TRÂU TRONG HỘI HỌA: BIỂU TRƯNG CHO SỰ BÌNH YÊN, NO ĐỦ

Bằng phong cách tả thực, trừu tượng kết hợp với những nét cách điệu, biến hóa sinh động, hình tượng con giáp năm Tân Sửu 2021 hiện lên trong tranh bằng dáng vẻ thân thuộc, mạnh mẽ, biểu trưng cho một năm mới yên bình, no đủ, góp thêm hương sắc cho tết cổ truyền.

 

“Trâu” của Nguyễn An

Khai mạc đúng vào ngày tiễn ông Táo về trời - 23 tháng Chạp, triển lãm tranh con giáp là cách để giới mỹ thuật tiễn đưa năm cũ, nghênh đón năm mới Tân Sửu 2021. Năm nay, gallery Sông Như (14 kiệt 7 Nguyễn Công Trứ, TP. Huế) giới thiệu đến công chúng phòng tranh con giáp “Tru ni nỏ họ tắc rì”.

Với 30 tác phẩm của 15 tác giả, bằng những chất liệu quen thuộc: sơn mài, sơn dầu, acrylic, gốm…, hình tượng con giáp Tân Sửu 2021 được thể hiện qua hội họa với nhiều nét cách điệu, trong dáng vẻ thân thuộc, sinh động, mang đến cho người thưởng lãm không khí nao nức của mùa xuân đang gần kề. Mỗi người một phong cách, cách nghĩ, cách cảm về hình tượng linh vật, triển lãm mang đến cho người xem một “thế giới trâu” đa sắc màu, sống động và không kém phần ngộ nghĩnh.

Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, trâu là loài vật quen thuộc với cuộc sống của người dân Việt Nam. Trong văn hóa phương Đông, trâu là con giáp đứng thứ hai trong 12 con giáp, biểu tượng cho tính cách hiền lành, cần cù, chăm chỉ, thật thà, cương trực, chất phác. Nó còn là linh vật tượng trưng cho sự khỏe mạnh, hùng dũng. Từ bao đời nay, trâu gắn bó cùng nền văn minh nông nghiệp lúa nước, trở thành hình tượng đi vào thơ ca, ca dao, hội họa dân gian.

Nhiều tác giả khai thác đặc tính và những câu chuyện dân gian của con giáp Tân Sửu để thể hiện sự sum vầy, tình cảm gắn bó, yêu thương trong ngày tết. Bức tranh “Bạch mai” của họa sĩ Nguyễn Quốc Sơn là cảnh sum vầy, gắn kết của đôi tình nhân trong vườn mai chờ đón xuân về. “Chơi xuân” của họa sĩ Phan Thanh Bình là cách ông nhân hóa hình tượng con vật cũng biết xuất hành, du xuân, thưởng hoa, chơi tết...

 “Chơi xuân” - Phan Thanh Bình

Vẫn là họa sĩ vẽ tranh con giáp nhiều nhất ở Huế, năm nay, họa sĩ Đặng Mậu Tựu góp mặt với 10 bức tranh vẽ về con trâu với cảm xúc hân hoan, ước vọng về một năm mới may mắn, tươi đẹp. Với chủ đề quen thuộc “Sống cùng trời đất” khi vẽ về con giáp, hình tượng linh vật năm nay không chỉ được ông thể hiện để tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở mà còn là sự mạnh mẽ, cương trực.

Nhiều họa sĩ khác cũng khai thác đề tài “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, một biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước gắn bó từ bao đời nay với người nông dân Việt Nam. Tác phẩm “Đồng quê” của Nguyễn Văn Sỹ là khung cảnh vùng quê thanh bình với mùa lúa chín, đầm sen, trâu mẹ cùng trâu con thỏa thích vẫy vùng… gửi đến người xem niềm mong ước về sự bình yên, một năm mới an lành, hạnh phúc.

Ngoài gallery Sông Như, tại triển lãm tranh “Mùa xuân và con giáp” trưng bày ở Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, người xem cũng được thưởng thức nhiều tranh vẽ, sắp đặt con giáp thú vị. Với hai tác phẩm “Dưới cánh đồng” bằng sơn mài, nghệ sĩ Nam Thành Trung thể hiện hình tượng con trâu bằng ngôn ngữ đồ họa. Những đường nét trên nền hòa sắc ấm gợi cho người xem về sức mạnh của trâu, một hình ảnh đẹp đẽ nơi cánh đồng. Sắc vàng trong tác phẩm cũng là một ẩn dụ thú vị, như sự mong cầu về những mùa vàng bội thu, no ấm, đủ đầy.

Hai bức vẽ trâu của họa sĩ Trần Hữu Nhật là cách anh cảm về con trâu với sự dũng mãnh nhưng gần gũi, chịu thương, chịu khó, biểu trưng cho tinh thần lao động, tựa như đức tính của người Việt. Trần Hữu Nhật chia sẻ, anh vẽ hình tượng con trâu trong tâm thế lạc quan, mong ước năm Tân Sửu xua tan những vận hạn của năm Canh Tý, sớm hết dịch bệnh COVID-19 và nhân loại lại ổn định trong cuộc sống thanh bình.

“Sống cùng trời đất” - Đặng Mậu Tựu

Nhiều bức tranh khác cũng vẽ con trâu với những hình ảnh mạnh mẽ qua cặp sừng sắc nhọn, linh hoạt, đôi mắt rực lửa, biểu hiện nguồn năng lượng mạnh mẽ. Cũng có khi, trâu hiền hòa, mộc mạc với hình ảnh ra đồng, đằm mình dưới sông nghênh đón mùa xuân… Không chỉ vẽ theo lối tả thực hay trừu tượng, hình tượng con giáp năm nay còn được thể hiện qua nét vẽ dân gian, bằng gốm, sắp đặt để kể cho mọi người câu chuyện trong năm mới.

Sức cuốn hút của mỗi bức tranh không chỉ bởi chân dung con giáp được mô tả sinh động với đủ tư thế, màu sắc, mà còn rất cá tính, gần gũi với đời sống và mang hơi thở của mùa xuân. Từ đó, người thưởng lãm có thể hiểu rõ hơn về con trâu trong văn hóa của người Việt, tìm thấy nhiều chi tiết đắc ý để ngẫm nghĩ, ước mong một năm mới mưa thuận gió hòa, ấm no hạnh phúc, tài khí dồi dào như biểu trưng của linh vật Tân Sửu.

Thừa Thiên Huế online