn vui vẻ, thoải mái. Các bạn ở Lãnh sự quán Liên Xô (cũ) tại Đà Nẵng phải “quá tam ba bận” vào ra, tham gia làm phim cũng không hề có một yêu cầu gì về đãi ngộ vật chất. Để có voi, ngựa trong cảnh quay ngày đại triều và cảnh vua Hàm Nghi đi đày, tỉnh Quảng Trị đã đưa vào 6 con ngựa và cử ông Nguyễn Quang Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa sang mượn voi của các bạn Lào. Anh Tiêng - Phết - Thìn Sê - pôn, Giám đốc Xí nghiệp liên doanh khai thác lâm sản tỉnh Savanakhet, cho đoàn làm phim mượn một con voi kéo gỗ đã thuần phục mà không đòi hỏi gì. Trong thư gửi cho Tỉnh ủy Quảng Trị anh viết: “Để đóng góp cho công việc làm phim nhằm thể hiện tình cảm của chúng tôi đối với Hồ Chủ tịch và với tỉnh Quảng Trị, chúng tôi xin đóng góp - góp chứ không bắt buộc đoàn làm phim phải thuê mướn theo giá trị ngày công hoặc hao mòn”.

Thực hiện bộ phim truyện “Hẹn gặp lại Sài Gòn” hồi ấy không còn riêng trách nhiệm của đoàn làm phim mà đã trở thành tình cảm và trách nhiệm chung của cả nước, của bạn bè gần xa trên tinh thần ngưỡng mộ và kính yêu Người. Trong đó, con người và vùng đất Huế có quyền tự hào như ông Hoàng Hà, Giám đốc nghệ thuật phim, đã viết: “Cảm ơn Huế đầu thế kỷ cưu mang Nguyễn Tất Thành, cuối thế kỷ cưu mang bộ phim truyện “Tất Thành - Hồ Chí Minh””.

Theo Thừa Thiên Huế online