TÔI ỦNG HỘ NAM CÔNG CHỨC HUẾ MẶC ÁO DÀI ĐI LÀM

TS Nguyễn Thanh Mai cho rằng ý tưởng công chức ngành văn hóa Huế mặc áo dài nếu phù hợp trên nhiều phương diện thì có thể ủng hộ thay vì "ném đá".

Mạng xã hội những ngày qua có những ý kiến trái chiều trước thông tin Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế khuyến khích nam công chức của cơ quan này mặc áo dài ngũ thân đi làm việc vào ngày đầu tuần mỗi tháng.

Trao đổi với Zing về chủ đề này, TS Nguyễn Thanh Mai, giảng viên khoa Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng sự phù hợp là yếu tố đặt lên hàng đầu khi đánh giá văn hóa ăn mặc.

Chấm điểm mức độ phù hợp

Sự phù hợp ở đây được đánh giá trên từng phương diện như phù hợp ngoại hình, giới tính, tính cách, thời đại, phong cách, hoàn cảnh, tính chất, đối tượng giao tiếp, nghề nghiệp...

Theo TS Mai, có thể đặt 5 câu hỏi để kiểm chứng sự phù hợp của việc mặc áo dài của công chức Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế.

cong chuc mac ao dai di lam anh 1

Nam công chức sở mặc áo dài truyền thống trong ngày thứ 2. Ảnh: Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Câu hỏi đầu tiên là môi trường, cảnh quan ở Huế có phù hợp không. Có thể thấy điều kiện tự nhiên, không gian thanh bình, không xô bồ, phù hợp với nếp sinh hoạt truyền thống.

Thứ 2 là môi trường văn hoá Huế có phù hợp không. Huế là mảnh đất cố đô mang đậm giá trị văn hoá lịch sử. Trang phục áo dài cũng là nét đặc trưng của mảnh đất này.

Thứ 3 là tính cách người Huế có phù hợp không. Xét đến những nét tính cách đặc trưng như nhẹ nhàng, thư thái, từ tốn thì việc mặc áo dài là phù hợp.

Điểm thứ 4 là môi trường làm việc có phù hợp không. Ý tưởng này hiện chỉ phổ biến trong phạm vi công chức của ngành văn hoá. Công việc của họ gắn bó với các giá trị truyền thống và di sản nên có thể mặc áo dài.

"Tuy nhiên, nếu xét thấy trang phục này ảnh hưởng đến tác phong và năng suất công việc thì không nên", TS Nguyễn Thanh Mai lưu ý.

Câu hỏi thứ 5 là bản thân các công chức - chủ thể văn hoá - có mong muốn, tự hào khi mặc trang phục này hay không. Áo dài là niềm tự hào riêng của người Huế khi mặc lên. Nếu họ đã trải nghiệm và không cảm thấy bất tiện thì họ có quyền duy trì.

Vị giảng viên khoa Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội nói nếu ý tưởng thỏa mãn cả 5 yếu tố trên thì lúc đó mới xét đến các mục đích lâu dài như nó có góp phần giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống không, có xây dựng hình ảnh thương hiệu văn hoá vùng miền, thu hút du khách, phát triển du lịch không...

"Cá nhân tôi ủng hộ ý tưởng nam công chức văn hóa mặc áo dài. Tuy nhiên, không nên ngày nào cũng mặc", TS Nguyễn Thanh Mai chia sẻ.

Áo dài nam bị lãng quên

Trao đổi với Zing, Nhà nghiên cứu Văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa cho rằng việc Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế khuyến khích nam công chức mặc áo dài ngũ thân vào thứ 2 đầu tuần mỗi tháng là điều rất đáng trân trọng.

"Họ mặc áo dài vào ngày thứ 2 để làm lễ chào cờ nên rất trang trọng. Còn những ngày khác, họ vẫn mặc áo quần bình thường để làm việc nên 2 vấn đề này chẳng có gì mâu thuẫn", ông Hoa đánh giá.

cong chuc mac ao dai di lam anh 2

Nam giới thời xưa mặc áo dài. Ảnh tư liệu.

Trước những ý kiến trái chiều cho rằng việc nam công chức mặc áo dài là cổ hủ, không hợp xu thế hiện đại, ông Hoa cho rằng đã có một thời kỳ, mọi người xem những giá trị truyền thống là cổ hủ, là tàn dư của văn hóa phong kiến. Để xóa bỏ định kiến lệch lạc đó, chính quyền cần quảng bá rộng rãi những giá trị văn hóa truyền thống để người dân hiểu hơn.

"Áo dài nữ được phổ biến rộng rãi, còn áo dài nam gần như bị lãng quên, bị sử dụng một cách méo mó theo hình thức sân khấu hóa không đúng chuẩn để thể hiện những nhân vật phản diện kiểu cường hào, ác bá. Vì vậy, dư luận có nhiều cách hiểu sai khi nhìn thấy nam giới mặc áo dài", ông Hoa nhận định.

Theo nhà nghiên cứu, áo dài truyền thống dành cho nam giới rất trang trọng, uy nghiêm vào thời nhà Nguyễn. Những vị quan trong triều hoặc người có chức sắc trong làng xã đều mặc áo dài.

Theo Zing