Niềm vui Trung thu

Khi ánh trăng rằm tháng 8 sáng dần, cũng là lúc tiếng trống lân bắt đầu giục giã khắp các nẻo đường. Bên cạnh việc phá cỗ, rước đèn sao, một mùa Trung thu rộn vang tiếng trống, cùng những điệu lân kỳ thú là điều không thể thiếu.

Trống lân rộn rã

Mấy hôm nay, khắp các tuyến đường chính, như: Hùng Vương, Bến Nghé, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… đường phố đông nghẹt người dõi theo từng động tác biểu diễn của các chú lân. Các đội lân lớn với những bước nhảy điêu luyện được những người đứng xem đánh giá là khá bài bản. Huy Hoàng, một thành viên múa lân kỳ cựu nhấc chiếc đầu lân ra khỏi mình, cho hay: “Muốn múa đẹp, em phải tập luyện rất nhiều. Để có những bước nhảy điệu nghệ, người múa lân thường phải biết sơ qua về võ thuật, bộ pháp chững chạc, linh hoạt, phải thực sự đam mê để tìm tòi những điệu nhảy đẹp mắt”.

Những chiếc đầu lân sặc sỡ, ông địa với chiếc bụng no tròn luôn khiến người xem thích thú

Hoàng cho biết thêm, một màn múa lân Huế thường có 7 trường đoạn: Thần linh xuất động, Bát bộ liên hoa, Phục lan, Lân Linh chi, Lân tranh châu, Lân ký diều và Lân hồi sơn. Một màn múa đẹp là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lân và địa, giữa điệu múa và nhịp trống phụ họa, giữa múa và biểu diễn kỹ xảo. Thường, những đội lân kiểu tự phát bây giờ ít còn giữ được cách múa bài bản như trước đây.

Ở nông thôn, không khí múa lân rộn ràng không kém với từng tốp thiếu niên thể hiện hết mình trong những điệu lân vui nhộn. Khắp trên các ngả đường của phường Phú Bài đến các thôn, xóm nhỏ của Thủy Châu, Thủy Lương, Thủy Phù ở thị xã Hương Thủy, đâu đâu cũng thấy bóng dáng của các chú lân. Từ chiều, tiếng trống lân đã vang khắp đầu làng, ngõ xóm. Những chiếc đầu lân sặc sỡ, nhiều màu sắc, ông địa với chiếc bụng no tròn và mặt nạ ngộ nghĩnh, nhiều màn múa đẹp mắt, sinh động khiến các đội lân lúc nào cũng đông khán giả.

Em Phạm Quốc Hoàng, học sinh lớp 9, Trường THCS Thủy Lương háo hức: “Chưa đến giờ múa nhưng tụi em đi đánh trống khắp làng cho vui. Nhóm em gồm 10 người cùng góp tiền mua lân, trống, thuê thêm chiếc xích lô để chở trống nữa. Xuất quân từ hôm mùng 10, đội lân sẽ múa đến đêm 15 âm lịch. Mọi năm, trừ chi phí, tụi em cũng dư được một khoản để tổ chức phá cỗ Trung thu muộn”.

Tuy múa không điêu luyện nhưng các đội lân “nhí” vẫn tạo được sự thu hút riêng với nét ngây thơ, nhí nhảnh của những điệu nhảy tự do, ngộ nghĩnh và không kém phần vui nhộn. Chỉ cần một chiếc trống con, một chiếc đầu lân nhỏ là các em có thể lập thành một đội lân. Niềm vui không chỉ của người trong cuộc, những em bé theo xem đội lân cũng hào hứng không kém. Nét cười rạng rỡ trên gương mặt, Nguyễn Võ Gia Hân (học sinh lớp 6, Trường THCS Phú Bài) thích thú: “Mấy hôm nay, con tranh thủ học bài vào ban ngày để tối xin mẹ đi xem lân. Nhìn các anh xoay tít trong chiếc đầu lân sặc sỡ, con thích lắm. Không khí thật hứng khởi, rộn rã…”.

Trung thu ý nghĩa

Trung thu này, nhóm thiện nguyện GSfC đã quyên góp quà để mang niềm vui đến cho các bạn nhỏ dân tộc thiểu số ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới. Những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa: đèn ông sao, lân, trống, bánh trung thu, quần áo, cặp sách… mang đến cho các chủ nhân một đêm hội trọn niềm vui.

Cô Đặng Thị Nga (TP. Huế), thành viên của nhóm chia sẻ: “Năm nay, nhóm GSfC tổ chức chương trình “Vầng trăng cho em” ở Đông Sơn, một nơi vùng sâu vùng xa của huyện A Lưới. Địa điểm tổ chức là Trường tiểu học Đông Sơn với 133 em học sinh dân tộc Pa Kô, Ka Tu, Tà Ôi. Với sự chung tay hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần của bạn bè gần xa, nhóm GSfC trao những phần quà đầy ắp tình thương đến với các em, giúp các em có được niềm vui như các bạn nhỏ khác”.

Ở 9 huyện, thị xã và TP. Huế đều tổ chức đêm hội trăng rằm cho trẻ thơ, trong đó tập trung ưu tiên cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài được phá cỗ và tặng quà trung thu, các em được hòa mình vào nhiều trò chơi sôi nổi: rước đèn ông sao, giao lưu văn nghệ, xem múa lân, hoạt cảnh chú Cuội, chị Hằng...

Bà Võ Thị Kim Khánh, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em – Bình đẳng giới, Sở Lao động – Thương binh vã Xã hội cho hay: “Mỗi dịp Trung thu, trẻ con lại háo hức đón chờ được vui hội với cỗ trăng và tiếng trống lân rộn rã. Với những trẻ em thiệt thòi, niềm mong mỏi ấy càng lớn hơn nhiều. Năm nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã dành tặng nhiều phần quà, các suất học bổng gửi đến các địa phương, các trung tâm bảo trợ trẻ em để các em có một đêm hội vui Trăng ấm áp”.

Theo Thừa Thiên Huế online